Ngày 18/4, UBND huyện Lắk long trọng tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng thác Liêng Puh Pết là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và công bố phạm vi khoanh vùng bảo vệ của di tích. Dự buổi lễ về phía tỉnh có các đồng chí Lê Phúc Long – Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du Lịch tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở ngành liên quan. Về phía huyện có đồng chí Đào Thị Thanh An – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ và các cơ quan, đoàn thể huyện, xã cùng các nhân chứng lịch sử và đông đảo bà con nhân trên địa bàn xã.
Thác Liêng Puh Pêt nằm gần Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng (buôn Trang Yuk), một trong các địa điểm hoạt động cách mạng nằm trong vùng căn cứ phía Nam H10 – Lắk đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2020. Vị trí thác nằm giữa khoảnh 5 và khoảnh 6 của tiểu khu 1426 thuộc rừng phòng hộ do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm Nghiệp Lắk quản lý. Thác được bao phủ bởi hệ sinh thái rừng thưa cây lá kim và những cây thông ba lá cổ thụ nằm ở độ cao 776m đến 861m so với mặt nước biển. Thác được chia thành 3 tầng trải dài từ trên đỉnh xuống chân thác khoảng 2 Km, bắt nguồn từ những mạch nước ngầm chảy ra từ những khe đá trên đỉnh núi và hợp lưu tạo thành dòng thác hoang sơ chảy len lỏi qua các khối đá lớn từ đỉnh núi xuống chân núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu và sau đó đổ vào dòng suối Đăk Rơ Pul. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Liêng Puh Pêt quyến rũ con người bởi vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, trong lành và sự tích gắn với tên gọi của thác lưu truyền từ xa xưa. Tương truyền rằng, vào một năm trời hạn hán kéo dài, nguồn nước trên các dòng sông, dòng suối khô cạn, làm cho mùa màng thất bát, mọi người đói khổ. Để cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân làng buôn Yông Hắt đã tổ chức lễ cúng cầu mưa, lễ vật là một con trâu được nặn từ sáp ong và nhiều vật tế khác như gà trống sống, rượu cần … để tế thần linh. Tất cả đặt trên tảng đá lớn nằm giữa dòng thác khô cạn… Khi nghi thức của lễ cúng được thực hiện xong, bỗng con trâu nặn từ sáp ong từ từ tan ra và rồi tảng đá đặt lễ vật cúng biến đổi giống hình dạng một con trâu lớn, cùng với đó là trời đổ mưa xuống, dòng thác lại tuôn trào. Người dân tin rằng thần linh đã nghe thấy những lời cầu khấn, “hồn trâu” linh thiêng hoà ấn ẩn vào tảng đá luôn che chở, bảo vệ, đem đến ấm no cho buôn làng. Do đó họ đặt tên cho thác là Liêng Puh Pết, Liêng là tảng đá lớn, Puh là con trâu, Puh Pết là con trâu nặn từ sáp ong…
Nếu quản lý tốt và khai thác một cách có quy hoạch, hợp lý thì trong tương lai hứa hẹn thác Liêng Puh Pêt cùng với Hang đá 3 tầng sẽ là nơi tham quan lý tưởng, rất thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội của huyện Lắk nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Với ý nghĩa, tầm quan trọng và những tiềm năng lợi thế đó, ngày 21/1/2021, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với thác Liêng Puh Pết, đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Lắk.
Tại buổi lễ, đồng chí Lê Phúc Long – Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du Lịch tỉnh đã trao bằng công nhận di tích cấp tỉnh đối với thác Liêng Puh Pết, xã Krông Nô và phát biểu chỉ đạo các nội dung mà chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Nhân dịp này, UBND huyện đã tặng quà cho các nhân chứng lịch sử là các già làng sinh sống gần thác Liêng Puh Pết. Các đại biểu tham dự buổi lễ cũng đã tham gia hành trình khám phá vẻ đẹp của thác và tham dự buổi phục dựng nghi lễ cúng cầu mưa của người M’nông Gar tại tầng 3 của thác. Một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của Đồng bào Tây Nguyên, được tổ chức với mục đích để cầu thần mưa ban cho mưa thuận gió hoà, ban cho bà con buôn làng những điều tốt đẹp. Lễ hội thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, cây cối nảy lộc đâm chồi, con người khoẻ mạnh và mong ước xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp ấm no. Đây cũng chính là một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào M’nông tại huyện Lăk. Việc phục dựng lại Nghi lễ này nhằm mục đích bảo tồn và giữ gìn nét văn hoá truyền thống của người dân tộc M’nông nơi đây và sau này sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc…
Vy Thuỷ – Văn Hoan
- Xã Krông Nô toạ đàm kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
- Đồng chí Đào Thị Thanh An dự và chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 tại xã Bông Krang
- Phòng Giáo dục Đào tạo huyện tọa đàm kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2024
- Xã Đăk Phơi toạ đàm kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam
- UBND xã Đắk Nuê tọa đàm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2024