Huyện Lăk thực hiện mô hình nuôi thủy cầm tại Buôn thái xã Bông krang

Nhằm góp phần tuyên truyền cho bà con ở địa phương quan tâm vào phát triển chăn nuôi thủy cầm theo hướng thịt an toàn và áp dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, mục tiêu là duy trì và phát triển đàn gia cầm trên địa bàn huyện,  năm 2020, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Tỉnh Đăk Lăk, Trạm khuyến nông huyện phối hợp với chính quyền địa phương xã Bông Krang triển khai thí điểm mô hình “chăn nuôi thủy cầm” .

Có 02 hộ gia đình được chọn thực hiện thí điểm mô hình là gia đình anh Mai Hồng Cương và anh Vũ Trọng Toàn, triển khai tại buôn Thái xã Bông Krang, quy mô mỗi hộ nuôi 375 con vịt bầu cánh trắng. Tham gia mô hình các hộ gia đình được hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện gồm hỗ trợ về con giống, vật tư cho mô hình ( thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y, hóa chất sát trùng…) được tham gia lớp tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi thủy cầm do Trạm khuyến nông huyện tổ chức tại buôn Thái.

Sau hơn 02 tháng triển khai, tỷ lệ con nuôi sống đạt 92%, trọng lượng trong  trung bình đạt 2kg/con vịt. Hiện tại mỗi hộ đã có thu lợi nhuận trên 8,3 triệu đồng.

Những năm qua, chăn nuôi thủy cầm ở huyện Lăk chiếm vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các hộ chăn nuôi trong huyện, do vậy đàn gia cầm của huyện đều tăng qua từng năm. Tính đến nay tổng đàn gia cầm toàn huyện là 63.000 con. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều dịch bệnh phát sinh trên đàn gia cầm đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi. Với mục tiêu duy trì và phát triển đàn gia cầm trên địa bàn huyện, Trạm khuyến nông huyện phối hợp thực hiện các mô hình chăn nuôi tại các địa phương trong huyện, theo dõi sát sao, hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện đánh giá mô hình về tính khả thi, khả năng nhân rộng mô hình,…

Hiện nay, chăn nuôi ở huyện nhà có tiềm năng và lợi thế rất lớn cả về quỹ đất, nguồn nhân lực và kinh nghiệm. Qua kết quả thực tế từ mô hình nuôi giống vịt chuyên thịt tại Buôn Thái, xã Bông Krang đã giúp người dân nắm bắt và tiếp cận được các kỹ thuật về chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học. Cũng từ đây, mỗi hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ những người đã thực hiện mô hình để áp dụng và thực hiện chuyển từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, thực hiện quy trình chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần để chăn nuôi vịt nói riêng, ngành chăn nuôi nói chung phát triển bền vững./.

Vy Thủy