Huyện Lăk nằm phía Nam dãy Trường Sơn, phí Đông Nam của tỉnh Đăk Lăk, cách TP. BMT 54 km theo Quốc lộ 27. Phía Bắc giáp huyện Krông Ana và huyện Krông Bông; 3 mặt còn lại phía nam, phía đông và phía tây giáp tỉnh Đăk Nông và tỉnh Lâm Đồng. Địa hình được chia thành những vùng có tính đặc thù riêng biệt và được phân chia thành hai dạng đặc trưng. Đồi, núi cao chiếm 85%; đồng bằng, vùng trũng chiếm 15% tổng diện tích tự nhiên. Nhờ bù đắp phù sa của con sông Krông Na vào mỗi mùa mưa lũ đã tạo nên một vùng đồng bằng rộng lớn với diện tích gần 20.000 ha tạo thành cánh đồng canh tác lúa nước ở 03 xã Đăk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết.
Là huyện thuần nông, có tổng diện tích gần 28.000 ha cây trồng các loại, tăng hơn 2.500ha so với đầu nhiệm kỳ, có 02 vựa lúa lớn xã Buôn Tría và Buôn Triết, chiếm gần 50% diện tích lúa của toàn huyện. Những năm gần đây ngành nông nghiệp huyện đã chú trọng việc tuyên truyền, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa rộng rãi vào sản xuất gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch, đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống cho người dân ở nông thôn. Điển hình vụ đông xuân 2019 – 2020, người nông dân đã đưa vào trồng những giống lúa mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất, sản lượng cao như: RVT, Đài thơm 8, ST24….nên vụ lúa này của huyện Lăk đạt năng suất đứng thứ 4 cả nước, khoảng 77,3 tạ/ha. Gạo của huyện Lăk ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị thường bởi phương thức sản xuất hữu cơ, thực hiện theo quy trình Viêt Gap, với giống lúa ST 24, Việc đổi mới các ngành nghề và cơ cấu các hình thức tổ chức sản xuất đã hình thành các hợp tác xã nông nghiệp Thành Tín ở xã Đăk Nuê chuyên sản xuất và cung ứng chuỗi dây chuyền nông sản hữu cơ gạo sạch ST- 24; HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng nhất ở Buôn Triết chuyên về cung ứng các dịch vụ nông nghiệp…
Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện Lăk hướng đến phát huy thế mạnh ngành chăn nuôi, từng bước giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, hình thành các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Chú trọng cải tạo tầm vóc, chất lượng đàn gia súc, gia cầm, từ đó đưa chương trình “ Cải tạo tầm vóc đàn bò”, chương trình “nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ”, chương trình “ sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc vật nuôi” tại 11 xã, thị trấn bằng thụ tinh lai tạo các giống bò Brahman (Brat- man), BBB (hay còn gọi giống Bò 3B), Angus(An -Gớt)…. Đây không chỉ là chương trình giúp cải tạo tầm vóc đàn bò mà còn thúc đẩy người chăn nuôi thay đổi phương thức chăn nuôi từ quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh (từ chăn thả tự do sang nuôi tập trung). Đến nay tổng đàn trâu, bò của huyện ước đạt 22.450 con chủ yếu tập trung ở các xã có nhiều cánh rừng và đồng cỏ như Yang Tao, Bông Krang, Đăk Nuê, Đăk Liêng, Đăk Phơi, Krông Nô, Ea Rbin… đàn Heo ước đạt 48.470 con…
Là địa phương có nhiều sông, suối, ao, Hồ, Đập nên huyện Lăk rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đàn thủy cầm, nhân dân các địa phương không chỉ chăn nuôi hộ gia đình mà còn phát triển thành các trang trại vịt quy mô hàng chục ngàn con để lấy trứng cung cấp ra thị trường, trứng vịt của huyện Lăk từ lâu đã có thương hiệu và được khách hàng trong và ngoài Tỉnh ưa chuộng. Diện tích mặt nước tự nhiên 4.500ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản ở huyện chiếm 750 ha, tổng sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản các loại trong năm 2020 ước đạt 2.350 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 600 tấn, còn lại là đánh bắt ngoài tự nhiên… Ngoài các loại cá thông thường như cá rô phi, cá bống, mè, trôi… cá thác lác Hồ Lăk đã tạo nên thương hiệu chả cá thác lác nổi tiếng không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng ở địa phương mà còn cung cấp ra ngoài tỉnh, thành khác. Đặc biệt năm 2011, Tập đoàn cá Tầm Việt Nam khai trương cơ sở nuôi cá Tầm trên lòng hồ thủy điện Tu Srah tại xã Nam Ka, với quy mô nuôi lên đến 1 triệu con, vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đây được cho là một trong những cơ sở nuôi cá tầm có quy mô lớn nhất thế giới. Lòng hồ thủy điện Tu Srah là điểm nuôi trồng cá Tầm thứ 5 của Tập đoàn cá Tầm Việt Nam, sau các hồ nuôi tại Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Định và Bắc Giang.
Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Lăk có hệ tài nguyên rừng và động thực vật phong phú, tổng diện tích rừng tự nhiên và đất rừng: 98.795,66 ha, trong đó rừng tự nhiên và rừng trồng chiếm hơn 80.289 ha. Rừng có tác dụng phòng hộ cao; có nhiều loại cây đặc hữu vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị khoa học; phân bố trong điều kiện lập địa thuận lợi, nên rừng tái sinh có mật độ khá lớn. Do đó, ngoài vai trò quan trọng trong phòng chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước và hạn chế thiên tai, làm cho khí hậu quanh năm mát mẻ,ôn hòa…rừng lại là nơi mang nhiều bí ẩn cho khám phá, nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. Hơn nữa rừng huyện Lăk hiện nay đang đem lại nguồn thu đáng kể và ổn định cho người dân sống ven rừng.
05 năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp – Xây dựng; Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ngày càng đáp ứng nhu cầu cơ giới máy móc trong sản xuất nông nghiệp phục vụ sản xuất trên địa bàn. Ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ tiên tiến hiện đại, loại bỏ công nghệ lạc hậu, đầu tư với quy mô hợp lý, phát triển sản xuất có khả năng cạnh tranh trên thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nhóm sản phẩm gạch, ngói đất sét nung, cát, đá xây dựng… với dòng sản phẩm có ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thân thiện môi trường, vật liệu bền, cách âm, cách nhiệt, chống thấm nước, thi công, lắp ghép nhanh …đã và đang đáp ứng thị trường tiêu dùng ở địa phương.
Thương mại – Dịch vụ – Du lịch; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng mở rộng, hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, các loại dịch vụ như viễn thông, sửa chữa điện tử, cơ khí nông nghiệp, hệ thống lò sấy nông sản, máy xay xát công nghiệp…ngày càng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt sắp tới đây người dân sẽ có thêm sự lựa chọn tiện lợi khi hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh, Điện máy xanh đi vào hoạt động….. Dịch vụ vận tải ngày càng được đầu tư nâng cấp, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Hoạt động ngân hàng thực hiện hiệu quả, qua đó đã tạo điều kiện giúp người dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn phát triển kinh tế góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. đến nay Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân cho vay trên 368 tỷ đồng, tăng hơn 196 tỷ đồng so với năm 2014. Tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt trung bình từ 8 – 15%. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng, dư nợ cho vay tăng trưởng mạnh, trong 05 năm từ 2015 -2020 tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2019 đạt 803 tỷ đồng, mức tăng so với đầu nhiệm lỳ là 438 tỷ đồng.
Nhà hàng, khách sạn các khu resort, Homestay nghỉ dưỡng theo xu hướng du lịch sinh thái kết hợp với trải nghiệm bằng ca – nô, tàu cao tốc, thuyền máy, thuyền độc mộc, cưỡi voi quanh Hồ Lăk, đang ngày càng thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến với huyện Lăk.
Đặc biệt Hồ Lăk, đây là hồ tự nhiên lớn nhất khu vực miền trung Tây Nguyên về mùa mưa diện tích mặt nước rộng trên 600ha và rộng thứ 2 sau hồ Ba Bể, được thông với con sông Krông Ana, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn Tây Nguyên với diện tích hơn 12 nghìn ha nên khi tham quan hồ Lắk du khách còn được ngắm nhìn hệ động, thực vật đa dạng mà còn được khám phá vẻ đẹp tự nhiên, hít thở không khí trong lành cùng những cuộc phiêu lưu hồ nước trên bành voi và thong thả êm ái trên những chiếc thuyền độc mộc được người dân địa phương làm từ thân cây gỗ có tuổi thọ cả trăm năm, hay du ngoạn trên hồ bằng thuyền cao tốc để tìm cảm giác mạnh Khi lên bờ du khách có thể thực hiện những cuộc dã ngoại vào buôn làng để hoà nhập, tìm hiểu về phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng người Mnông Mơ Nông hoặc đi sâu vào trong rừng dọc theo dòng sông Krông Ana, leo đỉnh chư Yang Lăk, chư Yang sin, Thác Bìm Bịp, dã ngoại tắm suối đá Đăk Phơi hay đi xa hơn đến khu rừng đặc dụng phòng hộ Nam Ka thuộc xã Nam Ka anh hùng, vào hang đá ba tầng – khu căn cứ kháng chiến xã Krông Nô để khám phá những điều bí ẩn cuộc sống của chim chóc, muông thú.
Ngày nay, hồ Lăk là một điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách thập phương. Bên cạnh đó, hồ Lăk còn là một vựa cá lớn của tỉnh, là nguồn cung cấp thuỷ sản dồi dào phục vụ cho đời sống của nhân dân.
Toạ lạc ngay bên hồ Lăk là đồi Bảo Đại, trên đỉnh đồi đã được vua Bảo Đại chọn xây dựng một Biệt Điện để nghỉ ngơi, ngắm phong cảnh. Khu Biệt Điện này là một tòa nhà ba tầng tương đối đồ sộ, được xây theo lối kiến trúc hiện đại vào năm 1951, lúc Bảo Đại làm Quốc trưởng để làm nơi dừng chân nghỉ mát. Biệt Điện nằm trên chóp một ngọn đồi cao 422 mét so với mặt nước biển. Ngọn đồi này được người dân trong vùng gọi là đồi Bảo Đại. Khu biệt điện này do đích thân Hoàng Hậu Nam Phương chịu trách nhiệm đứng ra cho thi công. Các căn phòng ở Biệt Điện đều có cửa sổ rộng với góc nhìn tuyệt đẹp về 4 phía. Nhìn ra quanh vườn là những cây sứ trắng cổ thụ bốn mùa nở hoa tỏa ngát hương thơm có tuổi đời hàng trăm năm, xa xa là hồ Lăk thơ mộng thấp thoáng sau những tán cây rừng với hình ảnh vô cùng sinh động của hàng trăm con thuyền đang săn bắt cá trên hồ. Ngày nay, Biệt Điện là một tổ hợp nhà hàng – khách sạn sang trọng, đang ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan.
Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, những năm qua sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 46 trường ở các cấp học, trong đó có 12 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cùng với việc chú trọng phát triển cơ sở giáo dục công lập, những năm qua, huyện Lăk đã quan tâm đến công tác xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, góp phần đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện. Hiện trên địa bàn huyện, ngoài hệ thống trường công lập đã bước đầu hình thành hệ thống trường dân lập đầu tiên – trường Mầm non tư thục Ánh Dương, thị trấn liên sơn với quy mô hiện đại đi vào hoạt động theo đúng tiêu chí, quy định của Bộ giáo dục, thu hút 150 cháu tham gia học tại trường. Qua đó đã góp phần vào công tác xã hội hóa giáo dục của địa phương.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được quan tâm và phục vụ nhu cầu người bệnh đã góp phần đem lại sự hài lòng của nhân dân các dân tộc trong huyện, công tác an sinh xã hội, thực hiện các chính sách chăm sóc phụng dưỡng mẹ việt nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công ,..được các cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm thường xuyên bảo đảm đúng đủ các chế độ quyền lợi cho người dân. Chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm kịp thời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các tổ chức tôn giáo, các tín đồ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, sống tốt đời đẹp đạo, tăng gia lao động sản xuất và tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện tại địa phương. Quốc phòng an ninh luôn được giữ vững, hàng năm công tác tuyển quân gọi thanh niên lên đường nhập ngũ, công tác huấn luyện đều đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu.
Công tác xây dựng Đảng , xây dựng hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện chú trọng đẩy mạnh toàn diện, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, trong đó công tác xây dựng Đảng, phát triển và kết nạp đảng viên mới hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao Đặc biệt năm 2020 huyện Lăk là địa phương đầu tiên của tỉnh quan tâm phát triển được 02 quần chúng là học sinh THPT khối lớp 12 được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hoạt động của Mặt trận, Dân vận và các đoàn thể nhân dân được phát huy, nhất là công tác quan tâm huy động và kêu gọi sự hưởng ứng của cán bộ, nhân dân trong thực hiện cuộc vận động chung tay xây dựng “quỹ ngày vì người nghèo”, qua đó đã góp phần vào xây dựng tặng nhiều căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, “Thực hiện thi đua tiết kiệm làm theo lời Bác”, theo Kế hoạch số 50-KH/HU, ngày 14/5/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy, qua hơn 5 năm thực hiện các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, các doanh nghiệp trong toàn huyện đã thu được tổng số tiền là 1.483.034.000đ, trong đó đã chi hỗ trợ cho 43 trường hợp với số tiền là 673.440.000đ. Góp phần tạo cơ hội điều kiện cho những đối tượng khó khăn có thêm nguôn động lực, niềm tin để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ mà toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện nỗ lực đạt được, nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại hạn chế nhất đinh đó là thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là du lịch, dịch vụ còn chậm. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH – HĐH. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng….
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ 2020 -2025, trên tinh thần quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị; xây dựng nền quốc phòng – an ninh vững chắc; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng trung tâm huyện Lăk trở thành khu du lịch. Đồng chí Võ Ngọc Tuyên – Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh:
Cùng với sự đoàn kết quyết tâm của toàn đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ kinh tế xã hội- quốc phòng an ninh của địa phương 05 năm tiếp theo, thì cần tranh thủ, tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp của các đồng chí cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương qua các thời kỳ. Tại đại hội Đảng bộ huyện Lăk lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã vui mừng và phấn khởi được nghe các ý kiến góp ý xây dựng cho địa phương của các đồng chí A Ma Oanh – Nguyên Bí thư Huyện ủy H10, Đồng chí: Lê Văn Quyết – Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyên Bí thư Huyện ủy Lăk- các đồng chí là những cán bộ lãnh đạo tiền bối đã có công lao đóng góp cho huyện Lăk trong những năm kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1961 -1975 và những năm đầu khắc phục tàn dư, hậu quả của chiến tranh xây dựng quê hương huyện Lăk anh hùng, tuy đã nghỉ hưu nhiều năm nay nhưng luôn có tâm nguyện mong muốn quê hương huyện nhà ngày càng giàu đẹp hơn.
Với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cùng đưa ra các giải pháp căn cơ phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, Đại hội đảng bộ huyện khóa XV nhiệm kỳ 2020 – 2025 phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ tập trung trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu và sự quyết đoán của người đứng đầu của các cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó tranh thủ sự tham gia góp ý của các thế hệ lãnh đạo đi trước, sự đồng thuận hưởng ứng và chung sức của nhân dân các dân tộc trong huyện cùng với việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Trung ương, địa phương, kết hợp với các nguồn lực bên ngoài và nội lực trong nhân dân chúng ta tin tưởng rằng nhiệm kỳ tới Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lăk sẽ gặt hái được những thắng lợi to lớn đáp ứng kỳ vọng vào phát triển nền kinh tế huyện nhà vươn lên một tầm mới, sánh vai với các đại phương phát triển trong tỉnh Đăk Lăk nói riêng và cả nước nói chung./.
Vy thủy
- Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập đồn biên phòng Yok Đôn
- Một số quy định về xe ô tô hết niên hạn sử dụng
- Hợp tác xã Tuấn Nguyên trao tặng cây giống tại các xã Buôn Triết Buôn Tría và Đăk Liêng
- Sầu riêng hợp tác xã Thông Phong vào mùa thu hoạch
- Nâng cao chất lượng công tác Đào tạo Bồi dưỡng ở Trung tâm Chính trị huyện