Mô hình “Thắp sáng đường quê” – Cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở xã Buôn Triết

Thắp sáng đường quê” là một trong những mô hình đem lại hiệu quả thiết thực trong chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại các địa phương của huyện, trong đó có xã Buôn Triết. Việc triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình này đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở các khu dân cư, tạo điều kiện để bà con nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, XDNTM văn minh, hiện đại.

Với vai trò là chủ thể trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mặc dù thu nhập còn thấp nhưng người dân ở xã Buôn Triết đã nhiệt tình tham gia, tự nguyện đóng góp kinh phí để thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”. Đến nay, phong trào đã lan rộng và đã có 11/12 thôn, buôn trên địa bàn xã, các con đường đi qua các thôn buôn không còn cảnh tối tăm như trước đây (trừ thôn Kiến Xương), thay vào đó là hệ thống đường điện chiếu sáng trên tất cả các trục đường. Trong đó, Ban Quản Lý Rừng đặc dụng Nam Ka hỗ trợ kinh phí 240 triệu từ nguồn kinh phí phát triển lâm nghiệp bền vững, lắp đường điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời tại 8 thôn, buôn có diện tích rừng và có các hộ tham gia nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, (mỗi thôn, buôn là 25 trụ điện) gồm buôn Ung Rung 1,Ung Rung 2, YaTu, Lách Rung, Buôn Tung 3, Buôn Tung 1, Buôn Tung 2, và thôn Đồng Tâm … các thôn còn lại người dân tự nguyện đóng góp tiền và ngày công lao động để làm đường diện thắp sáng, trung bình mỗi đường điện có chiều dài 1km. Tiêu biểu, có thôn Mê Linh 2, nhân dân tự nguyện đống góp tiền và ngày công lắp đặt hệ thống đường điện thắp sáng không chỉ trên trục đường chính mà các trục đường nhánh, đường hẻm nội buôn đều có điện thắp sáng vào ban đêm với tổng chiều dài trên 3km.

Để thực hiện chủ trương xây dựng công trình “thắp sáng đường quê”, Chi bộ và Ban phát triển nông thôn mới của các thôn, buôn đã tổ chức họp dân để bàn bạc, thống nhất phương án lắp đặt, mức đóng góp, đối tượng miễn giảm, cách quản lý vận hành và cử người giám sát thi công cũng như thống nhất đóng góp tiền mỗi tháng để chi trả tiền điện.… Với cách làm dân chủ, minh bạch nên người dân ở các thôn, buôn đều nhiệt tình hưởng ứng, tự nguyện tham gia đóng góp tiền và ngày công. Từ khi có hệ thống điện chiếu sáng đã tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt và đi lại vào ban đêm dễ dàng hơn; tình trạng trộm cắp, tai nạn giao thông cũng giảm hẳn, đặc biệt là tạo diện mạo mới cho buôn làng.

Việc triển khai và nhân rộng mô hình “thắp sáng đường quê” ở xã Buôn Triết không chỉ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhân dân nhằm góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội trên địa bàn mà qua đó còn tạo động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã…

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua từ mô hình “thắp sáng đường quê” đã mang lại niềm vui không nhỏ trong đại bộ phận người dân, đặc biệt đã tạo sự yên tâm cho những người ở xa đến công tác tại xã Buôn Triết và những người có việc phải đi sớm về khuya. Công trình điện thắp sáng đường quê được phủ trên diện rộng đã cho thấy một nỗ lực rất lớn từ chính quyền đến các tầng lớp nhân dân xã Buôn Triết, thực sự trở thành điểm sáng trên địa bàn huyện, góp phần vào phong trào đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới của địa phương về đích theo nghị quyết 08 của BCH Đảng huyện bộ đề ra.

Vy Thuỷ – Văn Hoan