Huyện Lăk hướng tới phát triển ngành du lịch lâu dài và bền vững


Huyện lăk được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp còn giữ nguyên vẻ hoang sơ tạo ấn tượng không thể quên mỗi khi du khách tới nơi này. Khu quần thể du lịch sinh thái Hồ Lăk đã và đang được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư để chỉnh trang hạ tầng, bảo tồn sinh vật cảnh. Các điểm du lịch đã và đang thu hút du khách như thác nước Bìm Bịp còn nguyên vẻ hoang sơ, khu di tích lịch sử hang đá 3 tầng, suối đá Đăk Phơi, đỉnh Nam Ka. Đặc biệt là các điểm du lịch trên Hồ Lăk và khám phá những nét độc đáo rất riêng của Biệt Điện- nhà nghỉ dưỡng của Vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều nhà Nguyễn chấm dứt chế độ quân chủ ở Việt Nam.

Hồ Lăk: Là hồ tự nhiên lớn nhất khu vực miền trung Tây nguyên về mùa mưa diện tích mặt nước rộng trên 600ha, được thông với con sông Krông Ana, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn Tây Nguyên với diện tích hơn 12 nghìn ha nên khi tham quan hồ Lắk du khách còn được ngắm nhìn hệ động, thực vật đa dạng.

Đến với Hồ Lăk, du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp tự nhiên, hít thở không khí trong lành cùng những cuộc phiêu lưu hồ nước trên bành voi và thong thả êm ái trên những chiếc thuyền độc mộc được người dân bản địa làm từ thân cây gỗ có tuổi thọ cả trăm năm, hay du ngoạn trên hồ bằng thuyền cao tốc để tìm cảm giác mạnh Khi lên bờ du khách có thể thực hiện những cuộc dã ngoại vào buôn làng Mơ Nông hoặc đi sâu vào trong rừng dọc theo dòng sông Krông Ana, leo đỉnh chư Yang Lăk, chư Yang sin, Thác Bìm Bịp, dã ngoại tắm suối đá Đăk Phơi hay đi xa hơn đến khu rừng đặc dụng phòng hộ Nam Ka thuộc xã Nam Ka anh hùng, vào hang đá ba tầng – khu căn cứ kháng chiến xã Krông Nô để khám phá những điều bí ẩn cuộc sống của chim chóc, muông thú.

Ngày nay, hồ Lăk là một điểm du lịch hấp dẫn, đến đây du khách sẽ được cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc, tìm hiểu về phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng tộc người Mnông tại buôn Mliêng – một trong những buôn cổ đang được bảo tồn của tỉnh. Bên cạnh đó, hồ Lăk còn là một vựa cá lớn của tỉnh, là nguồn cung cấp thuỷ sản dồi dào phục vụ cho đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, trên đỉnh đồi cạnh hồ Lăk đã được vua Bảo Đại xây dựng một Biệt Điện để nghỉ ngơi, ngắm phong cảnh. Biệt Điện hiện được Công ty Du lịch Đắk Lắk trùng tu và khai thác phục vụ khách du lịch.
Khu Biệt Điện này là một tòa nhà ba tầng tương đối đồ sộ, được xây theo lối kiến trúc hiện đại vào năm 1951, lúc Bảo Đại làm Quốc trưởng để làm nơi dừng chân khi vua và gia đình lên Buôn Ma Thuột nghỉ mát. Biệt Điện nằm trên chóp một ngọn đồi cao 422 mét so với mặt nước biển. Phía dưới là hồ Lăk – hồ nước ngọt tự nhiện lớn nhất Tây Nguyên, bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh. Ngọn đồi này được người dân trong vùng gọi là đồi Bảo Đại. Khu biệt điện này do đích thân Hoàng Hậu Nam Phương chịu trách nhiệm đứng ra cho thi công và trả tiền cho công trình kiến trúc nằm giữa vùng hẻo lánh, địa hình hiểm trở này. Các căn phòng ở Biệt Điện đều có cửa sổ rộng với góc nhìn tuyệt đẹp về 4 phía. Nhìn ra quanh vườn là những cây sứ trắng cổ thụ ngát thơm hàng trăm năm tuổi, xa xa là hồ Lăk thấp thoáng sau những tán cây rừng. Từ đồi Bảo Đại nhìn xuống thấy cả hồ Lăk như một viên ngọc lóng lánh, nhận ra nơi đây xưa kia đúng là một cái rốn sinh thái, đa dạng sinh cảnh, quần tụ muôn loài. Ngoài nghỉ dưỡng, Biệt Điện này còn có vai trò là một “trại săn” của vua Bảo Đại. Việc chuẩn bị cho những chuyến đi săn dài ngày từ Đà Lạt sang hồ Lăk bao giờ cũng quy mô và kỳ công khi vừa đảm bảo sinh mạng, vừa thỏa mãn cảm giác tự do khám phá, chinh phục thiên nhiên của vua Bảo Đại. Hiện ở biệt điện còn lưu giữ nhiều hình ảnh về vua Bảo Đại cưỡi voi đi săn, bộ đồ săn của vua, tiêu bản cá sấu hồ Lăk…. Ngày nay, biệt điện là một tổ hợp nhà hàng – khách sạn sang trọng, nơi mà âm hưởng của một cuộc sống đế vương vẫn còn hiện hữu sau hơn nửa thế kỷ vẫn thu hút đông đảo khách đến tham quan.

Đến hồ Lắk, bạn cũng có thể cảm nhận hết vẻ đẹp nên thơ của những con thuyền độc mộc, và bức tranh cuộc sống mộc mạc, bình dị của người dân M’nông sinh sống quanh hồ.

Thuyền độc mộc là một loại thuyền truyền thống có lịch sử từ lâu đời của người M’nông R’lâm, tại các xã Yang Tao, Đăk Liêng, Bông Krang và nhiều nhất là của người dân ở Buôn Lê và Buôn Jun thị trấn Liên Sơn huyện Lắk- đây là công cụ hết sức độc đáo được người dân kỳ công đục đẽo rất công phu từ những cây gỗ sao hàng trăm năm tuổi biến nó trở thành một con thuyền dài nguyên thân cây gỗ có thể chuyên trở từ 02 đến 4 người cùng với một số vật dụng cần thiết không quá nặng để thuyền độc mộc có thể nhẹ nhàng lướt trên mặt hồ và thuyền độc mộc xưa kia cũng là công cụ phương tiện chính để người dân sử dụng rất phổ biến như một vật dụng không thể thiếu của gia đình giúp họ di chuyển và săn bắt, hái lượm các loại thủy sản trên hồ Lăk. Ngày nay, công nghệ khoa học phát triển, người dân sống ven hồ đã dùng những phương tiện hiên đại phù hợp hơn để thuận tiện cho việc đi lại làm ăn quanh hồ như thuyền máy, ca nô không còn sử dụng thuyền độc mộc vào mục đích đi lại lao động, chuyên trở nông cụ, sản vật mà được người dân nơi đây sử dụng chủ yếu phục vụ chở khách du lịch du ngoạn trên hồ Lăk. Bởi thế, họ luôn coi chiếc thuyền độc mộc như một tài sản quý giá của người dân M’nông R’lâm và trở thành nét đẹp độc đáo của hồ Lắk.

Ngoài thăm thú hồ Lăk, Biệt Điện, du khách có thể thực hiện những cuộc dã ngoại vào buôn làng Mơ Nông xung quanh hồ như buôn jun, buôn lê, buôn M’’Liêng..vv, hoặc đi sâu vào trong những cánh rừng già dọc theo dòng sông Krông Ana, leo đỉnh chư Yang Lăk, chư Yang sin, Thác Bìm Bịp, dã ngoại và hòa mình dưới làn nước trong mát của suối đá Đăk Phơi hay đi xa hơn đến khu rừng đặc dụng phòng hộ Nam Ka thuộc xã Nam Ka anh hùng, vào hang đá ba tầng – khu căn cứ kháng chiến xã Krông Nô để khám phá những điều bí ẩn về cuộc sống của các loài muông thú chim chóc.

Và chắc chắn không thể thiếu được trong các chuyến du lịch của du khách đó là khám phá văn hóa ẩm thực – những món món ăn dân dã và độc đáo của người địa phương được khai thác và chế biến từ nguồn thực phẩm tương đối, phong phú dồi dào và rất đặc trưng của người tây nguyên như: cơm lam nấu trong ống tre, chả cá thác lác, gà nướng than củi, canh lá bép đọt mây, canh cà đắng, cá lăng nấu măng rừng, heo rẫy nướng …. là những sản vật những món ăn đặc sản mang đậm bản sắc của núi rừng Tây nguyên.

Hiện nay, trong xu thế xã hội hóa thì ngành du lịch sinh thái được lựa chọn ưu tiên phát triển vì nó gần gũi, thân thiện và gắn liền với thiên nhiên hoang dã, đồng thời bảo đảm về môi trường sinh thái không khí trong lành cho du khách. Để phát huy ưu thế của thiên nhiên ưu ái đối với địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lăk đang từng bước xây dựng hình ảnh huyện Lăk trở thành vùng du lịch sinh thái, tạo cho con người nơi đây và du khách thập phương có cảm giác gần gũi, thân thiện, thích nghi với môi trường thiên nhiên hoang sơ như vốn có của nó. Đây cũng là một nội dung có tầm quan trọng mang tính chiến lược lâu dài và bền vững được đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển ngành du lịch huyện Lăk đến 2030 cơ bản xây dựng trung tâm huyện trở thành khu du lịch. Do vậy những việc cần làm hiện nay mà đảng bộ, chính quyền đặt ra đó là phải tranh thủ nguồn lực để tập trung phát triển du lịch như nguồn vốn, nguồn nhân lực song song với thực hiện tốt công tác quy hoạch; xây dựng hoàn thiên, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch có tính chiến lược lâu dài, bền vững, bảo đảm ngang tầm với điều kiện, tiềm năng sẵn có, tạo điều kiện phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn của huyện vào năm 2025. Trước tiên cần tăng cường công tác giáo dục, truyền thông nâng cáo ý thức cộng đồng về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, ứng xử thân thiện với môi trường với du khách, tiếp tục đẩy mạnh phát động phong trào “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch” có kế hoạch và xúc tiến quảng bá du lịch của huyện Lăk trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên hệ thống Website của địa phương.
Để ngành du lịch của Huyện Lăk trở thành ngành mũi nhọn trong tương lai ngoài sự đầu tư nguồn vốn, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, hệ thống quản lý..vv.. thì đòi hỏi các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương và mỗi người dân huyện Lăk cần phát huy cao ý thức trách nhiệm hưởng ứng và thực hiện tốt bảo vệ môi trường cảnh quan xanh- sạch- đẹp bảo đảm thân thiện gần gũi và gắn bó với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên trong lành, tăng cường công tác tuyên truyện vận động các cấp các ngành, các doanh nghiệp, cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện chấp hành và thực hiện tốt mọi chủ trương, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền đề ra, gìn giữ và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa tốt đẹp trong các mối quan hệ giao tiếp và việc làm cụ thể, từ đó góp phần vào hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền đi vào cuộc sống.

Chúng ta tin tường rằng bằng ý chí, hành động và việc làm cụ thể của các cấp các ngành, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng cổ vũ, chung tay góp sức của mỗi cán bộ và nhân dân tích cực tham gia xã hội hóa ngành du lịch, thì chắc chắn trong tương lai gần huyện Lăk xây dựng trung tâm huyện trở thành khu du lịch như nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV đã đề ra./.

XUÂN TIỆP