Chợ Liên Sơn: nhiều tồn tại cần tháo gỡ và những yêu cầu từ thực tiễn

Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống vẫn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, đối với địa phương kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn như huyện Lăk, xung quanh công tác quản lý, khai thác sao cho hiệu quả vẫn còn nhiều bất cập, trở ngại cần nhanh chóng tháo gỡ đối với hoạt động diễn ra lâu nay ở chợ Liên Sơn.

Chợ Liên Sơn, huyện Lăk được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2003 với 10.080m2, hiện có khoảng 230 hộ kinh doanh cố định. Thiết kế cổng chợ gồm có 01 cổng chính và 03 cổng phụ. Là địa phương có trên 65% đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động của chợ truyền thống trên địa bàn huyện Lăk là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân các dân tộc trong huyện. Nhìn chung, cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết vai trò, tác dụng, mới chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu phục vụ nhân dân.

Ghi nhận của nhóm phóng viên Đài huyện, tại khu vực cổng chính của chợ, do các tiểu thương bày bán sắp xếp hàng hóa không hợp lý, cùng với hệ thống cây xanh hai bên cổng chợ rậm rạp che khuất tầm nhìn của bảng biển chợ; các cổng phụ vẫn còn tình trạng tập trung nhiều rác thải chất đống, ngổn ngang làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường…

Khi vào trong chợ, có thể dễ dàng nhận thấy lối đi lại trong chợ chật hẹp, nhiều gian hàng bố trí, sắp xếp hàng hóa cản trở hành lang, lối thoát nạn, thoát hiểm, mặc dù Ban Quản lý chợ đã kẻ vạch sơn đỏ trừ khoảng cách lối đi, và tuyên truyền vận động các tiểu thương thực hiện theo quy định song phần lớn gian hàng đều lấn chiếm qua vạch sơn đã kẻ sẵn. Tại dãy hàng bán quần áo trong chợ, một số chủ cửa hàng còn thắp hương, nguy cơ hỏa hoạn rất lớn.

Thực tế cho thấy, vào tháng 10/2019, chợ Liên Sơn đã xảy ra vụ cháy vào lúc khoảng 3 giờ sáng ngày 11/10, ngọn lửa đã bùng phát và thiêu rụi 9 ki ốt của 04 hộ kinh doanh là: bà Phạm Thị Thanh Huệ, Đặng Thị Thủy, Nguyễn Thị Kim Loan và Nguyễn Thị Sâm. Ngay sau vụ cháy các ngành chức năng đã làm việc với Ban Quản Lý chợ về các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Kết quả, công tác phòng cháy chữa cháy chưa được chú trọng đúng mức. Hồ sơ theo dõi công tác Phòng cháy chữa chưa đầy đủ. Hệ thống điện trong chợ không đảm bảo, dây dẫn và các thiết bị điện câu mắc sai quy định, đa số dây dẫn chưa được đi vào thiết bị bảo vệ. Việc bố trí, sắp xếp hàng hóa thiếu gọn gàng, không đảm bảo đường đi, lối thoát nạn. Trong khi đó, hệ thống máy nổ bơm nước chữa cháy đã cũ, chưa được sửa chửa, bảo dưỡng. Lối đi trong chợ và giao thông quanh chợ không đảm bảo, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường cũng làm ảnh hưởng đến công tác Phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy. Hiện tại, công tác phòng cháy chữa cháy tuy đã được Ban Quản lý chợ khắc phục và quan tâm, song vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ.

Quy hoạch các khu vực buôn bán trong chợ chưa thực sự phù hợp như  khu vực bán hàng tươi sống, đồ ăn chín, và các mặt hàng rau, củ quả năm sát nhau … chưa phân chia rõ ràng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm giũa hàng ăn chín và hàng thịt, cá tươi sống, cũng như tạo ra sự bất tiện cho người dân khi vào chợ mua sắm. Cùng với đó là hệ thống nước thải trong chợ chưa thực sự đảm bảo làm cho chợ trở nên ẩm thấp, rác thải đổ rất ngỗn ngang, đặc biệt là ở các chợ phụ rác thải đẩy sát ngay công gây ô nhiễm môi trường không bảo đảm vệ sinh và vừa làm mất mĩ quan vừa không bảo đảm sức khoẻ cho người dân cạnh chợ…

Theo phản ánh của các tiểu thương, thời gian gần đây, không khí bán buôn trong chợ không mấy nhộn nhịp, nhất là hiện nay tình hình dịch bệnh covid 19, bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó là vào buổi sáng sớm và buổi chiều muộn, ở hai bên hông chợ Liên Sơn nạn họp chợ tự phát bên ngoài chợ truyền thống, cạnh tranh không bình đẳng, người dân ngang nhiên chiếm dụng lòng, lề đường đường bán hàng không nộp phí. Việc buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong xử lý khiến tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Chợ họp tự phát không phải đóng bất cứ khoản phí nào nhưng vẫn được bán hàng và đông khách, nhất là khi không phải nộp thuế, giá hàng hóa lại rẻ hơn, ngoài chợ người mua cũng thuận tiện hơn. Tình trạng này kéo dài tạo ra cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa người bán trong chợ với bên ngoài. Lòng đường bị lấn chiếm lối đi, mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ.

Có lẽ, để công tác PCCC ở chợ Liên Sơn có chuyển biến tốt, cần bắt đầu từ  công tác quy hoạch, cải tạo hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định hiện hành. Nhưng muốn vậy, cần một góc nhìn đúng đắn và thấu đáo về vai trò của chợ truyền thống hiện nay. Mặt khác công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thị Trấn đối với việc xử lý họp chợ tự phát ngoài những con đường bên ngoài hàng rào chợ Liên Sơn cần có sự vào cuộc giải quyết một cách triệt để của các cơ quan chức năng trên địa bàn thị trấn tạo sự công bằng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các hộ kinh doanh trong chợ thị trấn Liên Sơn.

Vy Thủy