Lan toả phong trào thi đua yêu nước ở huyện Lăk

Như mạch ngầm lan tỏa, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn toàn huyện đã đi vào từng lĩnh vực của cuộc sống, với nội dung phong phú, hình thức đa dạng và ngày càng thực chất. Từ các phong trào thi đua ấy đã xuất hiện nhiều những tấm gương điển hình tiên tiến được tôn vinh, nhân rộng; tạo không khí thi đua sôi nổi tham gia phát triển kinh tế – xã hội vừa góp phần lan tỏa trong mọi tầng lớp, lĩnh vực cuộc sống về tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng huyện Lăk ngày càng phát triển.

Tùy từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương; các phong trào thi đua đã được các cấp, ngành, đơn vị phát động sôi nổi, nội dung gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi ngành, mỗi địa phương. Ðược cụ thể hóa bằng các hành động, việc làm để thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, tiêu biểu như các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”; “Dân vận khéo”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phát huy tinh thần tự nguyện hiến đất của cán bộ, đảng viên và quần chúng nông dân để làm đường làm cầu cống – đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ công trình dân sinh xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua, lĩnh vực văn hóa – xã hội; Phong trào thi đua của ngành Giáo dục – Đào tạo: chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, quy mô trường lớp học được đầu tư mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Phong trào thi đua của ngành Y tế: chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên. Đã chủ động triển khai nhiều biện pháp khống chế, ngăn chặn kịp thời các bệnh truyền nhiễm xuất hiện trên địa bàn; Phong trào thi đua  “Thi đua Quyết thắng”  trong lực lượng quân sự địa phương luôn hoàn thành công tác tuyển quân hàng năm đạt 100% kế hoạch; Phong trào thi đua  “Vì an ninh Tổ quốc“, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc“…  trong lực lượng Công an được triển khai sâu rộng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đảm bảo an toàn giao thông được chỉ đạo tăng cường thực hiện. Đấu tranh ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.  Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, lâu dài, là nhiệm vụ then chốt và là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm và làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 05 về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hàng năm Huyện ủy thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc chuyên đề: “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sau học tập, tổ chức đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc đăng ký học tập và làm theo  tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được lồng ghép vào bản đăng ký thi đua hàng năm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và xem đây là một trong những tiêu chí để làm căn cứ bình xét thi đua, khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân.

Qua các phong trào trên đây góp phần tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương. … Trong đó phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, huyện Lăk đã vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo từng vùng, từng địa phương. Tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, kinh tế trang trại, hợp tác xã; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật… giúp họ phát triển kinh tế.

Toàn huyện hiện có 2.566 hộ được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; 432 hộ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Từ các phong trào thi đua, nhiều nông dân trên địa bàn đã vượt khó, phát huy lợi thế của địa phương khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Ðiển hình như: ông Nguyễn Xuân Ước, thôn Mê Linh 2 xã Buôn Triết, nhờ cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, đến nay từ 4,5 ha đất trồng cấy lúa nước và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại cho gia đình ông thu nhập trên 220 triệu đồng mỗi năm. Kinh tế gia đình khá giả ông Ước không chỉ có điều kiện để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất mà còn luôn tích cực hưởng ứng các phong trào của thôn và xã. Năm 2016 ngoài việc tham gia đóng góp theo đầu hộ, ông Ước còn đóng thêm số tiền 3 triệu đồng và hơn 10 ngày công lao động để nhân dân trong thôn mua đất, xây dựng nhà văn hóa của thôn.

Ở buôn Mă, xã Bông Krang, có ông Y Thương K’măn, bản thân ông và gia đình đã tích cực lao động sản xuất, tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ diện tích 1,1 ha đất trồng cà phê của gia đình, ông đã mạnh dạn trồng xen canh thêm các loại cây trồng như sầu riêng và bơ, đến nay đã cho thu nhập ổn định, trở thành một trong những hộ khá giàu của buôn. Mô hình kinh tế đã được bà con trong buôn học tập, làm theo. Không những thế, bản thân ông còn tự nguyện tháo dỡ 01 nhà kho rộng 70m2, hiến 80m2 đất vườn và vận động gia đình con cái hiến 600m2 đất ruộng để giải phóng mặt bằng để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng trong buôn. 76 năm tuổi đời, 50 năm tuổi đảng, ông Y Thương k’Măn đã nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của các cấp vì tính tiền phong gương mẫu trong các hoạt động, phong trào của địa phương như: Bằng khen “gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc năm 2007”; Bằng khen của Bộ Quốc Phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “ tuổi cao – gương sáng”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, cũng cố Quốc Phòng và bảo vệ Tổ Quốc, giấy khen của Huyện ủy Lăk vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 03 năm liền (2007- 2009).

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thời gian qua xã Buôn Tría được lựa chọn là đơn vị đầu tiên duy nhất thực hiện và hoàn thành xã nông thôn mới vào năm 2020. Mặc dù là xã thuần nông kinh tế phát triển dựa vào sản xuất nông nghiệp trồng cây lúa nước là chính, thời gian qua cùng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt về xây dựng nông thôn mới, người dân Buôn Tría từ cán bộ, đảng viên cho đến những người dân bình thường đã nêu cao ý thức trách nhiệm, phát huy ý chí tự lực tự cường vừa thi đua lao động sản xuất, vừa hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới bằng việc đống góp của cải vật chất, ngày công lao động, hiến đất cho Nhà nước để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, phấn đấu cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới đầu tiên của huyện- điển hình trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào này là hộ gia đình bác Nguyễn Tôn Đẫm, anh Nguyễn Tôn Điến ở thôn Liên Kết II- xã Buôn Tría.

Tại huyện Lăk, các phong trào thi đua tập trung vào nhiều lĩnh vực khó, phức tạp, như: công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý đất đai, công tác vệ sinh môi trường… để huy động tinh thần tự nguyện và đóng góp công sức của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; qua tuyên truyền vận động đã có nhiều hộ dân tiên phong tiêu biểu hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông, đường điện thắp sáng, hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất. Tổng cộng: hiến 10ha đất, 1.160 cây trồng, có giá trị trên 6 tỷ đồng, đóng góp 2.922 ngày công lao động, 2 tỷ 843 triệu đồng, góp phần cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tích cực trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, góp phần phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững. Các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, gương người tốt việc tốt, hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng đi vào chiều sâu và lan tỏa rộng khắp trong đời sống xã hội và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện  thành công và thắng lợi các nội dung của cuộc vận động. Điển hình như tập thể cán bộ và nhân dân buôn Yuk La 3 xã Đăk Liêng: thực hiện phong trào thi đua yêu nước thời gian qua các tổ chức đoàn thể của buôn gồm chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, đoàn thanh niên, chi hội cự chiến binh, người cao tuổi… thường xuyên lồng ghép các chương trình như: : “phụ nữ tích cự học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, phong trào đền ơn đáo nghĩa, nuôi con khỏe, dạy con ngoan” hay “nông dân tích cực làm giàu, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau” tại nhà văn hóa cộng đồng của buôn để tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng tham gia. Thường xuyên cử cán bộ buôn hoặc bà con làm ăn tiêu biểu điển hình tham gia các lớp tập huấn về mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tập huấn về chương trình xây dựng nông thôn mới …. Trong phong trào thi đua “ Đăk Lăk chung sức xây dựng nông thôn mới” cán bộ và nhân dân buôn Yuk La 3 đã tự nguyện hiến đất, cây cối, công trình trên đất để xây dựng đường liên buôn với tổng diện tích khoảng 2000m2 đất.

Ở xã Buôn Triết, những năm qua phong trào thi đua yêu nước đã lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, điển hình có tập thể cán bộ và nhân dân thôn Mê Linh 2. Bà con nhân dân trong buôn hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh, các hộ dân tích cực đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, cán bộ đảng viên và nhân dân thôn Mê Linh 2 đã đóng góp 210 triệu đồng tiền mặt và ngày công lao động để mua đất và xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; huy động nhân dân đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng mô hình “điện sáng nông thôn” dọc tỉnh lộ 7 và các đường liên thôn, tổng chiều dài 2,5km…  Về xã EaRbin hôm nay, một trong 03 xã thuộc vùng sâu vùng xa nhất của huyện Lăk, chúng ta dễ dàng nhận thấy đời sống của bà con nhân dân trong xã đã có sự thay đổi rõ rệt, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, cán bộ và nhân dân trong xã đoàn kết một lòng chung tay phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương, hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,16%, an sinh xã hội được đảm bảo…. Đặc biệt hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con trong xã đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia xây dựng nhiều những con đường từ ý Đảng lòng dân, trong đó phải kể đến sự tham gia tích cực của bà con trong buôn PLao Siêng, các hộ dân đã tham gia đóng góp 630 ngày công, tự nguyện hiến 10. 500m2 đất để làm đường nông thôn…

 Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua già làng uy tín và bà con trong buôn đã tham gia tốt các phong trào do địa phương tổ chức, tích cực thi đua   lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương, chung sức xây dựng nông thôn mới…

Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều cuộc vận động lớn được tổ chức, nhiều phong trào thi đua được phát động, phát triển sâu rộng, đem lại kết quả thiết thực. Tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đầu năm học, các trường đều quán triệt mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động “Hai không”, thực hiện  phong trào thi đua “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các hoạt động thao giảng, viết và áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm, làm và sử dụng đồ dùng dạy học trong giáo viên, các hoạt động hội thao, hội diễn văn nghệ, cắm trại thường xuyên được tổ chức tạo nên phong trào và khí thế thi đua sôi nổi, thường xuyên, liên tục trong trường học. Đội ngũ cán bộ giáo viên và các em học sinh các trường học trong huyện hăng hái thi đua dạy tốt học tốt, không ngừng đổi mới phương thức giáo dục và đào tạo góp phần ngày một nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.  Đến nay toàn huyện có 12 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, chất lượng giáo dục ngày một được nâng cao. Tiêu biểu có trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, đã có thành tích 03 năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen năm học 2018 – 2019; công đoàn cơ sở đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Các em học sinh trong toàn huyện thi đua học tập tốt, vâng lời thầy cô giáo và bố mẹ, phấn đấu để xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó học giỏi đáng được biểu dương như em Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Đăk Nuê. Từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2018 – 2019, em đã hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, là đội viên xuất sắc của trường và liên tiếp đạt giải nhất trong cuộc thi vở sạch chữ đẹp cấp trường…

Từ những nông dân dám nghĩ dám làm, tích cực trong lao động sáng tạo đến cán bộcông chức, viên chức, đội ngũ cán bộ giáo viên, chiến sỹ vũ trang trong toàn huyện nhiệt huyết, trách nhiệm , nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đến những mầm non – chủ nhân tương lai của đất nước chăm ngoan, học giỏi… dù ở lĩnh vực nào, đảm nhiệm phần việc ra sao nhưng đều có những việc làm được xã hội trân quý, ghi nhận và được tôn vinh. Mỗi “bông hoa” trong vườn hoa đa sắc màu từ các cuộc vận động của phong trào thi đua yêu nước lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên, khích lệ tinh thần hăng say lao động, sáng tạo góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương./.

Vy Thủy