Xã Đăk Nuê tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện Nghị Quyết 05, ngày 5/3/3021 của BCH -Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2021 – 2025, đến nay công tác hướng dẫn, định hướng cho bà con nông dân trong việc lựa chọn những giống cây phù hợp để chuyển đổi cây trồng phù hợp luôn được Đảng uỷ, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể xã Đăk Nuê quan tâm, chú trọng, nhất là kiểm tra việc trồng và chăm sóc các giống cây ăn quả mà bà con đã được các đơn vị kết nghĩa trao tặng. Cụ thể, trên địa bàn xã thời gian qua đã có 1.270 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 9 buôn của xã được nhận giống cây ăn trái từ các đơn vị kết nghĩa, từ UBND huyện và một số đơn vị đóng chân trên địa bàn xã, với tổng số 5.475 cây ăn trái gồm các loại mít thái, sầu riêng, cam, na, điều.

Qua kiểm tra thực tế, các hộ dân sau khi nhận được cây giống hỗ trợ đã thực hiện trồng và chăm sóc cây cải tạo vườn tạp, trồng xen trong vườn cà phê… hiện cây trồng phát triển xanh tốt … Các ban, ngành, đoàn thể của xã được giao nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn từng hộ dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc” từ khâu làm đất, đào hố, trồng cây, chăm sóc… cho đến khi cây cho sản phẩm, các hộ dân được cho giống cây ăn trái đã có những ý kiến chia sẻ.

Để giúp người dân có thêm kinh nghiệm cũng như áp dụng KHKT vào trồng và chăm sóc cây ăn trái, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp mở lớp tập huấn, định hướng cho người dân cải tạo vườn, tư vấn, giới thiệu các hộ tiếp cận các nguồn vay như ngân hàng chính sách, các vốn vay do hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên xã hỗ trợ… Đánh giá về kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 05 tại địa phương, ông Phạm Quang Tuyến – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nuê cho biết, bà con DTTS vui mừng khi đón nhận cây giống được trao tặng và nhiều hộ còn hăng hái đầu tư mua thêm cây giống về trồng trong vườn, trên rẫy, thay thế dần cây trồng kém hiệu quả và phủ xanh những vùng đất lâu nay bỏ hoang hóa. Thành công của NQ-05 chính là thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của chính người dân.

Việc tổ chức cho cán bộ xã xuống tiếp xúc thăm hỏi, động viên, hướng dẫn tuyên truyền vận động bà con tăng gia lao động sản xuất, nhất là vào giai đoạn này rất cần chính quyền địa phương đi sát cùng bà con nhân dân, có những định hướng cũng như các chính sách phù hợp như xã Đăk Nuê đã làm thời gian qua để nghị quyết 05 đi vào cuộc sống của từng hộ dân, góp phần từng bước xoá đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.

Vy Thuỷ – Văn Hoan