Những nội dung cơ bản Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và các văn băn quy định chi tiết thi hành

Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (Luật số 30/2023/QH15). Luật gồm 05 chương 33 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất 03 lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng thành01 lực lượng quần chúng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

Để cụ thể hóa các nội dung được Luật giao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 và Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.Với một số nội dung chính của Luật như sau:

  1. Về phạm vi điều chỉnh

Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

  1. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã và hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.

  1. Về Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Tại Điều 13 quy định:

Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; có độ tuổi từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã, phường xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã, phường; Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học; Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

  1. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:Tại Điều 4 quy định 04 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm:

Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân;Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này; Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương;Không phân biệt đối xử về giới tính trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

  1. Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Luật quy định06 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ Công an cấp xã, bao gồm: (1) Nắm tình hình về an ninh, trật tự; (2) Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; (3) Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; (4) Quản lý hành chính về trật tự xã hội; (5) Vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; (6) Tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

  1. Việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

Về địa điểm, nơi làm việc: Điều 20 quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, xóm hoặc địa điểm, nơi làm việc của Công an cấp xã, phường hoặc địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương.

Về trang bị, phương tiện: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Về trang phục, phù hiệu, huy hiệu, giấy chứng nhận: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết đề thực hiện nhiệm vụ.

Về hỗ trợ, bồi dưỡng: Điều 23 quy định:

– Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau:

+ Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;

+ Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.

Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ: Điều 24 quy định:

– Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

– Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

– Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội động giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền.

– Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Đối với tỉnh Đắk Lắk,Ngày 20/6/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 04/NQ-HĐND, Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định quy định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định ban hành Phương án kiện toàn thống nhất tổ chức lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh.Trong đó, Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh quy định: Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: Mỗi thôn, buôn, tổ dân phố thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, trong đó có 01 Tổ trưởng và 01 Tổ phó. Đến thời điểm hiện tại số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh là 2.199 tổ; trong đó, địa bàn huyện Lắk có 109 tổ với 219 đồng chí là tổ trưởng, tổ phó.

Đối với Tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được quy định trong Nghị quyết số 04 như sau:Đối với mỗi thôn, buôn, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn có quy mô dân số trên 2.000 người thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, bố trí từ 04 thành viên; đối với thôn, buôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự thì bố trí không quá 06 thành viên. Đối với mỗi thôn, buôn, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn có quy mô dân số từ đủ 2.000 người trở xuống thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, bố trí từ 03 thành viên; đối với thôn, buôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự thì bố trí không quá 05 thành viên.Trên địa bàn huyện, các tổ bảo vệ an ninh, trật tự bố trí từ03 thành viên; Hiện tổng là 109 tổ với 327 thành viên, đảm bảo theo quy định trong Nghị quyết số 04 đề ra.

-Về mức phụ cấp hỗ trợ hằng tháng:

(1) Tổ trưởng được hưởng mức hỗ trợ: 1.800.000đồng/người/tháng;

(2) Tổ phó được hưởng mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/tháng;

(3) Tổ viên được hưởng mức hỗ trợ: 1.200.000 đồng/người/tháng.

-Bên cạnh đó, Nghị quyết còn quy định các mức hỗ trợ như:

(1) Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện;

(2) Hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế;

(3) Hỗ trợ, bồi dưỡng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền; khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ hoặc thực hiện các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

(4) Hỗ trợ cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ;

(5) Mức trợ cấp cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, chết khi thực hiện nhiệm vụ.

Qua những nội dung cơ bản luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho thấy sự ra đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Cùng với đó kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thực chất hơn.

Bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy chữa cháy ở địa bàn cơ sở. Khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật./.

Văn Hoan (BT)