Bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là các trẻ dưới 5 tuổi, bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 3-5 và tháng 8-9 hằng năm. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Tính từ ngày 21/6 – 17/8/2023, trên địa bàn huyện ghi nhận 62 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu ở độ tuổi từ 1-5 tuổi; Các ca bệnh ghi nhận nhiều tại các xã Yang Tao với 11 ca; Thị trấn Liên Sơn 12 ca; xã Đắk Liêng 11 ca; xã Đắk Phơi 10 ca. Trong đó số ca bệnh tập trung nhiều nhất vào thời điểm từ ngày 1/8 -17/8 với 30 trẻ nhỏ mắc bệnh và có nhiều ca nặng phải chuyển lên tuyến trên.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; thường xuyên lau dọn nhà cửa sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ bị bệnh tay chân miệng.
Đối với các trường học trên địa bàn huyện thời gian tháng từ 8 – 9 cũng là thời điểm các em học sinh đến nhận lớp, chuẩn bị bước vào năm học mới, đây chính là thời điểm dịch tay chân miệng dễ lây lan trong nhà trường. Vì vậy các trường học, đặc biệt là ở bậc mầm non cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn/ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như: Sốt nhẹ hoặc vừa; mệt mỏi; Đau họng; chảy nước bọt nhiều; tổn thương và đau rát ở răng hoặc chân răng; phát ban dạng phỏng nước 2-10mm màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, sờ cộm, không đau, không ngứa; vết loét ở niêm mạc má, lợi và lưỡi.. cần đưa trẻ đi khám để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Cha mẹ có con bị tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.
H Yur Je + Văn Hoan
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tăng cường tuần tra bảo vệ rừng
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao