Huyện Lắk khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế

Với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nhiệm kỳ đạt 7,5% đến 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng vào năm 2025, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy lợi thế của địa phương này, trong đó ưu tiên hàng đầu là sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch.

Với gần 30 nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp, huyện Lắk xem đây là lợi thế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2020 – 2025. Không những có diện tích rộng, đất đai ở đây còn khá màu mỡ, hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư ngày càng kiên cố đã góp phần nâng cao năng suất sản lượng cây trồng trong nhiều năm trở lại đây, với con số xấp xỉ 120 nghìn tấn mỗi năm.

Chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp đó là huyện Lắk đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ yếu theo hướng VietGAP và hữu cơ, đồng thời đưa các giống lúa có năng suất chất lượng cao như ST24, ST25 vào canh tác tạo nên thương hiệu lúa gạo cho huyện Lăk.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, huyện Lắk đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc với chương trình “Cải tạo tầm vóc đàn bò” và “Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ”. Đến nay tổng đàn trâu, bò của huyện ước đạt 22 nghìn con,  tập trung ở các xã có nhiều cánh rừng và đồng cỏ như Yang Tao, Bông Krang, Đăk Nuê, Đăk Liêng, Đăk Phơi và Ea Rbin.

Diện tích mặt nước rộng, sản xuất lúa nước phát triển là điều kiện thuận lợi để huyện Lắk đẩy mạnh chăn nuôi thủy cầm với trên  650 nghìn con mỗi năm, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huyện Lắk còn chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, mỗi năm thu được khoảng 2 nghìn tấn cá các loại. Ngoài các loại cá thông thường như Rô phi, Trắm, Mè và cá Trôi, huyện Lắk đã được nhiều người biết đến nhờ đặc sản chả cá Thác lác và cá Bống. Đặc biệt năm 2011, sau khi khảo sát điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở đây, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã quyết định mở cơ sở nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Tua Srah tại xã Nam Ka, với quy mô nuôi lên đến 20 nghìn con, vốn đầu tư 500 tỷ đồng, là một trong những cơ sở nuôi cá tầm có quy mô lớn ở Đắk Lắk.

“Tập trung huy động các nguồn lực, nhằm xây dựng và phát triển huyện Lăk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030” là nội dung quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của huyện. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông đến các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của huyện như: Hồ Lắk có diện tích gần 600 héc ta; Thác Bìm Bịp ở buôn Biếp, xã Yang Tao; Suối đá lộ thiên ở buôn Pai A, xã Đắk Phơi, hay còn có Hang Đá ba tầng trên núi Yôk Sam ẩn trong những cánh rừng nguyên sinh, là những địa điểm còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, trong năm 2020, huyện Lắk đã triển khai trồng các loài hoa đẹp dọc theo các tuyến đường trên địa bàn huyện. Cùng với đó là chú trọng công tác bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn voi, tạo nên những dấu ấn riêng biệt mà không phải địa phương nào ở tỉnh Đắk Lắk cũng có được.

Phát huy tiềm năng thế mạnh, khơi dậy sức mạnh tổng hợp từ các giá trị văn hóa truyền thống cùng những thành tựu đạt được, huyện Lắk đang tiến những bước dài, vững chắc, cùng với các địa phương khác, góp phần xây dựng Đắk Lắk ngày càng phát triển. Hy vọng với những cách làm sáng tạo, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, trong tương lai không xa, huyện Lắk sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.

Xuân Tiệp – Xuân Thái – Vy Thủy