Là huyện 30a của tỉnh Đăk Lăk, có trên 65% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, vì vậy những năm qua, tín dụng chính sách xã hội được ví như chiếc “phao cứu sinh” để giảm nghèo ở huyện Lăk. Bằng sự nỗ lực vươn lên của chính hộ gia đình và sự “tiếp sức” kịp thời từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từ đó đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện tiếp tục thu được những kết quả rất tích cực, tỷ lệ giảm nghèo hiện còn 31,99%, giảm 19,33% so với cuối năm 2015, trung bình mỗi năm giảm hơn 3,8%, nhiều hộ ở thôn buôn, vùng sâu, vùng xa đã vươn lên thoát nghèo. Có được kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự vươn lên của bà con nhân dân. Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò của tín dụng chính sách xã hội với các chương trình cho vay, tạo điều kiện cho bà con có vốn làm nhà ở và phát triển kinh tế. Thống kê cho thấy, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2019, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện có tổng dư nợ trên 346 tỷ 165 triệu đồng với 14 chương trình cho vay, có 3.916 lượt khách hàng được vay vốn. Từ đó đã giúp cho hơn 355 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ xây dựng được 585 căn nhà cho hộ nghèo; giúp 77 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề; xây dựng được gần 5.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả vay vốn, nguồn vốn đã giúp các hộ gia đình tạo được thu nhập ổn định, trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Trong 09 tháng đầu năm 2020, hệ thống phòng giao dịch NHCSXH đã thực hiện cho vay 3.005 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn huyện với số tiền cho vay 105 tỷ đồng, thông qua 04 tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác của phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với 248 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn toàn huyện. Thông qua các hội, đoàn thể, các đối tượng vay vốn được công khai, dân chủ ở cấp thôn, buôn, thông báo cho người dân làm đơn xin vay và toàn bộ danh sách hộ vay được niêm yết tại trụ sở xã. Khi giải ngân, có sự chứng kiến của tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền, ngân hàng.
Điểm sáng trong thực hiện tốt công tác nhận ủy thác và giám sát nguồn vốn vay tín dụng chính sách, giúp các hộ dân giảm nghèo đó là xã Buôn Tría . Trong những năm qua xã có 535 hộ dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay (hơn 19 tỷ đồng) để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế… Với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền xã và sự vươn lên của người dân, hiện nay toàn xã còn 64 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ dưới 7%. Xã đã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Hội nông dân xã Buôn Tría cũng là một trong các tổ chức hội – đoàn thể thực hiện tốt công tác ủy thác vốn vay, quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tại Hội Nông dân xã đang quản lý 06 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 208 hộ, tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng. Việc bình xét cho vay và thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn luôn được Hội chú trọng để đồng vốn phát huy được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm thường xuyên và động viên của các Chi hội trưởng đã tạo thêm niềm tin cho bà con chăm lo làm ăn kinh tế. Nhờ đó, trong số 208 hộ vay vốn hội nông dân quản lý đến nay đã có 14 hộ gia đình vươn lên thoát được nghèo
Ngoài Hội nông dân xã Buôn Tría còn có Hội LHPN các xã Đăk Phơi, Đăk Liêng,…. được Phòng giao dịch NHCSXH huyện đánh giá quản lý tốt và phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay. Thông qua nguồn vốn vay, các chị em phụ nữ đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả vươn lên thoát nghèo, trở thành tấm gương cho các hộ khác học tập, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào xóa đói giảm nghèo. Trong số đó có gia đình chị Lục Thị Bảy, thôn Cao Bằng xã Đăk Phơi và gia đình chị Chị H’ Ben Long Ding, buôn Ranh B, xã Đăk Liêng.
Trước đây gia đình chị Lục Thị Bảy là một trong số những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn của thôn Cao Bằng, xã Đăk Phơi. Gia đình chị có hơn 300 cây cà phê đã già cỗi, nhưng không có vốn đầu tư chăm sóc và 4 sào lúa nằm ở vùng trũng thường xuyên bị ngập úng do mưa lũ. Vì thế, cả nhà 5 miệng ăn chủ yếu trông chờ vào số tiền ít ỏi từ việc làm thuê, cuốc mướn của hai vợ chồng. Năm 2008, thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã, chị Bảy được vay 25 triệu đồng từ vốn vay ngân hàng chính sách. Chị mua 2 còn Bò về nuôi và đầu tư nhổ bỏ diện tích cà phê già cỗi của gia đình để trồng mới, tích cực tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, cải tạo ruộng lúa. Các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của địa phương tổ chức chị Bảy đều tham gia, sau đó áp dụng chăm sóc đàn bò, nhờ thế bò sinh sản nhanh. Nguồn phân bò được chị tận dụng bón cho cây trồng. Có ít vốn từ tiền bán bò chị dành dụm mua thêm đất đồi về trồng cà phê. Chịu khó làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, chỉ một năm sau chị Bảy đã thoát được nghèo. Không những thế, cùng với số tiền tiết kiệm được chị Bảy vay mượn thêm xây đựng được căn nhà kiên cố có diện tích 130 m2 để ở. Đến nay từ việc sản xuất 1,5 ha cà phê, gần 50 cây Điều cao sản, 4 sào lúa nước và 1000m2 ao cá, chị Bảy có mức thu nhập ổn định trung bình 150 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí.
Trên địa bàn xã Đăk Liêng. Tiêu biểu trong phong giảm làm ăn kinh tế giảm nghèo là gia định chị H’ Ben Long Ding đang sinh sống tại buôn Ranh B, trước đây gia đình chị là một trong những hộ nghèo nhất, nhì của buôn . Năm 2014, thông qua Chi hội Phụ nữ của buôn chị được vay số tiền 15 triệu đồng từ phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện, só tiền này chị đã mua 2 con bò giống về nuôi. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ và nắm được kỹ thuật chăn nuôi từ các lớp tập huấn nên chị H’ Ben đã chăm sóc hai con bò mẹ phát triển khỏe mạnh và sinh sản đều đặn. Có những thời điểm đàn bò của gia đình chị có đến 9 con. Có ít vốn từ tiền bán Bò chị dành dụm mua thêm đất đồi để trồng cà phê, phân Bò thì được chị tận dụng bón cho cây trồng. Khi cuộc sống gia đình dần ổn định hơn, chị mạnh dạn vay mượn thêm dòng họ xây dựng căn nhà sàn diện tích khoảng 180 m2, với tổng số tiền 300 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, giờ đây gia đình chị H’ Ben sở hữu 1,7 ha cà phê, năng suất 3 tấn nhân/1 ha, ngoài ra chị còn có 3 sào ruộng, 2 sào đất trống cho người dân thuê trồng khoai lang Nhật và nhiều máy móc nông cụ phục vụ sản xuất có giá trị cao. Đàn Bò vẫn được gia đình chị H’ Ben duy trì. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị thu lãi trên 120 triệu đồng. Chịu khó làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, đến năm 2017 gia đình chị H’Ben không chỉ thoát được nghèo, mà còn trả hết nợ ngân hàng và khoản nợ vay xây nhà.
Thông qua các hội – đoàn thể 14 chương trình cho vay của phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đều đạt chất lượng và hiệu quả. Từ nguồn vốn đã giúp hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sốn.Có được kết quả trên là nhờ phòng giao dịch NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đã phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, vừa tuyên truyền để các đối tượng thụ hưởng nắm rõ mức vay và thời hạn vay tối đa để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh vừa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây dựng phương án và sử dụng vốn của người vay. Các tổ chức chính trị xã hội còn chủ động tham mưu với chính quyền cấp xã trong việc rà soát danh sách hộ nghèo và phê duyệt đối tượng vay vốn.
Có thể nói, đối với những hộ nghèo việc nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội “tiếp sức” kịp thời cho họ, chính là “đòn bẩy” quan trọng giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương./.
Vy Thủy
- Nhà nông phấn khởi khi giá lúa hè thu 2024 tăng cao
- Người dân huyện Lắk gấp rút thu hoạch trước diễn biến của cơn bão số 3 (Yagi)
- Xã Buôn Tría giao 1.556 giống cây ăn trái cho người dân thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng
- Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và Mầm non Liên Sơn chuẩn bị cho năm học mới 2024 – 2025
- Xã Yang Tao trao tặng 1200 giống cây ăn trái cho người dân