Sáng 26/10, Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức hội thảo “tham vấn về thực trạng và khuyến nghị cho bảo tồn nghề gốm truyền thống ở huyện Lăk”. Tham dự hội thảo có ông Lê Văn Lân điều phối viên dự án Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam, bà Buôn Krông Thị Tuyết Nhung- PGS, TS Trường Đại học Tây Nguyên, các đồng chí lãnh đạo đại diện các phòng ban liên quan của huyện, đại diện chính quyền xã Yang Tao và các nghệ nhân nghề gốm ở địa phương.
Tại buổi hội thảo các đại biểu đã được bà Buôn Krông Thị Tuyết Nhung- PGS, TS Trường Đại học Tây Nguyên giới thiệu chung về nghề gốm truyền thống. Theo đó, với sự thuận lợi về điều kiện tự nhiên, người M’nông và Êđê ở lưu vực sông Sêrêpôk đã kiến tạo nhiều ngành nghề truyền thống, tiêu biểu có nghề làm gốm tồn tại và phát triển lâu đời, có đặc trưng riêng. Kỹ thuật làm gốm theo phương pháp cổ xưa này chỉ còn tồn tại ở xã Yang Tao thuộc huyện Lắk và Buôn Trấp thuộc huyện Krông Ana. Hiện nay, với số lượng khiêm tốn, nghệ nhân làm gốm duy trì hoạt động này nhỏ lẻ, không thường xuyên; thiếu nguyên liệu sản xuất; sản phẩm kém tính cạnh tranh, thiếu thị trường tiêu thụ, giá cả thấp; Nghệ nhân chỉ tạo ra sản phẩm khi khách du lịch có nhu cầu hoặc khi Bảo tàng Đắk Lắk đặt hàng. Riêng ở huyện Lăk hiện chỉ còn lại 15 nghệ nhân làm gốm, các công đoạn chế tác gốm gặp một số khó khăn như thiếu sự đầu tư, nguồn đất sét làm gốm ngày càng khan hiếm, chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm làm ra chủ yếu để trưng bày, nghề gốm cổ của người M’nông chưa được bảo tồn và phát triển gắn liền với sinh kế của người dân.
Tại hội thảo đã có rất nhiều ý kiến của các đại biểu, các nghệ nhân và đại diện các ban ngành như: muốn bảo tồn nghề gốm truyền thống xã Yang Tao nên cải tạo lại không gian làng gốm sạch đẹp hơn, tìm kiếm các nguồn đất hợp lý, có chính sách ưu đãi trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó, cần gắn phát triển du lịch với làng nghề gốm để quảng bá, đồng thời hỗ trợ về vốn cho các nghệ nhân để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Việc khảo sát, đánh giá sơ bộ về thực trạng nghề làm gốm cổ tại xã Yang Tao không những góp phần bảo tồn văn hóa nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, mà còn là cơ sở để đề xuất giải pháp hỗ trợ giải quyết công ăn việc làm cho phụ nữ người M’nông, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về giá trị của nghề truyền thống gắn với phát triển sinh kế, cũng như tăng cường vai trò, kỹ năng của phụ nữ trong kết nối, quảng bá sản phẩm mà họ làm ra.
Văn Thắng
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tăng cường tuần tra bảo vệ rừng
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao