PTV: Hòa chung không khí Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 ở huyện Lắk – mảnh đất đầy nắng và gió; nhà nhà, người người cũng đang hòa mình vào mùa xuân của núi rừng, của những cành hoa mai, hoa đào, hoa cà phê đang mùa nở rộ. Những ngày này, các cấp các ngành, các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm và những tấm lòng vàng đang tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, để ai ai cũng có một cái Tết ấm áp, không ai bị bỏ lại phía sau. Mời quý khán giả đến với phóng sự:“ GỬI TRAO YÊU THƯƠNG NHÀ NHÀ CÓ TẾT” để cảm nhận không khí đón năm mới của người dân ở huyện Lắk.
GỬI TRAO YÊU THƯƠNG NHÀ NHÀ CÓ TẾT
Chăm lo, bảo đảm các gia đình chính sách, người có công và người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đều có Tết yên vui, đầm ấm là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tại huyện Lắk đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm hơn 20% nên nhiệm vụ này càng được cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc các cấp trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn chỉ tính riêng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Huyện uỷ, HĐND, UBND đã thành lập các đoàn công tác đến thăm, chúc Tết và đã trao 494 suất quà của Chủ tịch nước; trao 642 suất quà của tỉnh và trao 567 suất quà của huyện với tổng số tiền hơn 693 triệu đồng cho các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng và trao tặng hàng trăm suất quà cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Thực hiện Quyết định số 491 ngày 02/02/2024 của UBND tỉnh về việc phân bổ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 từ nguồn dự trữ Quốc gia. Các xã, Thị trấn trên địa bàn huyện Lắk đã triển khai cấp 128 tấn 910 kg gạo hỗ trợ dịp Tết Giáp Thìn 2024 cho 8.594 nhân khẩu. Bảo đảm việc cấp phát gạo nhanh chóng, kịp thời, đúng định mức 15 kg gạo/người với tinh thần không để ai bị đói trong dịp Tết Nguyên đán.
Công tác an sinh xã hội của huyện luôn hướng về những người dân tộc thiểu số, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, qua đó góp phần xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, UBND huyện đã tổ chức hội nghị gặp mặt người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Tại buổi gặp mặt đã trao tặng 58 suất quà của Uỷ ban Dân tộc Trung ương và trao tặng 76 suất quà của UBND huyện Lắk cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Uỷ ban MTTQVN huyện đã tổ chức gặp mặt, tặng 22 suất quà nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 cho già làng, người uy tín tiêu biểu, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo địa bàn huyện. Đoàn công tác của Ủy Ban Dân tộc do đồng chí Y Vinh Tơr – Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng đoàn đã đến thăm và tặng 118 suất quà mỗi suất trị giá 700.000đ cho 18 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 100 hộ nghèo đồng bào DTTS của xã Đắk Nuê và Đắk Liêng. Qua đó đã góp phần khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình chính sách, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và những người yếu thế trong cuộc sống.
Mỗi dịp Tết đến xuân về vai trò của UBMTTQVN được thể hiện rõ nét hơn. Nhân dịp Tết Nguyên đán năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức chương trình Tết vì nghèo với 290 suất quà cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó với tổng tiền hơn 140 triệu đồng.
Luôn xác định công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, MTTQ các cấp huyện Lắk luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện nhiều hoạt động về công tác an sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống. Trong năm 2023, UBMTTQVN huyện đã vận động Quỹ “vì người nghèo” được gần 550 triệu đồng, từ nguồn quỹ này UBMTTQVN huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ người nghèo như: xây mới, sửa chữa nhà; hỗ trợ cây, con giống và mô hình sinh kế; tặng quà Tết cho bà con nghèo. UBMTTQVN huyện luôn kịp thời động viên về vật chất lẫn tinh thần; đã hỗ trợ cho 02 hộ nghèo chữa bệnh hiểm nghèo, với số tiền 10 triệu đồng, hỗ trợ các gia đình gặp hoạn nạn như đã tổ chức hỗ trợ 02 căn nhà bị lốc xoáy làm tốc mái và sập nhà do mưa lũ, với số tiền 20 triệu đồng; hỗ trợ 03 gia đình có người thân chết do đuối nước, với số tiền 12 triệu đồng và hỗ trợ 01 gia đình có người thân bị điện giật, với số tiền hỗ trợ là 3 triệu đồng. UBMTTQVN huyện đã vận động được các doanh nghiệp nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 09 căn nhà Đại đoàn kết, trong đó 07 căn chuyển từ năm 2022 sang, 02 căn xây dựng trong năm 2023, với tổng số tiền hơn 552 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 01 căn nhà cho hộ nghèo tại xã Buôn Tría, với số tiền 10 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà 167 cho 12 hộ tại xã Bông Krang và Đắk Nuê, với số tiền 36 triệu đồng. Là một trong những gia đình được bàn giao nhà Đại Đoàn Kết khi chỉ còn cách Tết vài ngày, gia đình bà H Chũ Liêng Hót ở Buôn Yang Kring vô cùng hạnh phúc và cảm động. Được biết căn nhà khang trang có diện tích 130m2 được Liên Đoàn Quần Vợt tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 100 triệu đồng.
Cùng với các cấp uỷ, chính quyền địa phương, LĐLĐ huyện cũng đẩy mạnh việc bảo đảm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, đón Tết vui tươi, ấm áp, hạnh phúc; củng cố niềm tin, gắn bó của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn. LĐLĐ huyện đã tổ chức chương trình “Tết Sum vầy – Xuân chia sẻ” cho đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trao tặng 350 suất quà bằng tiền mặt mỗi suất 500 ngàn đồng cho CB, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó trong năm 2023, các CĐCS duy trì thực hiện tốt việc xây dựng quỹ “Đoàn kết tương trợ” đến nay có 66/78 (12 CĐCS mới chia tách và thành lập) CĐCS với số tiền trên 3,7 tỷ đồng, giải quyết cho 580 đoàn viên khó khăn vay phát triển kinh tế gia đình. Phối hợp với LĐLĐ các cấp hỗ trợ xây dựng 03 nhà “Mái ấm công đoàn” sửa 01 nhà cho đoàn viên với tổng trị giá 140 triệu đồng. Đến thăm gia đình chị H Ngát Ông ở buôn Yuk, xã Đắk Liêng vào ngày gia đình đang bận rộn chuẩn bị đón Tết trong ngôi nhà mới. Đây là nhà mái ấm công đoàn có tổng kinh phí xây dựng là 285 triệu đồng, trong đó Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn quỹ “Mái ấm công đoàn”, phần còn lại được gia đình tích luỹ và anh em họ hàng hỗ trợ giúp đỡ.
Đồng hành cùng các cấp uỷ, chính quyền địa phương, với mong muốn kết nối, lan tỏa yêu thương đến mọi người, mọi nhà. Dịp Tết Nguyên đán này, Hội chữ thập đỏ huyện tích cực vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các đoàn từ thiện thực hiện phong trào “Tết Nhân ái” xuân Giáp Thìn năm 2024, qua đó đã vận động được 4.778 suất quà, trị giá 1 tỷ 769 triệu đồng để trao cho những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó và những người yếu thế trong xã hội. Những món quà ý nghĩa này không chỉ có giá trị vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần để bà con vượt qua khó khăn trước mắt, đón Tết đến Xuân về ấm áp, vui tươi. Bên cạnh đó trong năm 2023, Hội chữ thập đỏ huyện đã thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã vận động được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thường xuyên là 192 địa chỉ nhân đạo, trị giá hỗ trợ hơn 792 triệu đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh và huyện phối hợp với Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên, xây dựng 01 căn nhà “Tình thương” tại buôn Yuk, xã Đắk Liêng, trị giá 120 triệu đồng.
Tết là dịp tụ họp, đoàn viên sum vầy bên gia đình thế nhưng ở đâu đó vẫn còn nhiều hoàn cảnh, nhiều em nhỏ thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Để phần nào bù đắp tình thương cho các em, tạo động lực để các em sớm vượt qua nỗi đau và cố gắng học tập, vươn lên trong cuộc sống. Năm qua, HLHPN huyện Lắk đã thực hiện chương trình “ Mẹ đỡ đầu – Kết nối yêu thương” đến với các em mồ côi, không nơi nương tựa. Với ý nghĩa nhân đạo và nhân văn sâu sắc, trong thời gian qua các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Lắk đã vận động, kết nối đỡ đầu được cho 13 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 02 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Trong đó có em H’ Nhịp Êung mồ côi cả bố và mẹ, hiện đang sống cùng ông bà ngoại tại buôn Ya Tu, xã Buôn Triết, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua Hội LHPN huyện kết nối, H’Nhịp may mắn được mẹ đỡ đầu Đào Thị Thanh An, PBT Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nhận làm mẹ nuôi. Không chỉ dịp Tết nguyên đán này, mà trong thời gian qua mẹ đỡ đầu của em H Nhịp thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ về vật chất và tinh thần giúp đỡ em trong học tập và cuộc sống.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ phẩm chất, tấm lòng nhân hậu, bao dung của người phụ nữ Việt Nam đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các em nhỏ mồ côi được sống yên ấm trong tình yêu thương của cộng đồng. Có lẽ hơn ai hết những ngày Tết này, các em nhỏ cần lắm một vòng tay yêu thương và che chở để cảm nhận tình yêu thương đã mất đi từ lâu, dân hâm nóng lại tình cảm ấm áp ở trong tim để đón một năm mới với những niềm vui hạnh phúc mới từ những người mẹ đỡ đầu.
Có thể khẳng định rằng bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực cấp uỷ, chính quyền địa phương, MTTQVN các cấp, tổ chức chính trị xã hội và các cá nhân trên địa bàn huyện đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân, tạo sự lan tỏa sâu rộng và phát huy được tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng. Qua đó hỗ trợ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong cuộc sống để họ nỗ lực vươn lên, có thêm nhiều niềm tin, động lực để đón một năm mới với nhiều kỳ vọng mới, niềm vui mới.
H Yur Je + Văn Hoan
- Xã Krông Nô toạ đàm kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
- Đồng chí Đào Thị Thanh An dự và chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 tại xã Bông Krang
- Phòng Giáo dục Đào tạo huyện tọa đàm kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2024
- Xã Đăk Phơi toạ đàm kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam
- UBND xã Đắk Nuê tọa đàm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2024