Trồng sâm bố chính hướng đi mới cho người dân huyện Lăk

Đối với người dân huyện Lăk, sâm bố chính là loại cây trồng hoàn toàn mới, không chỉ thích nghi tốt với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng ở đây mà còn có giá trị kinh tế cao.Từ nay, người dân sẽ có thêm sự lựa chọn để đưa giống cây sâm bố chính vào phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Sâm bố chính là cây dược liệu quý có khả năng phòng và điều trị được rất nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, ho, viêm phế quản, nóng sốt. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, cây còn có thể làm cảnh để trang trí sân vườn. Loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc nên đã được ông Nguyễn Xuân Chiến hội viên Chi hội đông y xã Đăk Nuê đưa vào trồng năm 2019 với quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế cao. Vốn là người yêu thích các loại cây dược liệu, tháng 5/2019, ông Nguyễn Xuân Chiến bén duyên với sâm Bố Chính và quyết định đưa giống cây này về trồng, ông chiến cho biết, do ông trồng trúng vào mùa khô nên chi phí đầu tư ban đầu khoảng 40 triệu đồng làm hệ thống tưới nước tự động và mua giống, phân bón để trồng thử 1.000m2 sâm bố chính. Được bạn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, cùng với vốn kinh nghiệm trồng các loại cây dược liệu của bản thân nên vườn sâm phát triển tốt. Vừa qua, vườn sâm đã cho thu hoạch 1 tấn củ, ông Chiến bán được với giá 100 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, ông thu lãi 50 triệu đồng. Không những thế, vườn sâm của ông chiến đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 nhân công lao động thường ngày chăm sóc vườn sâm với mức tiền trả cho mỗi nhân công từ 170.000 đồng – 180.000 đồng/ngày. Sâm bố chính dễ trồng, không cần quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, cần chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng; làm cỏ sau bón thúc phân chuồng đã ủ hoai ở giai đoạn cây sắp đẻ nhánh; thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thành công sau đợt trồng sâm đầu tiên, ông Chiến đã mạnh dạn mở rộng 1,3 ha đất của gia đình để trồng sâm xen trong vườn cà phê non và chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho những nông dân quanh vùng  có ý chí làm kinh tế, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Hiện tại buôn Dhăm 1 ngoài ông Chiến đã có 7 hộ gia đình tham gia trồng Sâm Bố Chính, tổng diện tích hơn 4ha. Những nông dân được ông Chiến chuyển giao trồng Sâm sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm, hướng đến liên kết thành lập Hợp tác xã trồng sâm bố chính và các loại cây dược liệu khác.

Trồng sâm bố chính không chỉ giúp bảo tồn loại cây dược liệu quý, mà đây còn là mô hình phát triển kinh tế mới trên địa bàn huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với những trường hợp ít vốn, ít đất sản xuất. Đầu tư ban đầu chỉ khoảng 20 – 25 triệu đồng/sào đất, năng suất củ đạt từ 8 tạ -1 tấn/sào, và hiện đang có giá bán giao động từ 80 – 120 ngàn đồng/kg. Trong thời gian tới, Hội Đông y huyện sẽ nhân rộng mô hình cho các hội viên bằng cách tổ chức các buổi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng sâm bố chính cho những hội viên hội đông y.

Qua hiệu ban đầu từ việc trồng sâm bố chính của hội viên hội Đông y Nguyễn Xuân Chiến và một số hộ nông dân ở buôn Dhăm 1, xã Đăk Nuê, trong thời gian tới Hội Đông y huyện mong muốn Phòng Nông ngiệp – phát triển nông thôn huyện và Trạm khuyến nông huyện sẽ phối hợp nhân rộng mô hình đến với các hộ nông dân, để các hộ dân trồng và phát triển kinh tế gia đình góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương./.

Vy Thủy