Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thực hiện Công văn số 2534 ngày 03/7/2024 của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai Công điện số 02 ngày 25/6/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong thời gian tới trên địa bàn huyện.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, Tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 20/6/2024: Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 17 hộ, 13 thôn, 9 xã của 07 huyện (Krông Năng, Lắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar và Cư Kuin) làm chết và tiêu hủy 189 con với tổng khối lượng 6.335 kg. Bệnh Dại trên chó đã phát hiện và tiêu 12 con chó tại 6 huyện, 10 xã/phường/thị trấn, 12 thôn/buôn, 12 hộ (huyện Cư Kuin 07 con; thị xấ Buôn Hồ 01 con; thành phố Buôn Ma Thuột 01 con; Cư M’gar 01 con; Krông Năng 01 con và Ea H’Leo 01 con). Tổng số con chó bị chết và tiêu hủy do mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại là 29 con.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người chăn nuôi, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tập trung nguồn lực tổ chức, thực hiện triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, theo đúng quy định của pháp luật về Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó cần tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các ố dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch bệnh lây lan; thực hiện giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận thôn, buôn, hộ gia đình, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường. Tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn châu phi, Dại…; đặc biệt lưu ý đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ cao, đã tiêm vắc xin nhưng sắp hết thời gian miễn dịch.

Huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Hướng dẫn người nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học; thường xuyên chủ động vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh nhằm đảm bảo an toàn đàn gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi ở địa phương trong thời gian tới.

                                                       XT –BT