Định cư- Mong ước cháy bỏng của người dân buôn Đăk Sar

Chúng tôi trở lại buôn Đăk Sar xã Đăk Nuê huyện Lăk vào một ngày cuối tháng 5 năm 2021, tiết trời buổi sáng sớm khá mát mẻ, một phần là nhờ cơn mưa đầu mùa tối đêm hôm trước mang lại, cũng chính vì thế mà con đường duy nhất từ quốc lộ 27 đi vào buôn vừa được sửa xong nhưng mới chỉ một trận mưa lớn đầu mùa đã làm cho bùn đất bám chặt lấy người và xe, nhiều đoạn cống thoát nước làm chưa xong còn nham nhở, lầy lội và trơn tượt khiến cuộc hành trình ô tô của đoàn phải tăng bo bằng xe máy cày tay vượt qua chặng đường gần 10 cây số để đến được vùng người dân buôn Đăk Sar đang sinh sống. Ở đây ngoài con đường đất đỏ duy nhất phục vụ đi lại của bà con trong làng, còn có sóng điện thoại Viettel, nhờ vậy đã tạo thuận lợi, giúp cho cuộc hẹn của nhà Đài chúng tôi với cán bộ thôn, buôn đúng như kế hoạch, anh Trương Xuân Hoà – Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác dân vận mặt trận buôn Đăk Sar, anh Ma A Páo –  Đại biểu HĐND xã Đăk Nuê vừa mới trúng cử niệm kỳ 2021-2026 đã có những trao đổi chia sẻ về những trăn trở của người dân nơi đây.

Qua câu chuyện chúng tôi được biết người dân buôn Đăk Sar đa phần là người dân tộc H’Mông, dân tộc Tày từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn di cư tự do vào vùng này sinh sống, những năm 2007, 2008, thời gian đầu chỉ có vài ba hộ, sau này đông dần, đến năm 2009 đã có tới gần 40 hộ, lúc này để  có thể quản lý được mọi hoạt động đi lại, sinh hoạt của bà con, chính quyền địa phương đã phải gấp rút thành lập ban tự quản buôn lâm thời để tiện cho sinh hoạt cộng đồng  cũng như cán bộ lâm thời của buôn hoạt động. Đến năm 2011, đây là thời điểm người dân tộc H’Mông, Tày di cư tự do vào buôn Đăk Sar tăng lên khá cao trên 90 hộ với gần 600 nhân khẩu, gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý sinh hoạt, đi lại của bà con. Cái khó nhất cho chính quyền cũng như người dân ở đây, chính là họ đang sinh sống, lao động sản xuất trên đất Lâm nghiệp, do thiếu sự quản lý chặt chẽ của các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương, nên các diện tích đất rừng sản xuất bị dân lấn chiếm khai phá rồi bán lại cho người dân di cư tự do. Đến nay đã hơn 10 năm người dân buôn Đăk Sar gồm cả người H’Mông, người Tày, Thái, Dao di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây, đều thuộc diện đăng ký tạm trú, tạm vắng và chưa đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú, chưa thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hợp pháp, vì tất cả người dân ở đây đều đang sinh sống canh tác trên diện tích đất Lâm nghiệp, toàn bộ đất đai canh tác chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất Lâm nghiệp sang đất Nông nghiệp.

Từ nguyên nhân chính trên đây mà người dân buôn Đăk Sar nhiều năm qua luôn có một mong ước cháy bỏng, đó là được chính quyền, Đảng, Nhà nước quan tâm hợp thức hoá và cho chuyển mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, làm thủ tục nhập khẩu và cấp bìa đỏ cho dân để bà con được định cư lâu dài từng bước ổn định cuộc sống, vì hiện nay, mọi thủ tục văn bản, giấy tờ tuỳ thân của họ đều đã được chính quyền địa phương cắt chuyển đi cùng, không còn hộ khẩu hay đất đai, tài sản ở quê nhà. Qua trao đổi với anh Ma A Páo – đại biểu HĐND xã Đăk Nuê người con của buôn Đăk Sar được bà con quý trọng tin yêu, anh vừa là chỗ dựa tinh thần vừa đại diện cho tiếng nói của người dân buôn Đăk Sar.

Sống tạm trú, không hộ khẩu, không bìa đỏ các cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện nước, trường, trạm chưa được đầu tư, con em nơi đây chỉ học hết lớp 5 là bỏ học vì phần do đường sá đi lại cách trở xa xôi, học lên cấp 2 phải đi gần 30 cây số mới tới trường, học lên cấp 3 thì phải đi hơn 35 cây số, thế nên việc học được “con chữ” đối với con em ở đây chỉ để nói thành thạo tiếng phổ thông, còn tương lai xa hơn nữa thì hầu hết chưa mấy ai nghĩ tới. Cũng chính vì thiếu thốn, thiệt thòi, đủ thứ nên đến nay buôn Đăk Sar vẫn chưa có điện, chưa có hệ thống loa truyền thanh, hay chưa được xem truyền hình, mọi thông tin về bên ngoài hầu như bị cách biệt hoàn toàn, ngoại trừ trẻ em ra thì thứ ngôn ngữ thông dụng hàng ngày của bà con đều bằng tiếng mẹ đẻ, những ngôi nhà cũng chỉ được xây cất tạm bợ, đơn sơ, có thể dùng để sinh hoạt trú ngụ ăn, ngủ nghỉ  nghỉ hàng ngày cho hai, ba thế hệ, cuộc sống mỗi ngày trôi qua của bà con nơi đây chỉ lên nương rẫy hay quanh quẩn ở trong nhà, rất ít khi tiếp xúc với bên ngoài, tất cả những cái khó trói buộc họ, từ thiếu học hành, thiếu hiểu biết, thiếu các phương tiện lao động, thông tin liên lạc, sinh hoạt giải trí đã tạo cho nhận thức về mọi mặt của người dân càng hạn chế, thế nên dẫn đến những hệ luỵ đó là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đẻ nhiều đã và đang xảy ra trong cộng đồng người H’Mông như gia đình Vừ A Giàng, gia đình Sùng A Chía và còn nhiều gia đình khác nữa.

Gia đình anh Sùng A Chía là một điển hình, anh mới 38 tuổi nhưng đã có tới 8 đứa con mỗi đứa đẻ cách nhau chỉ hơn 02 năm, con đông còn nhỏ dại lại nheo nhóc, nhà ở thì tạm bợ, chật chội thấy hoàn cảnh của gia đình Sùng A Chía chúng tôi chợt liên tưởng đến câu nói bi hài mà rất đúng của Bí thư Chi bộ buôn Đăk Sar Trương Xuân Hoà “ cứ tối đến không có điện là ắt sẽ lại đẻ”, con đông nên lo cái ăn, cái mặc hàng ngày cho cả nhà đã quá chật vật, đè nặng trên những đôi vai của vợ chồng anh chị, quanh năm chỉ lo đủ cái ăn đã mệt nhọc lắm rồi, còn thời gian đâu mà nghĩ đến việc lo học hành tương lai cho các con sau này.

Tình trạng tảo hôn ở buôn Đăk Sar mấy năm trở lại đây tuy có được cải thiện, song tình trạng đẻ nhiều, con đông cộng với dân trí thấp, lại quen với tập quán cũ của đại đa số bà con miền núi; nhà ở theo từng mỏm đồi, lại rất xa nhau, càng gây trăn trở và nhiều khó khăn hơn cho cán bộ thôn, buôn. Một viện dẫn gần đây nhất đó là đợt tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bí thư Chi bộ Trương Xuân Hoà và Già làng, Chi Hội trưởng người cao tuổi Trình Minh Xông buôn Đăk Sar cho biết khi đi tuyên truyền, vận động bà con phải đến tận từng nhà vào buổi tối đường sá đi lại khó khăn, trời lại tối, gặp được bà con nói tiếng phổ thông bà con không hiểu được, phải nói bằng tiếng bản địa, do vậy mà đòi hỏi người cán bộ thôn, buôn ngoài phát huy vai trò, trách nhiệm ra phải chịu khó, chịu khổ kiên trì gần gũi với dân, thương yêu dân thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Sau hơn 10 năm di cư vào buôn Đăk Sar làm ăn sinh sống, đến nay số hộ dân giao động khoảng 167 hộ với 839 nhân khẩu, trong đó đồng bào H’Mông chiếm trên 92 hộ với 539 khẩu. Đến nay đời sống kinh tế của bà con cũng đã dần đi vào ổn định, các diện tích đất đai sản xuất không xảy ra tranh chấp, người dân nơi đây luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng phối hợp với cán bộ thôn buôn, chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự trong buôn làng, cần cù, chăm chỉ, lao động, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, chia sẻ với nhau. Song hiện nay tâm trạng cũng như mong muốn lớn nhất của bà con nơi đây là được an cư lập nghiệp, hướng đến tương lai  có một cuộc sống định cư lâu dài để ổn định đời sống phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, làng xóm, quê hương ngày một giàu đẹp, những mong ước cháy bỏng của bà con là được đăng ký hộ khẩu thường trú, được cấp sổ đỏ để có cuộc sống ổn định lâu dài. Đây cũng chính là mong mỏi của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Hôm nay về thăm người dân buôn Đăk Sar, tuy cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư như các nới khác, song cảnh vật và con người ở đây luôn có một sức sống mãnh liệt,  những nương rẫy cà phê, tiêu, điều đan xen lẫn nhau cùng nhiều loại cây ăn trái bạt ngàn phủ xanh trên các sườn đồi. Xa xa nhấp nhô sau những lưng đồi là những ngôi nhà đơn sơ, tĩnh lặng trong một không gian yên bình. Ở đó có biết bao con người với nhiều thế hệ vẫn ngày ngày chăm chỉ, miệt mài, hăng say lao động sản xuất để mưu cầu, mong ước một cuộc sống mới hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn quê hương của mình. Hơn bao giờ hết mong ước lớn lao nhất đối với người dân di cư tự do buôn Đăk Sar đó chính là “Định Cư – Một mong ước cháy bỏng” đã đi vào tiềm thức của từng con người nơi đây, để giúp họ có thêm ý chí, nghị lực cùng với ước mơ, khao khát hướng tới một tương lai, một chân trời mới rạng rỡ hơn, tốt đẹp hơn./.

XUÂN TIỆP