Trường tiểu học Y Jút từng bước khắc phục khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Y Jut, xã Yang Tao có 662 học sinh, với 21 lớp, tăng 20 học sinh so với năm học 2021 – 2022, trong đó có trên 400 học sinh lớp 1, 2, 3 thực hiện Chương trình GDPT 2018, tỉ lệ học sinh là người DTTS chiếm 98,9%.

Bước vào năm học mới nhà trường đã triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả hai chương trình GDPT cấp tiểu học: Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 và chương trình GDPT 2006 đối với lớp 4, lớp 5. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, khai thác sử dụng sách giáo khoa, các nguồn tài liệu, thiết bị dạy học hiệu quả phù hợp với thực tiễn nhà trường,…Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.  Việc đổi mới Chương trình giúp giáo viên tích cực hơn trong đổi mới mục tiêu giáo dục phổ thông, đảm bảo việc dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, tạo chuyển biến tương đối rõ nét về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong thực hiện Chương trình…

Chương trình GDPT 2018 ở cấp Tiểu học yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, nhưng với áp lực học sinh tăng, trường Tiểu học Y Jút gặp khó khăn về bố trí học sinh/lớp và cơ sở vật chất chưa đồng bộ, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thiếu…Thầy Nguyễn Hữu Cương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Yut, xã Yang Tao cho biết: Khó khăn của nhà trường trong thực hiện Chương trình GDPT đó là hiện tại biên chế giáo viên/lớp của trường mới đạt tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp, mà yêu cầu đạt là 1,5 giáo viên/lớp; Tình trạng khó bố trí thời khóa biểu phù hợp, logic của chương trình của các môn Tiếng anh và Tin học là thực trạng đang diễn ra trong nhà trường do thiếu giáo viên chuyên môn, phòng tin học, máy vi tính phục vụ dạy và học chưa có. Bên cạnh đó tỉ lệ học sinh tăng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng mức độ cơ bản như một số phòng học, nhà vệ sinh đã xuống cấp, giếng nước chưa đảm bảo, thiết bị ngoài trời, sân chơi, các phòng chuyên môn, phòng hiệu bộ còn thiếu (hiện đang sử dụng 1 phòng học làm phòng chuyên môn, thiết bị, thư viện và phòng y tế),…

Khắc phục khó khăn đó, nhà trường chọn giải pháp tháo gỡ từ chính thực tế đội ngũ hiện có; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác xã hội hóa bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị,… nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác dạy và học tại nhà trường.

Theo nhà trường, trước khi triển khai dạy học, nhà trường đã nghiên cứu kỹ các văn bản, rà soát nhân sự, sắp xếp công việc, cố gắng bố trí phòng học, thời khóa biểu hợp lý, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tạo điều kiện để học sinh, vui chơi, giải trí sau giờ học chính khoá dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm,…đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực hiện chương trình đúng tiến độ. Đồng thời, Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tập huấn, bồi dưỡng đảm bảo chất lượng dạy học các môn theo chương trình GDPT mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá tác động khi triển khai thực hiện nhằm đáp ứng chương trình trong thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023, từng bước xây dựng lộ trình trường chuẩn Quốc gia vào năm 2024./.

Văn Hoan – Văn Thắng