Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.
Tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 06/7/2024, dịch bệnh DTLCP đã xảy ra tại 07 huyện (Krông Năng; Lắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar và Cư Kuin); dịch bùng phát gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi đồng thời gây không ít hoang mang cho người tiêu dùng. Trong chương trình hôm nay sẽ thông tin đến quý vị và các bạn về đặc điểm của bệnh dịch tả lợn châu phi và ảnh hưởng của bệnh đến sức khoẻ con người, một số cách phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn.
Đặc điểm dịch tả lợn Châu Phi
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi có nguồn gốc đầu tiên từ Châu Phi và là bệnh lây nhiễm do virus gây ra. Bệnh có thể lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, mọi lứa tuổi của lợn và tỉ lệ chết gần như 100% với lợn nhiễm bệnh. Virus gây bệnh dịch tả lợn có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh dịch tả Châu Phi. Virus dịch tả lợn có sức đề kháng cao, có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, trong thịt lợn sống hoặc ở nhiệt độ không cao virus có thể tồn tại được 3-6 tháng, virus bị chết ở 70 độ C. Chính vì sức đề kháng của virus này cao nên khả năng lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài dịch tả lợn .
Con đường lây bệnh: Bệnh lây nhiễm từ qua đường hô hấp và đường tiêu hóa, Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật nhiễm virus như: lợn nhiễm bệnh, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và thức ăn chứa thịt lợn nhiễm bệnh. Bệnh không lây sang người tuy nhiên người là một tác nhân gây phát tán bệnh.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 – 15 ngày, với thể cấp tính thời gian ủ bệnh từ 3 – 4 ngày. Các triệu chứng trên lợn bệnh tùy từng thể khác nhau.
Thể quá cấp tính
- Lợn chết nhanh, thường không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm và sốt cao trước khi chết.
Thể cấp tính:
- Lợn sốt cao khoảng 40,5 – 42 độ C.
- Lợn 2-3 ngày đầu tiên không ăn, lười vận động, nằm chồng đống, thích nằm chỗ gần nước.
- Lợn di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là các vùng như: tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể có màu xanh tím.
- Sau đó khoảng 1-2 ngày trước khi lợn chết có biểu hiện triệu chứng thần kinh, đi lại không vững, thở gấp khó thở, có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón.
- Lợn chết trong vòng 6-13 ngày hoặc có thể kéo dài đến 20 ngày. Lợn mang thai có thể gây sẩy thai, tỉ lệ chết cao gần như 100%
- Trường hợp lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus không triệu chứng sẽ mang virus cả đời và là nguồn lây nhiễm bệnh.
Thể á cấp:
- Lợn sốt nhẹ, hoặc không sốt, giảm ăn, sụt cân, ho và khó thở. Đi lại khó khăn, viêm khớp, lợn mang thai có thể sẩy thai.
- Lợn chết sau khoảng 15-45 ngày, tỷ lệ chết ở thể này khoảng 30-70%.
Cách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Vệ sinh chuồng trại để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Hiện nay chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu cho lợn đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy các phương pháp phòng tránh bao gồm:
- Thường xuyên vệ sinh, sát trùng tại cơ sở chăn nuôi, các phương vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ điểm bán buôn, giết mổ lợn và các sản phẩm thải của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất.
- Vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi.
- Phát hiện cách ly lợn bị bệnh và nghi bị bệnh.
- Diệt các nguồn bệnh như ruồi, muỗi để tránh mang mầm bệnh phát tán ra bên ngoài.
- Không mua, bán thịt lợn không có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa hay chưa được nấu chín từ lợn.
Ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi tới sức khỏe con người: Virus tả lợn Châu Phi (ASFV) tuy không trực tiếp lây sang người, nhưng lại khiến lợn mắc phải các bệnh khác nguy hiểm cho con người. Do khả năng sinh tồn của loại virus gây bệnh cao, nên dịch có xu hướng lâ y lan rất nhanh. Tuy nhiên bệnh dịch tả lợn Châu Phi không lây lan sang người, không có mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhưng lợn mắc bệnh dịch tả Châu Phi có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn…
Những bệnh như tai xanh, cúm, thương hàn… mới gây nguy hiểm cho con người, gây ra rối loạn tiêu hóa khi người ăn phải tiết canh hay thịt lợn bệnh chưa được nấu chín. Đặc biệt khi bị bệnh tai xanh, vi khuẩn liên cầu trú ngụ trong miệng, mũi của lợn sẽ phát triển, nếu người có vết thương hở tiếp xúc với lợn sẽ bị vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Khi bị nhiễm khuẩn người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết một số nơi trên cơ thể, ngoài ra có một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc đường tiêu hóa, nặng hơn có thể bị viêm màng não.
Dịch tả lợn Châu Phi hiện lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh chưa có biện pháp phòng chống đặc hiệu cho nên mọi người cần chủ động phòng chống dịch bằng các biện pháp sinh học. Bệnh không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, tuy nhiên có thể gây hay gian tiếp qua các bệnh khác. Nên chủ động ăn chín uống sôi đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng để đảm bảo sức khỏe.
Vy Thuỷ – BT
- Người dân cảnh giá với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao
- Nét đẹp thuyền độc mộc và trải nghiệm du lịch chèo thuyền trên Hồ Lắk
- Cà phê giá tăng cao chưa từng có, nông dân đón mùa vụ bội thu
- Nông dân xã Đăk Phơi vui mừng, phân khới bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024
- Xã Krông Nô toạ đàm kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11