Huyện Lăk điểm đến lý tưởng của du khách thập phương

Huyện Lắk là một huyện miền núi, nằm phía Nam dãy trường sơn, phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 50 km theo quốc lộ 27, bao gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã. Phía Bắc giáp huyện Krông Ana và huyện Krông Bông; 3 mặt còn lại phía nam, phía đông và phía tây giáp tỉnh Đắk Nông và tỉnh Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 1.256 km2, trong đó diện tích mặt nước hơn 4.500ha. Địa hình được chia thành những vùng có tính đặc thù riêng biệt và được phân chia thành hai dạng đặc trưng. Đồi, núi cao chiếm 85%; đồng bằng, vùng trũng chiếm 15% tổng diện tích tự nhiên. Nhờ bù đắp phù sa của con sông Krông Na vào mỗi mùa mưa lũ đã tạo nên một vùng đồng bằng rộng lớn với diện tích gần 20.000 ha tạo thành cánh đồng canh tác lúa nước ở 03 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết. Huyện có trên 77.000 dân, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 63% dân số toàn huyện. Sức thu hút của huyện Lắk chính là vẻ đẹp được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan với nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, các điểm du lịch trải nghiệm, khám phá vô cùng lý thú như thác Bìm Bịp xã Yang Tao, thác Liêng Puh Pêt, di tích lịch sử hang đá ba tầng ở xã Krông Nô, hay đỉnh núi Chư Yang Lắk với độ cao 1.700 m, đặc biệt là đỉnh núi Chư Yang Sin (2.442 mét) cao nhất hệ thống núi cao cực Nam Trung Bộ. Phía dưới chân núi là những cánh đồng rộng lớn, được bồi đáp lượng phù sa, màu mỡ từ con sông Krông Ana, trải dài từ buôn M’liêng, xã Đắk Liêng đến cánh đồng 08/4 xã Buôn Triết. Xung quanh hồ Lắk được bao bọc bởi những buôn làng người M’nông đang còn lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống của người M’Nông từ ngàn đời xưa cho đến nay…vì vậy đến với huyện Lắk, không chỉ là đi leon núi “săn” mây, khi đặt tour trải nghiệm, du khách còn được tìm hiểu thêm về văn hóa tín ngưỡng, thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc biệt là hòa mình trong những nhịp chiêng ngân vang của đồng bào M’nông tại chỗ.

Huyện Lắk có 04 di tích được xếp hạng (02 di tích quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh) với nhiều loại hình khác nhau, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, tiếp đó là những di tích lịch sử phản ảnh lại những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc huyện Lắk qua các thời kỳ, cũng có di tích lại là sản phẩm kiến trúc văn hóa độc đáo.

Cùng với du lịch trải nghiệm, nhiều loại hình du lịch cộng đồng được hoà nhập vào đời sống lao động tại các buôn làng đang hình thành và phát triển. Nhiều du khách đến với huyện Lắk để thư giãn, trải nghiệm tìm hiểu về những tập quán, đời sống sinh hoạt văn hoá của người đồng bào M’nông bên hồ Lắk thơ mộng, khám phá nghề thuần dưỡng, nuôi voi, nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, chế tác gốm truyền thống của người M’Nông ven hồ Lắk. Khí hậu ở huyện Lắk phân chia thành 2 mùa khá rõ rệt. Tháng 5 đến cuối tháng 11 là mùa mưa và tháng 12 đến tháng 4 năm sau là mùa khô.  Chính vì lẽ đó du khách hãy chọn đi du lịch huyện Lắk vào một thời gian thích hợp để có thể tận hưởng trọn vẹn cuộc hành trình đến với huyện Lắk với nhiều cảnh đẹp thơ mộng làm say đắm lòng người. Hãy cùng khám phá du lịch huyện Lắk.

  1. Hồ Lắk

Hồ Lắk nằm tại trung tâm thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50km về hướng Đông Nam, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ 2 trên cả nước sau hồ Ba Bể,có diện tích trên 600ha, là điểm du lịch thu hút du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng, với các dịch vụ bơi thuyền độc mộc, ca- nô, tàu cao tốc, chụp ảnh với voi, dạo quanh hồ, thưởng thức các món ăn truyền thống như cơm lam, canh cà đắng, chả cá thác lác, cá bống, canh thụt được khai thác đánh bắt từ hồ Lắk, xem múa lửa cồng chiêng, uống rượu cần trên nhà dài của người M’nông Rlăm, thăm quan biệt điện của vua Bảo Đại…

  1. Biệt Điện

Biệt điện; nằm trên trên chóp một ngọn đồi cao 422 mét so với mặt nước biển, thuộc địa phận thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, xây theo lối kiến trúc hiện đại vào năm 1951 do Thứ phi Bùi Mộng Điệp quản lý thi công. Các căn phòng ở biệt điện đều có cửa sổ rộng nhìn ra quanh vườn là những cây sứ trắng cổ thụ. Hiện ở biệt điện còn lưu giữ nhiều hình ảnh về vua Bảo Đại cưỡi voi đi săn, bộ đồ săn của vua, tiêu bản cá sấu hồ Lắk…Ngày nay, biệt điện là một tổ hợp nhà hàng – khách sạn sang trọng, nơi thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan.

      3. Buôn cổ M’Liêng – Đăk Liêng.

Buôn M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, nằm bên hồ Lắk thơ mộng, là một trong những buôn cổ của đồng bào M’nông Rlăm đang sinh sống, ở đây còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào địa phương.

Cách trung tâm thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk khoảng 3 km, nằm giữa cánh đồng lúa lúa xanh tốt, quanh năm được tưới mát từ nguồn nước trong lành của hồ Lắk. Buôn M’liêng còn giữ được những nét cổ kính, thanh bình với những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào M’nông Rlăm nằm san sát nhau, án ngữ ngay trước cổng làng là cây đa cổ thụ có tuổi thọ trên 200 năm. Theo các già làng trong buôn, mặc cho mưa bão, lũ lụt hay hạn hán, cây cổ thụ này vẫn phát triển xanh tốt quanh năm. “Người dân buôn M’liêng coi cây đa cổ thụ như rừng thiêng, mỗi lần trong buôn có lễ hội hay gia đình nào có việc quan trọng, già làng, trưởng buôn và gia chủ đều mang lễ ra cúng Yang (thần) cây, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống buôn làng ấm no, hạnh phúc.

Trải qua năm tháng, cùng với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, đồng bào M’nông Rlăm ở buôn M’liêng vẫn luôn gìn giữ, trân trọng, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông trong cuộc sống đương đại. Từ năm 2005 trở lại đây, buôn M’liêng được trung ương, địa phương chọn đầu tư bảo tồn buôn văn hóa truyền thống dân tộc M’nông Rlăm. Với nguồn đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn 6 nhà dài truyền thống, cấp 12 bộ chiêng cùng các trang bị khác như ghế kpan, trống cho nhà dài…Ngoài ra, bà con trong buôn còn tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa như tu bổ, gìn giữ được 30 nhà dài dựng bằng gỗ, 50 nhà dài xây bằng gạch, bảo tồn 30 bộ chiêng, 50 bộ ché cổ, duy trì nghề dệt thổ cẩm. Buôn M’liêng có 3 đội chiêng, 1 đội múa, trong đó có đội chiêng trẻ và đội chiêng nữ…

Với văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc M’nông Rlăm, buôn cổ M’liêng là nơi dừng chân lý tưởng của du khách trong nước và ngoài nước.

    4. Suối Đắk Pok (suối Bông Krang), xã Bông Krang.

Bắt nguồn từ chân núi Chư Yang Sin chảy qua địa phận các buôn làng người M’nông rồi đổ ra hồ Lắk. Trên đầu nguồn có đập Liêng Nam, không chỉ phục vụ nguồn nước tưới tiêu cho ruộng đồng, mà nó còn là nơi tham quan, khám phá, điểm dừng chân để khách du lịch và người dân hoà chung với nhau đắm mình tắm mát trong dòng nước trong lành và xua tan đi mọi mệt mỏi của cuộc sống bộn bề, nhộn nhịp hàng ngày.

Nằm dưới hạ lưu của đập Liêng Nam suối Bông Krang là bến nước buôn Yơn, xung quanh được bao bọc bởi những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nên bến nước quanh năm rợp bóng mát, vừa tiện cho việc nghỉ ngơi của du khách cũng như là nơi để người dân thực hiện các nghi lễ cúng quan trọng trong năm như cúng bến nước, cúng thần sông, thần suối, cúng mùa vụ sản xuất, những ngày lễ hội của địa phương, bến nước được nhiều khách đến vui chơi nghỉ ngơi, hay tổ chức tiệc tùng chúc cụng nhau rất tưng bừng, nhộn nhịp…

       5. Núi đá voi Cha, xã Yang Tao.

Đá Voi Cha ngự giữa cánh đồng lúa bao la. Theo giai thoại của người xưa để lại, đá Voi Mẹ sau nhiều lần dịch chuyển đã tiến về sát chân núi (thuộc địa phận xã Yang Reh huyện Krông Bông), còn đá Voi Cha lúc đầu nằm ở phía Bắc, hướng mặt ra hồ Lắk nhưng chỉ sau một đêm, người ta đã thấy đá Voi Cha nằm sừng sững trên cánh đồng lúa giữa thung lũng rộng mênh mông. Hai mương nước chạy dài song song cạnh đó được cho là bằng chứng xác thực nhất về đường dịch chuyển của đá. Người dân nơi đây coi đá Voi như một vị thần thiêng liêng, che chở bảo vệ cho cuộc sống bình yên của họ nên bà con luôn trân trọng, giữ gìn và không bao giờ dám xâm phạm. theo người già kể rằng “đá Voi còn được coi như một vị thần tình yêu.

Các cặp trai gái yêu nhau vẫn thường ngồi trên lưng đá Voi hò hẹn, trao lời thề nguyền, cầu mong thần đá sẽ che chở cho tình yêu của họ. Ngày nay các giai thoại vẫn được truyền tai nhau trong cộng đồng người dân nơi đây và được lưu giữ trong tiềm thức của các già làng trong vùng và để thoả trí tò mò, khám phá những giai thoại này, nhiều du khách du lịch đến Lắk thường dừng chân ngắm nhìn và cưỡi lên mình hòn đá voi cha và trải nghiệm thực tế một cách thích thú lưu lại làm dấu ấn kỷ niệm cho chuyến đi của mình.

        6. Thác Bìm Bịp (Liêng Bôk Săč) Yang Tao.

Thác Bìm Bịp cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50km về hướng Đông Nam, thuộc địa phận buôn Năm Pă, xã Yang Tao, huyện Lắk. Thác Bìm Bịp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia ngày 23/12/2015. Theo những người M’nông sống ở buôn Năm Pă, buôn Biếp (xã Yang Tao, huyện Lắk), sở dĩ thác có tên gọi là Bìm Bịp vì trước đây gần khu vực thác có một buôn của người M’nông sinh sống tên buôn Biếp, do vậy mọi người quen gọi là thác buôn Biếp.

Sau này khi người Kinh vào đây sinh sống, thác buôn Biếp được gọi lệch thành thác Bìm Bịp, từ đó tên thác Bìm Bịp đã trở thành tên gọi phổ biến như ngày nay. Ngoài ra thác còn được gọi là Liêng bôk săč, theo tiếng M’nông: Liêng có nghĩa là thác, bôk là đầu nguồn, săč là dòng nước phun lên, bay lên,  do đó Liêng bôk săč là thác đầu nguồn có dòng nước phun lên rất đẹp. Để khai thác tiềm năng lợi thế của địa danh này, thời gian qua chính quyền địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp một số hạng mục công trình phục vụ khách du lịch trong ngoài nước đến tham quan, khám phá và trải nghiệm khu du lịch vô cùng hấp dẫn, đầy lí thú này.

7.Suối đá Đắk phơi.

Suối đá Đắk Phơi bắt nguồn từ chân dãy núi Chư Yang  Sin, được hình thành từ nhiều mạch nước ngầm từ trong lòng núi chảy ra và luồn lách qua các khu rừng già rồi chảy qua các buôn làng của người M’nông, đoạn cuối của dòng suối chảy qua địa phận xã Đắk Liêng rồi đổ vào hồ Lắk. Với chiều dài khoảng 02 km len lỏi giữa các buôn làng giữa ngút ngàn nương rẫy cà phê, dòng suối được tạo nên và chảy giữa các tầng đá grannit có màu xanh đen nên nước rất trong, nhiều đoạn suối uốn lượn theo 02 bên bờ đá, tạo thành những dòng thác nhỏ chảy hiền hoà giữa các vách đá đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động yên bình giữa núi rừng tây nguyên đại ngàn, gây thu hút các du khách đến đây nghỉ chân hoà mình vào dòng nước mát lạnh trong những ngày hè nóng bức, chói chang.

Với các lợi thế về khí hậu, cảnh quan tự nhiên hoang sơ, suối đá Đăk Phơi không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du khách vui chơi thưởng ngoạn trong dịp Tết mà còn sẽ là một lựa chọn lý tưởng cho du khách vào mùa hè oi ả. Đến Suối đá con người được hoà mình vào thiên nhiên, nghe tiếng suối chảy róc rách, hay có những đoạn suối quanh co, gập ghềnh tạo nên dòng thác nhỏ với những bọt nước tung trắng xóa, không khí trong lành và tươi mát cũng giúp cho con người vui tươi, sảng khoái, thoải mái và thư giãn xoá tan đi những mệt mỏi ưu phiền nơi phố phường chật chội.

8. Thác Liêng KehĐắk Phơi

Điểm du lịch thác Liêng Keh thuộc giáp ranh khoảnh 10 tiểu khu 1400 và khoảnh 1 tiểu khu 1413 xã Đắk Phơi, là thượng nguồn suối Đắk Hiu với cảnh thác thiên nhiên hùng vĩ, mang vẻ hoang sơ. Nằm sâu trong những cánh rừng già với ngút ngàn cây cổ thụ cao lớn với nhiều chủng loại, nhưng có sự riêng biệt là các loài thông lá kim có từ thời Pháp với hàng trăm năm tuổi.

Đây là địa điểm thác nước còn hoang sơ chưa có sự có mặt của khách du lịch khám phá đến nơi này, bởi vậy đây sẽ là điểm du lịch có tiềm năng đầu tư phát triển loại hình sinh thái dã ngoại khám phá, trải nghiệm.

      9. Hồ  thuỷ lợi Buôn Triết.

Nằm cách trung tâm thị trấn Liên Sơn 18 km hồ thuỷ lợi buôn Triết, xã Buôn Triết có diện tích mặt nước 47km2,  đây là hồ tưới tiêu lớn nhất trên địa bàn huyện Lắk, hàng năm hồ này cung cấp nước tưới cho hơn 1.300 ha cây trồng, trong đó riêng diện tích lúa nước trên 1.200ha, còn lại là cây cà phê, hoa màu khác.

Ngoài ra hồ buôn Triết còn là nơi thu hút sự tò mò khám phá của các du khách chuyên yêu thích các tua lữ hành, dã ngoại để tận hưởng những khoảng không gian yên bình, hoang dã. Đến đây khách chèo thuyền  quanh hồ để ngắm vẻ đẹp xanh thẳm của núi rừng tây nguyên, với hàng …dưới làn nước trong xanh sâu thăm thẳm và cùng tận  hưởng những món ăn thuỷ sản  được đánh bắt tại hồ như trôi, trắm, mè mỗi con có trọng lượng hàng chục kg.

  1. Hồ thuỷ điện Buôn Tua Srah

Là công trình thuỷ điện xây dựng trên dòng sông Krông Nô tại vùng đất xã Nam Ka huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Hồ được hình thành từ việc ngăn dòng một khúc sông Krông Nô  để xây nhà máy thủy điện buôn Tua Srah vào năm 2009. Thủy điện buôn Tua Srah có công suất lắp máy 86 MW với 2 tổ máy, công trình được khởi công tháng 11/2004 và hoàn thành vào tháng 7/2011. Hiện tại, hồ thuỷ điện buôn Tua Srah là một điểm du lịch sinh thái giàu tiềm năng của Tây Nguyên.

Du khách có thể dùng tàu thuyền du ngoạn thăm hồ và nguợc dòng Krông Nô để ngắm các vạt rừng nguyên sinh của khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, khám phá, trải nghiệm trên các bè cá nuôi giữa lòng hồ và thưởng thức những món ăn dân giã của các loài cá tôm cua ốc được các ngư dân chế biến ngay tại chỗ. Ngoài giá  trị tạo điện năng, cảnh quan, hồ chứa với dung tích 430 trịêu m3 nước này còn cung cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp, đem lại sinh kế cho hàng nghìn người và góp phần cải thiện điều kiện môi sinh, môi trường vốn khô cằn và bất thường của Tây Nguyên.

      11.Thác Liêng Puh Pêt (thác Ba tầng), xã Krông Nô

Cánh trung tâm xã Krông Nô khoảng 13 km, thác Liêng Puh Pêt nằm gần Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng (buôn Trang Yuk), một trong các địa điểm hoạt động cách mạng nằm trong vùng căn cứ phía Nam H10 – Lắk đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2020  thác Liêng Puh Pêt rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội của huyện Lắk nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Vị trí thác nằm giữa khoảnh 5 và khoảnh 6 của tiểu khu 1426 thuộc rừng phòng hộ do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm Nghiệp Lắk quản lý. Thác được bao phủ bởi hệ sinh thái rừng thưa cây lá kim và những cây thông ba lá cổ thụ nằm ở độ cao 776m đến 861m so với mặt nước biển. Thác được chia thành 3 tầng trải dài từ trên đỉnh xuống chân thác khoảng 2 Km, bắt nguồn từ những mạch nước ngầm chảy ra từ những khe đá trên đỉnh núi và hợp lưu tạo thành dòng thác hoang sơ chảy len lỏi qua các khối đá lớn từ đỉnh núi xuống chân núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu và sau đó đổ vào dòng suối Đắk Rơ Pul. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Liêng Puh Pêt quyến rũ con người bởi vẻ đẹp tươi tắn, trong lành và sự tích gắn với tên gọi của thác lưu truyền từ xa xưa.

Với một khung cảnh thiên nhiên, huyền ảo,  kì vĩ , thơ mộng nằm ẩn sâu giữ núi rừng tây nguyên, đã tạo nên dòng thác Liêng Puh Pết với nhiều cảnh đẹp còn rất hoang sơ. Đến nơi đây, du khách sẽ được trải nghiệm với những cuộc khám phá vô cùng lý thú và mạo hiểm, để rồi tự thả hồn mình trong tiếng thác reo, một bản nhạc giao hưởng với nhiều cung bậc cảm xúc âm vang suốt đêm ngày giữa đại ngàn tây nguyên bao la, sau những chặng đường leo núi mệt mỏi du khách sẽ được ngồi trên những tảng đá, thả lỏng chân mình ngâm trong làn nước mát lạnh và cảm nhận được sự thư thái, trong lành với cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng. Tiếng chim hót, ve kêu, hoà quyện cùng tiếng nước chảy róc rách khiến cho tâm hồn con người hoà quyện cùng thiên nhiên, xua tan đi những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống. Thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng) được UBND tỉnh công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh ngày 22/11/2021.

  1. Hang đá Ba tầng, xã Krông Nô

Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng (buôn Trang Yôk, xã Krông Nô, huyện Lắk) nằm sâu trong ngọn núi Yốk Sâm – một trong 4 ngọn núi cao ở huyện Lắk với địa hình hiểm trở.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là địa điểm hoạt động cách mạng của Đội công tác phát động quần chúng, xây dựng căn cứ Khu VI (Đội công tác), Đội du kích A1- H10 (Đội du kích); cũng là nơi trú ẩn của đồng bào M’nông ở các buôn Liêng Krăk, Yông Hắt, Dôt Rpưl khi địch càn quét.

Đường dẫn đến khu vực hang đá Ba tầng một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu với những cây cổ thụ và lồ ô, cỏ dại che kín; lên gần đến đỉnh núi có tre, nứa đan thành mái vòm che kín đường, tạo nên vẻ hoang sơ, hùng vĩ cho cảnh quan xung quanh di tích. Theo lời kể của đồng chí Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy thì trước đây, bao quanh hang đá là vùng rẫy của đồng bào M’nông với lùm bụi nhỏ, riêng khu vực gần hang lại có nhiều cây cao tươi xanh quanh năm, có nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau, tạo nên nhiều hang hốc. Từ trên những khối đá cao nhất xuống tới đáy sâu khoảng 10 mét, hình thành nhiều tầng (gọi là hang ba tầng) có sức chứa khoảng 100 người.

Hiện nay, toàn bộ vùng hang đá Ba tầng nằm dưới lòng thung lũng sâu, cách đỉnh núi khoảng 70 mét và được nhiều cây cổ thụ, vách đá to che khuất. Ngoài giá trị về lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử Hang đá Ba tầng còn có giá trị thẩm mỹ, khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thực vật phong phú, đa dạng. Đây là nơi lý tưởng cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, chinh phục, khám phá… Địa điểm hang đá còn là nơi tổ chức kết nạp Đảng cho các đồng chí cán bộ, du kích A1 – H10; tổ chức ăn tết đầu Xuân 1963 cho đồng bào M’nông trú ẩn trong hang. Đây chính là một trong những thành công của các chiến sĩ cách mạng trong công tác vận động nhân dân ở huyện Lắk trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hang đá Ba tầng được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 06/3/2020.

         13. Trải ngiệm thú vị săn mây tại Chư Yang Lắk

Núi Chư Yang Lắk cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km, nằm ven QL 27 tiếp giáp với thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk và thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Đỉnh núi Chư Yang Lắk có độ cao gần 1.700m, là một trong số các địa điểm “săn mây” tuyệt vời ở khu vực Tây Nguyên.

Đường đi đến đây có phần hiểm trở nhưng lại chứa đựng nhiều tầng thực vật, đa dạng và thú vị vô cùng. Bao gồm rừng bụi lá thấp, rừng thông và rừng nguyên sinh nhiệt đới ấm. Do có độ cao ấn tượng như thế nên từ đỉnh Chư Yang Lắk, bạn có thể phóng xa tầm mắt, chiêm ngưỡng một biển mây trắng ngần, bồng bềnh kết hợp cùng khung cảnh hùng vĩ… Chẳng khác như đang đứng trên đỉnh Tà Xùa nổi tiếng Tây Bắc. Để chinh phục được ngọn núi Chư Yang Lắk, chúng ta phải trekking khoảng 13km đường đồi núi (khoảng 7 tiếng đi và 4 tiếng về). Địa hình này đủ sức thách thức bất kỳ một trekker thực thụ. Sẽ khá vất vả khi bạn phải di chuyển và băng qua các con dốc cao. Tuy vậy cảm giác đi xuyên qua những cánh rừng sẽ giống như bạn đang được ngồi cạnh một chiếc máy điều hoà giữa thiên nhiên vậy. Mát mẻ và sảng khoái vô cùng. Cảnh sắc thiên nhiên tại đây vô cùng sống động và hấp dẫn.

        Săn mây tại Chư Yang Lắk: Ngỡ ngàng trước tầng mây trắng bồng bềnh trôi có thể với tay hái

Nhiều bạn trẻ từng trải nghiệm tại Chư Yang Lắk cho biết: “Ở đây chẳng khác nào những tour du lịch săn mây ở Đà Lạt hay phong cảnh “xịn sò” chẳng thua gì Sa Pa. Không ai nghĩ rằng Đắk Lắk lại có một thiên đường mây tuyệt vời và “bí ẩn” đến thế. Ngoài khoảnh khắc ngắm mây vào buổi sáng, bạn còn có thể quan sát mây trời cùng người đồng hành cắm trại, nướng thịt qua đêm, một hoạt động cực kỳ thú vị Chư Yang Lắk còn rất hoang sơ, mộc mạc vì ít người khám phá. Vẻ đẹp nơi đây đúng thật như “trả mọi thứ trở lại với đại ngàn”, khiến du khách khi chinh phục được sẽ cảm thấy xao xuyến và choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên. Chiêm ngưỡng biển mây trắng ngần, bồng bềnh trong chút sương lạnh sáng mai rồi nhâm nhi tách cà phê hoặc trà nóng hổi thì quả thực là một trải nghiệm cực kỳ lý thú.

Trên địa bàn huyện Lắk hiện có khoảng 29 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng, có nhiều lễ hội đặc sắc như: Hội cồng chiêng, Lễ cúng sức khoẻ, Lễ cúng bến nước, Lễ cầu mưa, Lễ bỏ mả …, Đặc biệt, Hội đua thuyền độc mộc nhân dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Lễ cúng Cầu mưa

Đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng được lưu truyền từ xa xưa chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào. Khi những cơn mưa phùn, cơn mưa không có sấm chớp bắt đầu xuất hiện, đồng bào M’nông không muốn cho các Yang (thần) nổi giận, gây sấm chớp có thể mang lại nhiều điềm gở cho buôn làng, vì vậy đồng bào tổ chức lễ cúng Yang, cầu xin Yang phù hộ cho những điều tốt đẹp, đồng thời để giải hạn xấu trong năm.Trải nghiệm làng nghề truyền thống làm gốm tại buôn Dơng Bắk và dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông

Lễ mừng sức khỏe (Lễ mừng thọ – Di sản văn hóa phi vật thể

cấp Quốc gia)

Đây là nghi lễ không thể thiếu trong vòng đời mỗi người con đồng bào M’nông, thể hiện lòng yêu quý của con cháu, tôn kính, hiếu thuận với ông bà,cha mẹ và kính mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho ông bà, cha mẹ được khỏe mạnh.

Hàng năm, vào những thời gian rảnh rỗi nông nhàn, người con trong nhà sẽ mời anh em, dòng họ tới phân công công việc tổ tổ chức lễ mừng sức khỏe cho bố mẹ. Lễ cúng cũng có sự góp mặt của dân làng trong buôn thể hiện tính gắn kết cộng đồng sâu sắc.

Lễ cúng được thực hiện theo thứ tự các bước, cúng cho người đã khuất, cúng cho ông bà tổ tiên và cuối cùng là cúng cho chủ nhân buổi lễ (người được cúng mừng sức khỏe). Tùy theo mỗi lần cúng sẽ chuẩn bị lễ vật khác nhau.

Lễ cúng mừng lúa mới

Trong đời sống tâm linh của người M’Nông, lễ cúng mừng lúa mới được xem là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Nghi lễ được tổ chức trọng thể nhằm tôn vinh hạt thóc của Yang (thần) ban cho dân làng và tập tục cúng các vị thần linh như: cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa.

Vào dịp tổ chức nghi lễ cúng mừng lúa mới, người M’Nông trang trí kho lúa bằng các loại cây hoa, được làm từ những que tre vót thành nhiều cành tượng trưng hình bông lúa, gọi là “Hừn du”.

Lễ cúng sức khỏe cho voi

Gắn liền với cuộc đời mỗi con Voi là lễ cúng sức khỏe cho Voi. Trong sinh hoạt hàng ngày, voi là người bạn cũng là người thân trong gia đình, voi luôn giúp đỡ, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc.

Mặt khác, trong những ngày hội, Voi không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng, vì thế, sức khỏe của Voi rất quan trọng, là do yang ban cho, chính vì vậy, việc cúng sức khỏe cho Voi rất được người dân coi trọng.

Hội đua thuyền Độc Mộc

Hội đua thuyền độc mộc trên hồ Lắk nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở huyện Lắk nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung. Giải đua thuyền độc mộc trên hồ Lắk, quy tụ các tay chèo của các đội đến từ các xã, thị trấn của huyện Lắk tham gia tranh tài. Các đội thi đấu ở 03 nội dung gồm: Đua thuyền 02 vận động viên, đua thuyền 03 vận động viên và đua thuyền 04 vận động viên kết hợp.

Hội thi đua thuyền độc mộc trên Hồ Lắk là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người địa phương. Là một hoạt động chính nằm trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Qua lễ hội thì du khách và người dân địa phương hiểu được giá trị văn hóa lâu đời của thuyền độc mộc cũng như giá trị văn hóa hồ Lắk.

Đến huyện Lắk, du khách được thưởng thức ẩm thực như rượu cần, cơm lam, gà nướng, thịt heo ba sọc của người đồng bào địa phương chăn nuôi theo hình thức thả rông, nên thịt săn chắc được bỏ trong ống tre nướng lụi dưới bếp than hồng tạo nên hương vị thơm ngon độc đáo, cá lăng hồ Lăk kho tộ, canh chua cá lóc, chả cá thát lát, cá bống rim khô – đây là những sản vật, đặc sản nổi tiếng từ lâu, được người dân đánh bắt từ hồ Lăk, canh cà đắng, đọt mây lá bép, rau rừng xào tỏi, đặc biệt là món gỏi cà đắng với cá cơm khô (món khai vị) rất phù hợp và thích thú cho du khách, ngoài ra còn nhiều món ăn khác như trứng vịt đồng luộc ăn với rau xanh, canh cá lá mì…

Cùng với thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc của người dân địa phương, du khách còn được trải nghiệm hòa mình vào không gian của lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá của người Tây nguyên.Đó là các điệu múa hấp dẫn và quyến rũ trong lễ trưởng thành, chúc phúc, ma chay, cưới xin, múa khiên, múa mời rượu, kết bạn, đuổi chim mùa lúa chín… hòa trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng và sự linh thiêng, sự chứng kiến của các giàng sông, giàng đất, được các diễn viên, nghệ nhân những chàng trai, cô gái M’Nông nhảy múa say mê bên ánh lửa bập bùng và cùng thưởng thức men rượu cần nồng say. Với cảnh vật phong phú, đa dạng, huyện Lăk được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử còn giữ được vẻ hoang sơ, tạo nên một bức tranh huyền ảo, thơ mộng. Bên cạnh đó người dân địa phương không những hiền lành, thân thiện mà còn bảo tồn và lưu giữ được nhiều lễ hội văn hoá truyền thống, đặc sắc, cũng như các phong tục tập quán riêng giàu bản sắc của người dân địa phương.

Trong thời gian gần đây, Đảng bộ, chính quyền huyện Lắk đã đầu tư mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện; Các khu, điểm du lịch đã chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mới, đa dạng, phong phú, độc đáo tạo nên các thương hiệu và được du khách khắp nơi biết đến và đón nhận. Trong thời gian tới chúng ta có quyền tin tưởng rằng huyện Lắk sẽ góp phần cùng với huyện Buôn Đôn và thành phố Buôn Ma Thuột sẽ là ba trọng điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk./.