Tiếp tục chủ động phòng chống thiên tai mưa bão trong những ngày tới

Bộ NN-PTNT cho biết theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại bước đầu thống kê đến 17 giờ ngày 8-9, bão số 3 đã làm 22 người chết, mất tích do bão, lũ quét, sạt lở đất; 229 người bị thương.

Trong số 21 người chết, ở Lào Cai 6, Quảng Ninh 4, Hải Phòng 2, Hải Dương 1, Hà Nội 1, Hòa Bình 4, Yên Bái 1, Lạng Sơn 1, Quân khu 3: 1. Có 1 người mất tích do lũ cuốn ở Bắc Giang.

Trong số 229 người bị thương, tỉnh Quảng Ninh có 157 người, Hải Phòng 40…Bão số 3 khiến 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 8.017 nhà ở bị hư hỏng; 5 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220kV, 97 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…Hàng ngàn ha cây trồng của người dân ở các vùng ảnh hưởng bão bị thiệt hại nặng nề…

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và bảo vệ an toàn tính mạng của người dân bị ảnh hưởng mưa lũ trong những ngày tới, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn để thông tin kịp thời, đầy đủ đến người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và của cả cộng đồng; đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương. Rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra mưa, lũ; xác định trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính”. Nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, ứng phó thiên tai, sự cố; chỉ đạo vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thuộc phạm vi quản lý đảm bảo an toàn công trình và hạ du; tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo các tình huống, phương án, kế hoạch đã xây dựng.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư trong tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn theo quy định. Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn, trong đó cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hoá, nhất là trong hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đã được UBND tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ, đồng thời đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định.

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, công trình đang thi công trên địa bàn; khuyến cáo người dân có phương án bảo vệ sản xuất ở khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.á Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Riêng đối với 03 xã, gồm: Krông Nô, Nam Ka và Ea R’bin phối hợp với Công ty cổ phẩn thuỷ điện Trung Nam Krông Nô và Công ty Thủy điện Buôn Kốp triển khai phương án phối hợp Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hồ chứa thủy điện Buôn Tua Sah mùa mưa lũ năm 2024.

Đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện căn cứ vào lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, chủ động theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đơn vị, địa phương liên quan thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai đảm bảo đúng quy định, đạt hiệu quả

          XT