Trong những năm qua, tình trạng sinh con thứ ba trở lên ở buôn Mông, thuộc tiểu khu 1388, buôn Liêng Keh, Xã Đắk Phơi đã trở thành một trong những vấn đề “nóng”, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, cũng như sức khỏe sinh sản của nhiều cặp vợ chồng nơi đây.
Gặp chị LòThị Dánh chỉ mới hơn 25 tuổi nhưng hiện đã có đến 4 người con. Trải qua nhiều lần sinh con, cộng với không được chăm sóc đầy đủ đã khiến sức khỏe của chị Dánh suy giảm nhanh chóng, nhìn chị có vẻ già hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Đông con khiến cho cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Chị Lò Thị Dánh buôn Mông tiểu khu 1388 thuộc Buôn Liêng Keh, xã Đắk Phơi cho biết : “đẻ nhiều con cũng thấy khổ lắm , nhưng toàn sinh con trai nên mình cứ đẻ thêm để có con gái mà không có, giờ đông con thấy khổ lắm, không làm được việc gì không có ai trông con”.
Trường hợp như gia đình chị Dánh không phải là hiếm ở buôn Mông. Đây là một trong những buôn luôn “nóng” về tình trạng sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn xã. Tuy nhiên công tác tuyên truyền vận động người dân tộc phía bắc di cư vào sinh sống làm ăn ở vùng này vẫn chưa được quan tâm, việc nắm bắt thông tin về công tác dân số KHHGĐ không sinh con thứ 3 ớ các cặp vợ chồng đang bị bỏ ngỏ. Hiện nay, cộng tác viên dân số buôn Liêng keh đang kiêm nhiệm làm cộng tác viên dân số buôn Mông, nhưng do địa hình hiểm trở lại cách xa trung tâm xã, tiền trợ cấp chỉ được 150.000đ/tháng nên việc vận động bà con ở đây thực hiện kế hoạch hóa gia đình chưa được quan tâm.
Chị Lại Thị Oanh – cán bộ chuyên trách dân số – KHHGĐ xã Đắk Phơi cho biết: Việc vận động bà con ở Buôn Mông thực hiện kế hoạch hóa gia đình rất khó khăn, do nhận thức của người dân chưa cao, nhiều hộ vẫn nặng về quan niệm phải có con để duy trì nòi giống nối dõi tông đường và thích đông con… Chính vì thế, trong những năm qua tình trạng sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn luôn chiếm tỷ lệ cao, có nhiều gia đình sinh đến con thứ năm và thứ sáu…”.
Buôn Mông thuộc tiểu khu 1388, Buôn Liêng Keh, xã Đắk Phơi có 45 hộ, 100% hộ dân ở đây đều thuộc diện hộ nghèo. Có thể nói việc sinh nhiều con, sinh dày đã ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cũng như chất lượng cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng. Buôn cách trung tâm xã hơn 15 Km; đường đi lại rất khó khăn, không có điện, không có sóng điện thoại, người dân bị hạn chế rất nhiều về việc tiếp cận thông tin nên nhận thức của người dân về việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình rất khó chuyển biến. Anh Lò Sèo Sảnh – Trưởng buôn Mông tiểu khu 1388, thuộc buôn Liêng Keh, xã Đắk Phơi phấn khởi chia sẻ: “Người dân ở đây do phong tục nên lấy vợ, lấy chồng sớm lắm, nhà nghèo rồi không biết kế hoạch nữa đông con, con cái mới đi học lớp 6, lớp 7 lại ở nhà yêu sớm , lại lấy cợ lấy chồng, ở đây nhiều cặp vợ chồng chưa đủ tuổi mà vẫn cứ lấy vợ lấy chồng rồi, khổ lắm”.
Trước tình trạng sinh con thứ ba trở lên đang diễn ra phổ biến ở buôn Mông như hiện nay, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Dân số huyện cần có giải pháp cụ thể, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hơn nữa, nhằm nâng cao nhận thức về kế hoạch hóa gia đình của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, khắc phục tình trạng sinh nhiều con tại Buôn Mông nói riêng, trên địa bàn xã Đắk Phơi nói chung.
H Yur Je
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao
- Nét đẹp thuyền độc mộc và trải nghiệm du lịch chèo thuyền trên Hồ Lắk
- Cà phê giá tăng cao chưa từng có, nông dân đón mùa vụ bội thu
- Nông dân xã Đăk Phơi vui mừng, phân khới bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024
- Xã Krông Nô toạ đàm kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11