Đẩy mạnh ứng dụng Khoa học Kỹ thuật – Tạo bước chuyển mới cho ngành sản xuất Nông nghiệp

Những năm qua, huyện Lăk tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, đã góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, có giá trị kinh tế cao và tạo tiền đề cho sản xuất an toàn, bền vững. Nhờ đó đã xuất hiện một số mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Để khuyến khích người nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế, hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tăng cường đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân, từng bước giúp người nông dân hình thành các mối liên kết trong cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm.  Nhiệm kỳ 2015-2020, Trạm khuyến nông huyện đã tổ chức mở 165 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với sự tham gia của trên 6.648 lượt nông dân các xã, thị trấn trong huyện. Nội dung các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau theo hướng VietGAP; kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học;  kỹ thuật nuôi cá lồng trên lòng hồ; kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản ca cao; Kỹ thuật ủ rơm bằng Urê làm thức ăn cho trâu, bò; Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho Bò, heo nái sinh sản; kỹ thuật ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh hữu cơ, kỹ thuật đầu vụ về cây ngô lai; kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm; kỹ thuật nuôi bò sinh sản…Tổ chức hội thảo nhiều mô hình trình diễn như:  Phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam triển khai khảo nghiệm giống lúa thuần VNR2412 với diện tích 1,5 ha tại xã Buôn Tría . Phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam triển khai mô hình Hương châu 6 tại xã Buôn Tría với diện tích 04 ha; mô hình khảo nghiệm giống lúa thuần Dự Hương 8 với quy mô diện tích 2 ha tại xã Buôn Tría và Buôn Triết…..Các lớp tập huấn đã trang bị những kiến thức các loại cây trồng, vật nuôi chủ đạo của huyện và trang bị được những kiến thức cơ bản về chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất.

Trong đó,  với thế mạnh là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa nước lớn của tỉnh với tổng diện tích gieo trồng hằng năm vào khoảng 13.400 ha. Thời gian qua, nhiều nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk trong tương lai không xa…Từ năm 2010, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nhất (xã Buôn Triết) đã bắt đầu triển khai trồng lúa hữu cơ. Đến tháng 8-2017, HTX chính thức đưa ra thị trường thương hiệu Gạo sạch Đồng Nhất và được Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFE CONTROL) cấp chứng nhận VietGAP. Trên địa bàn xã Đắk Nuê, nhiều nông hộ cũng chủ động thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao với các giống lúa như Đài thơm 8, ST 24, ST 25, …

Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk cho biết: Thời gian qua huyện đã triển khai nhiều biện pháp, mô hình sản xuất lúa như: cánh đồng lớn quy mô 200 ha ở xã Buôn Tría và Buôn Triết do HTX Nông nghiệp Thái Hải thực hiện; sản xuất gạo sử dụng phân bón hữu cơ do HTX Nông nghiệp Thành Tín thực hiện; hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học, cung cấp giống lúa chất lượng cao và mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách ủ phân vi sinh cho nông dân; vận động người dân thay đổi phương thức canh tác lúa truyền thống sang trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tạo sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Ngoài phát huy thế mạnh của địa phương về cây lúa nước, các ngành chức năng còn tuyên truyền, vận động cũng như khuyến cáo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Tổ chức mô hình trình diễn để bà con đánh giá thực tế hiệu quả kinh tế từ đó có thêm sự lựa chọn các giống mới đưa vào phát triển kinh tế hộ gia đình trên diện tích đất thích hợp chuyển đổi. Một số mô hình trình diễn như: thí điểm mô hình giống Đậu tương DT84 với diện tích 5 sào tại thửa ruộng của gia đình ông Y Wai BKrông, Buôn Dơng yang, xã Yang Tao. Qua đánh giá thực tế tại mô hình, đậu tương sinh trưởng và phát triển tốt, cây thấp, chống đổ ngã tốt, lại tiết kiện nước tưới vào vụ Đông xuân, có năng suất thực thu 1,3tấn/1ha. Trừ chi phí  sản xuất từ 5 sào lúa bỏ hoang đưa vào trồng cây đậu tương gia đình ông đã cho thu lãi hơn 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thông qua các buổi hội thảo ngày càng có nhiều nông dân đưa các giống ngô lai mới , năng suất cao, chất lượng tốt vào thay thế các giống năng suất thấp góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy sản xuất nâng cao giá trị kinh tế tăng thu nhập cho người dân như: giống ngô PAC 779, PAC 789. Cụ thể, đánh giá kết quả thực tế tại mô hình trồng giống ngô lai GT722 vụ Hè Thu năm 2019 tại ruộng của bà Triệu Thị Luyến, buôn M’Liêng 2, xã Đăk Liêng do Trạm khuyến nông huyện Lăk đã phối hợp với Công ty TNHH SITTO Việt Nam tổ chức. ngô lai GT722 với nhiều ưu điểm vượt trội như  năng suất cao, hạt có màu sắc đẹp chất lượng hạt tốt, tỷ lệ cùi nhỏ, tỷ lệ hạt/trái > 80%, kháng bệnh tốt, chống đổ ngã… Thời gian sinh trưởng 110-113 ngày. Theo đánh giá của bà con nông dân thì giống ngô GT 722 rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác tại địa phương, năng suất ước đạt 11tấn/ha.

Không dừng lại ở đó, những năm gần đây, trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Tập trung chủ yếu ở TDP4 TTLS,   Krông Nô và Đăk Nuê….Từ nguồn vốn 30a, Trạm khuyến nông huyện đã có chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện cho các hộ nghèo mở rộng mô hình và được tiếp cận với kỹ thuật nuôi tằm hiệu quả hơn. Từng bước hướng đến hình thành hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm, đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm thực sự trở thành một trong những mô hình kinh tế chủ lực của một số địa phương trong huyện, góp phần giải quyết việc làm, giúp các gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Là địa phương có nhiều sông, suối, ao, Hồ, Đập nên huyện Lăk rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đàn thủy cầm. Vì vậy, những năm qua, chăn nuôi thủy cầm ở huyện Lăk chiếm vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các hộ chăn nuôi trong huyện, Hiện nay trên địa bàn huyện có 30 hộ chăn nuôi vịt đẻ trứng, số lượng vịt đẻ trứng thường xuyên luôn ổn định với hơn 240. 000 con, trong đó, tỉ lệ vịt đẻ trứng luôn đạt trên 87%.

Với khát vọng góp phần cùng bà con nông dân thoát nghèo, nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm trứng vịt của huyện Lắk. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lắk thực hiện mô hình nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học tại 12 hộ gia đình ở xã Đắk Nuê, huyện Lắk  với số lượng hơn 23.000 con vịt đẻ và 02 hộ gia đình  tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk với số lượng 4.000 con vịt đẻ . Đối với 14 hộ chăn nuôi vịt đẻ  này trong tháng 11/2020, sẽ tiến hành kiểm chứng các điều kiện để công nhận là sản phẩm VietGap. Bình quân mỗi ngày, 14 hộ gia đình cung cấp khoảng 24.600 trứng cho các đại lý trứng vịt trên địa bàn huyện Lắk. còn riêng cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Mai  – Thôn Xóm Huế, xã Đắk Liêng, mỗi ngày xuất hơn 1.700 trứng theo hướng an toàn sinh học, với giá bán từ 2.000 – 2.200đ/ quả.

Hiện nay, gia đình anh Trần Văn Sơn tại thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê , huyện Lắk đang nuôi 2.500 con vịt đẻ  theo hướng an toàn sinh học. Với kinh nghiệm nuôi vịt đẻ  hơn 10 năm nay, anh Sơn cho biết quy trình của việc nuôi vịt siêu trứng theo hướng an toàn sinh học, anh sử dụng rỉ mật đường và chế phẩm EM gốc ủ 20 ngày lên mem để phun khử khuẩn chuồng trại, đồng thời sẽ tạo nên những vi khuẩn có lợi trong phụ phẩm từ việc chăn nuôi vịt đẻ, anh cũng tận dụng triệt để phụ phẩm này để làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng. Nói về hiệu quả của mô hình nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học hướng đến đạt tiêu chuẩn Vietgap.

Để sản phẩm trứng Vịt của huyện Lắk được cấp chứng nhận Vietgap tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương, Phòng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã có nhiều giải pháp để nâng cao giá trị của trứng vịt huyện Lắk.

Với mục tiêu duy trì và phát triển đàn gia cầm trên địa bàn huyện, Trạm khuyến nông huyện phối hợp thực hiện các mô hình chăn nuôi tại các địa phương trong huyện, theo dõi sát sao, hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện đánh giá mô hình về tính khả thi, khả năng nhân rộng mô hình,… Điển hình có một số mô hình mô hình nuôi vịt Bầu Cánh Trắng Lai Supper siêu thịt tại gia đình ông Phạm Viết Tung, thôn Hòa Bình 2, xã Đắk Liêng với quy mô 315 con vịt siêu thịt giống vịt Bầu cánh trắng lai supper; mô hình “chăn nuôi thủy cầm” của gia đình anh Mai Hồng Cương và anh Vũ Trọng Toàn, triển khai tại buôn Thái xã Bông Krang, quy mô mỗi hộ nuôi 375 con vịt bầu cánh trắng.

Đối với việc tận dụng diện tích mặt nước sông, hồ phong phú và đa dạng trên địa bàn huyện nên rất thuận tiện cho áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi các loài cá nước ngọt đem lại năng suất, sản lượng và cho thu nhập cao đó là: Mô hình nuôi cá rô phi trong lồng bè  tại hộ ông Trần Văn Lực buôn Krai, xã Nam Ka, số lượng 4.500 con trong lồng có diện tích 45m3.

Ông Nguyễn Viết Quang  Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Kết quả ứng dụng khoa học công nghệ đã được khẳng định. Song để có thể đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi sự tập trung, vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, các ngành và sự chủ động áp dụng của mỗi hộ dân…đó là một quá trình lâu dài. Đáng chú ý là để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới cần tạo sự đột phá về khâu giống để chủ động số lượng, chất lượng và nguồn gốc giống; kiểm soát hiệu quả các loại giống được huyện lựa chọn, phục vụ đắc lực việc xây dựng thương hiệu nông thủy sản của huyện. Bố trí cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác và các khâu sấy, bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường tập huấn, phổ biến tiến bộ khoa học, kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần xây dựng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đóng góp thiết thực phục vụ cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước tiến đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.

Vy thủy