Chuyên mục phòng chống bệnh dại

Biểu hiện chó, mèo bị bệnh dại như thế nào ?

Chó, mèo là những vật nuôi quen thuộc trong các gia đình. Chúng khá thân thiện, dễ mến nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho con người. Đó là khi chó, mèo bị bệnh dại. Vậy biểu hiện chó bị bệnh dại và biểu hiện bệnh dại ở mèo là gì?

Theo thống kê, có đến hơn 95% các ca bệnh dại ở người được gây ra bởi chó, 5% còn lại gây ra bởi mèo và những động vật có vú khác. Điều đáng nói, không phải chỉ có chó và mèo hoang mới có thể mang trong mình virus dại. Bệnh dại hầu hết các trường hợp xảy ra với chó nhà và mèo nhà. Nếu biết các biểu hiện chó bị bệnh dại và biểu hiện bệnh dại ở mèo, chúng ta có thể phòng ngừa bệnh dại lây sang người.

Biểu hiện chó bị bệnh dại

Biểu hiện chó bị bệnh dại thường gặp

Các bác sĩ thú y cho biết, bệnh dại ở động vật thể hiện thành những thể khác nhau. Mỗi thể bệnh dại lại có những triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, chó, mèo bị bệnh dại thường có những biểu hiện khá thường gặp như:

Chó dễ bị kích động, chúng có thể cắn, sủa, gầm gừ ngay cả khi không bị kích động.

Chúng bỏ ăn nhưng lại ăn những thứ bất thường như đất, chất thải, móng…

Chó và mèo chạy không chủ đích, không định hướng, không lý do.

Chó sủa khàn, gầm gừ hoặc sủa không ra tiếng.

Con vật mắc bệnh dại có biểu hiện tiết nhiều nước bọt bất thường, sùi bọt mép.

Thói quen, hành vi, tâm tính khác thường.

Biểu hiện chó bị dại thể cuồng (thể hung dữ)

Những con chó mắc bệnh dại thể điên cuồng sẽ có những biểu hiện bệnh lý theo từng giai đoạn phát triển của bệnh. Cụ thể, biểu hiện chó bị bệnh dại thể cuồng gồm:

Biểu hiện giai đoạn tiền lâm sàng:

Chó thích nấp trong những góc tối kín đáo.

Khi được chủ gọi nó có thể chỉ đến gần miễn cưỡng hoặc vồn vã thái quá.

Con chó có biểu hiện bồn chồn, đứng ngồi không yên, thi thoảng tru lên.

Giai đoạn điên cuồng:

Chó cắn sủa dữ dội, dễ bị kích động bởi tiếng động nhẹ, hay giật mình.

Khi chủ gọi nó vồ vập thái quá.

Chó tự cắn hoặc liếm hoặc cào rụng lông đến chảy máu ở vùng cơ thể có vết thương do ẩu đả với con vật khác.

Vì khó nuốt nên con chó sẽ chán ăn, bỏ ăn.

Khát nước và muốn uống nhưng không uống được và sợ nước.

Chó sốt cao, mắt đỏ, đồng tử giãn.

Nước dãi và bọt mép rất nhiều.

Chó cắn vu vơ, đi lại không chủ đích.

Con chó bị dại hung dữ bất thường.

Nếu không được quản lý, con vật sẽ bỏ đi hoang. Nếu gặp con chó hoặc người khác có thể tấn công bất chấp.

Giai đoạn bại liệt:

Con chó bắt đầu bị liệt hàm dưới nên lưỡi thường thè ra, hàm trễ, nước dãi chảy, khó nuốt hay uống nước.

Chân sau bắt đầu liệt.

Chó chết trong 3 – 7 ngày khi liệt hô hấp và kiệt sức.

Biểu hiện chó bị dại thể câm (thể đơ)

Biểu hiện chó bị bệnh dại thể câm lại khác hoàn toàn với thể cuồng. Bạn có thể quan sát thấy:

Con chó bị bệnh buồn rầu, không có nhu cầu phản ứng hay tương tác.

Con vật bị liệt nửa người hoặc một phần cơ thể. Thông thường, tình trạng liệt sẽ bắt đầu từ cơ hàm sau đó mới đến 2 chân và liệt toàn thân.

Khi cơ hàm liệt, con chó bị trễ hàm, lưỡi thè ra, nước dãi chảy nhiều.

Con chó chỉ có thể gầm gừ, sủa không thành tiếng.

Bệnh dại thể đơ diễn tiến nhanh hơn, nhanh làm rối loạn tuần hoàn và suy hô hấp nên con vật có thể chết sau 2 – 3 ngày phát bệnh.

Biểu hiện mèo bị bệnh dại

Dù ít có nguy cơ bị dại nhưng mèo vẫn có thể mắc bệnh dại. Biểu hiện bệnh dại ở mèo cũng tương tự biểu hiện của bệnh dại ở chó. Trong giai đoạn ủ bệnh khoảng 2 – 10 ngày đầu, mèo cũng có chút thay đổi về sức khỏe, tính tình nhưng không rõ ràng. Triệu chứng ban đầu có thể là:

Mèo bị sốt, đau người.

Bồn chồn lo lắng, hay bị rùng mình.

Dễ cáu gắt và kích động.

Rất sợ ánh sáng, nhất là ánh đèn sáng chói.

Mèo lên cơn ho hen, nôn mửa và kèm tiêu chảy.

Con vật khó nhai nuốt nên bỏ ăn uống.

Ở mèo cũng có bệnh dại thể cuồng và bệnh dại thể đơ với những biểu hiện khác nhau. Cụ thể là:

Biểu hiện bệnh dại thể đơ

Đây là thể dại phổ biến ở mèo. Ở thể này, con mèo thường có những triệu chứng như:

Mèo buồn bã, ủ rũ, lờ đờ thích nằm 1 mình trong góc tối.

Cơ hàm, chân, nửa thân mình của mèo bị liệt

Khi hàm liệt, mèo không thể nhai nuốt, chỉ gầm gữ không kêu được thành tiếng, nước dãi nhiều.

Biểu hiện bệnh dại thể cuồng ở mèo

Tương tự biểu hiện chó bị bệnh dại thể cuồng, mèo mắc bệnh dại thể này sẽ có triệu chứng:

Chảy rất nhiều nước dãi, bọt mép sùi ra.

Con vật thấy bồn chồn, lo lắng, đi đi lại lại.

Mèo rất sợ nước, sợ hãi khi đến gần hay nghe tiếng nước chảy.

Mèo sợ ánh sáng, nhất là ánh sáng gắt.

Con vật hung hãn bất thường, dễ bị kích động, hay nhe răng gầm gừ, có xu hướng thích cào cắn thậm chí tự cắn chính mình.

Trên người chúng có thể xuất hiện những vết cào cắn do ẩu đả với con vật khác.

Con mèo bỏ ăn do khó nhai nuốt.

Làm gì khi thấy biểu hiện chó, mèo bị bệnh dại?

Khi nhận thấy những biểu hiện bệnh dại ở chó mèo, chúng ta nên:

Đưa chó, mèo đến cơ sở thú ý càng sớm càng tốt. Khi bắt nhốt chó mèo bạn cần thực sự cẩn thận để tránh bị cào cắn. Bạn cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc với dịch tiết nước bọt của vật nuôi. Bạn cũng có thể mời bác sĩ thú y đến nhà.

Cần nhốt vật nuôi vào lồng, tránh để vật nuôi bỏ đi sẽ rất khó theo dõi. Nó có thể tấn công những con vật và người khác và làm truyền nhiễm bệnh dại. Dù sao đây cũng là một bệnh từ chó mèo lây sang người vô cùng nguy hiểm.

Nếu xác định chó, mèo bị bệnh dại, chúng ta cần khử trùng sạch sẽ khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

Con vật bị chết do bệnh dại phải được mang chôn hoặc đốt xác.

Trên đây là thông tin về biểu hiện chó bị bệnh dại và biểu hiện mèo bị bệnh dại. Chỉ cần nắm được những thông tin này, chúng ta có thể phát hiện sớm bệnh dại ở vật nuôi. Nhờ đó có thể giảm đáng kể nguy cơ bị lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người.

Bệnh dại và biện pháp phòng ngừa bệnh dại

Bệnh dại là gì

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường là chó, mèo, khỉ…), đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng thường bắt đầu từ 2-8 tuần sau khi bị động vật cắn. Các triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, suy nhược, tê liệt, co thắt cơ, nuốt khó, co giật. Tử vong thường xảy ra trong vòng chưa đầy một tuần do liệt hô hấp.

Không có thuốc chữa bệnh. Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm chủng

Nguyên nhân bệnh Dại

Tác nhân gây bệnh là vi rút dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus.

Sức đề kháng của vi rút dại yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong vòng 30 phút và ở 700C/2 phút. Vi rút bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 40C, vi rút sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 00C sống được từ 3 – 4 năm. Vi rút dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ.

Có 2 chủng vi rút dại:

Vi rút dại đường phố là vi rút dại tồn tại trên động vật bị bệnh

Vi rút dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ). Louis Pasteur là người đầu tiên sử dụng chủng virus dại cố định để chế ra vắc xin dại.

Triệu chứng bệnh Dại

Giai đoạn tiền triệu chứng: thường kéo dài 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.

Giai đoạn viêm não: triệu chứng của bệnh dại thường là mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động, sợ nước. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…

Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

Đường lây truyền bệnh Dại

Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng, nhất là ở chó hoang dã như chó sói đồng, chó sói, chó rừng và chó nhà. Ngoài ra, ổ chứa vi rút dại còn ở mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác.

Ở Việt Nam, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó chiếm 96-97%, sau đó là mèo 3- 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc…) chưa phát hiện  được

Bệnh dại được lây nhiễm qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có vi rút dại. Sau đó, vi rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.

Thời kỳ ủ bệnh: Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Thời kỳ lây truyền: Ở chó và mèo thường từ 3-7 ngày trước khi có dấu hiệu lâm sàng và trong suốt thời kỳ súc vật bị bệnh.

Bệnh dại có lây từ người sang người không?

Bệnh dại có thể lây truyền từ người mắc bệnh dại sang người lành. Các nguy cơ do có tiếp xúc với nước bọt của người mắc bệnh dại thông qua vết cắn, hôn, qua da bị tổn thương, qua niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng ăn uống có dính nước dãi của người mắc bệnh dại… Lây nhiễm bệnh dại từ người sang người là không phổ biến, và trên thế giới chỉ có 1 vài báo cáo mô tả tình huống mắc bệnh dại từ người sang người thông qua vết cắn.Đối tượng nguy cơ bệnh Dại

Người tiếp xúc nhiều với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm, nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm có vi rút dại…

Những người có sở thích du lịch thám hiểm ở các vùng có bệnh lưu hành cao như Đông Nam Á, Mexico, Trung và Nam Mỹ, Châu Phi.

Phòng ngừa bệnh Dại

Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe: Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, nhất là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc

Phối hợp thú y và y tế thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật nhất là chó, mèo.

Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.

Những người có nguy cơ bị nhiễm vi rút dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có vi rút dại… cần được gây miễn dịch bằng vắc xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.

Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin + huyết thanh kháng dại phải thực hiện càng sớm càng tốt.Các biện pháp chẩn đoán bệnh Dại

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.

Chẩn đoán xác định: xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập vi rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Ngày nay, với kỹ thuật mới có thể phát hiện được ARN của vi rút dại bằng phản ứng PCR hoặc phản ứng RT-PCR.

Các biện pháp điều trị bệnh Dại

Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau:

Rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc xà phòng đặc 20%

Bôi chất sát khuẩn: cồn iod đậm đặc để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn

Không khâu vết thương. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày

Gây tê tại vết thương để ngăn cản sự tiến triển của virus.

Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.Sử dụng miễn dịch đặc hiệu để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng:• Dùng vắc xin dại tế bào: Vắc xin phòng ngừa có tác dụng bảo vệ sau 2-8 tuần. Vắc xin dại tế bào là tốt nhất, đây là vắc xin an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Nước ta từ năm 1992 đã đưa vắc xin dại tế bào Verorab vào sử dụng.

Dùng huyết thanh kháng dại (HTKD): Virus dại nhân lên trong cơ gần nơi bị nhiễm cho đến khi có đủ nồng độ nhiễm vào hệ thần kinh trung ương. Huyết thanh kháng dại có tác dụng trung hòa bớt virus, làm giảm nồng độ virus.Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại vắc xin, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Việc giám sát, kiểm soát để thực hiện các nội dung chuyên môn là hết sức cần thiết.

                                                       XT-TH