Huyện Lắk tập trung xây dựng thương hiệu lúa gạo sạch

Mỗi năm huyện Lắk gieo trồng hơn 15 nghìn ha lúa nước, năng suất ước đạt từ 85 – 95tạ/ha, sản lượng đạt gần 91.140 tấn. Cơ cấu giống lúa được sử dụng trong sản xuất chủ yếu là các giống kháng sâu bệnh có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Đài thơm 8, RVT, ST 24, ST 25. Để phát huy tiềm năng, lợi thế này huyện Lắk đã ban hành Nghị quyết số 09 – ngày 28/02/2022 về định hướng xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk với mục tiêu phát triển các sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn OCOP, xây dựng thương hiệu lúa gạo sạch huyện Lắk.

Sau khi Ban hành, Nghị quyết đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, Ủy ban nhân dân huyện đã phân bổ kinh phí hơn 13.600 triệu đồng để mua khoảng 592 tấn lúa giống cấp cho bà con nông dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, vận động người dân tái sản xuất theo hướng VietGap. Trong năm 2023, từ nguồn ngân sách cho người trồng lúa và kinh phí vận động từ các doanh nghiệp, UBND huyện đã hỗ trợ cho Hợp tác xã sản xuất và Dịch vụ Nông – Ngư nghiệp Thái Hải, xã Buôn Triết thực hiện 180 ha sản xuất giống Đài thơm 8 và sản xuất 385 ha lúa theo liên kết chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm. Qua đó đã tạo tiền đề để người dân tiếp cận các mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị Vụ đông xuân 2023 – 2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp vơi các Hợp tác xã trên địa bàn huyện triển khai mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGap cho xã Đắk Liêng, xã Buôn Tría, Buôn Triết với diện tích 114,5 ha. Đây là những diện tích sản xuất lúa đã được Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Tại xã Buôn Triết, có 17 hộ tham gia mô hình với diện tích 41,5 ha. Trong quá trình sản xuất các hộ gia đình đều chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt hơn 90 tạ tươi/ha.Tại xã Buôn Tría thay vì sản xuất lúa theo phương thức truyền thống, người nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất. Vụ đông xuân năm 2023 – 2024, các diện tích lúa sản xuất theo hướng VietGap năng suất ước đạt từ 120 – 130 tạ tươi/ha. Năm nay giá lúa tươi cao, thương lái mua tại ruộng với giống lúa ST24, ST25 hơn 10.500 đồng/kg; thời tiết thuận lợi lại được mùa nên ai cũng rất phấn khởi.

Hiện nay, huyện Lắk có 01 sản phẩm gạo sạch OCOP 3 sao cấp huyện là Gạo sạch Thái Hải của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Nông – Ngư nghiệp Thái Hải, xã Buôn Triết và 01 sản phẩm  OCOP 3 sao cấp tỉnh là Gạo sạch Mười Đào của Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Tín, xã Đắk Nuê. Để quảng bá và tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm, huyện Lắk đã và đang thực hiện các bước xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận gạo huyện Lắk cho sản phẩm gạo; xây dựng website, trang fanpage, đăng ký và duy trì Hosting, tên miền; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về dữ liệu sản phẩm, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Trong thời gian tới, huyện Lắk sẽ tập trung xây dựng các cánh đồng sản xuất lúa theo quy trình VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm, trung sản xuất theo quy mô lớn để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng hướng tới sản xuất sản phẩm lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời hỗ trợ về cơ chế, chính sách, đất đai để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biên gạo; khuyến khích các HTX đầu tư một số thiết bị máy móc hiện đại để thực hiện trọn vẹn các quy trình từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo ra các sảm phẩm gạo sạch có chất lượng giá trị cao, đưa thương hiệu lúa gạo huyện Lắk vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Văn Hoan + H’ Yur