Xã Đăk Liêng tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để phát triển Kinh tế – Xã hội

Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng luôn được xã Đăk Liêng xác định là khâu quan trọng, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cơ bản thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Nhiệm kỳ qua, từ các nguồn vốn được phân bổ cùng với đó là lồng ghép các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xã đã tập trung quán triệt trong hệ thống chính trị, xây dựng kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Nhờ vậy, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt của xã từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, xã đã được đầu tư 43 tỷ đồng vào việc phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách của Trung ương, của tỉnh , huyện và nhân dân đóng góp để xây dựng các công trình như:

Xây dựng mới 05 nhà văn hóa và sửa chữa 01 công trình tổng kinh phí xây trên 1,4 tỷ đồng. Xây dựng cơ sở vật chất giáo dục gồm phòng học, sân, tường rào, bể bơi, công trình phụ… với tổng trị giá hơn 13,2 tỷ đồng. Bê tông hóa 17 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 10.228m và 05 tuyến đường nội đồng với tổng kinh phí trên 24,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân hiến đất, cây cối và hoa màu trị gái khoảng hơn 1,3 tỷ đồng. Kiên cố hóa hệ thống thủy lợi gồm 04 công trình đập và 15,5 km kênh mương với tổng trị giá trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có nhiều công trình đường giao thông nông thôn, nội đồng được hỗ trợ xây dựng thực hiện nhà nước và nhân dân cùng làm…

Cơ sở hạ tầng không ngừng được quan tâm đầu tư nhờ vậy chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng lên, từ chăm sóc y tế, giáo dục, cho đến đời sống văn hóa, giao thông đi lại thuận tiện góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển…

Mặc dù vậy, thời gian tới người dân vẫn rất cần có sự quan tâm đầu tư nguồn vốn của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm phúc lợi để phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, nhất là hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Trong thời gian tới, xác định việc tập trung đầu tư các dự án hạ tầng nhằm tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phát huy tiềm năng lợi thế của xã, thực hiện mục tiêu tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, chính quyền địa phương sẽ có cơ chế thích hợp để tạo mọi điều kiện thuận lợi môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp làm ăn trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới…

Vy Thủy