Chuyên mục chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng 06

Một số nét cơ bản của các kỳ đại hội đảng toàn quốc từ khi thành lập đến nay:

Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 3-7/2/1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã đề ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, vạch ra đường lối giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội của Cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là đồng chí Trần Phú.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I

Diễn ra từ ngày 27-31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc) do dồng chí Hà Huy Tập chủ trì.  Đại hội bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. (Đến tháng 10/1936, TƯ Đảng được tổ chức lại, đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư; tháng 3/1938, BCH TƯ Đảng họp Hội nghị toàn thể, bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư; tháng 11/1940, Hội Nghị TƯ 7, Trường Chinh nắm quyền Tổng Bí thư).

Đại hội lần thứ nhất của Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đại hội đánh dấu sự khôi phục được hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước; thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II

Diễn ra từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 766.000 đảng viên cộng sản trên toàn Đông Dương.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đọc diễn văn khai mạc ĐH. ĐH thông qua báo cáo chính trị của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, báo cáo “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới CNXH” của đồng chí Trường Chinh. ĐH còn thông qua Chính cương của Đảng Lao Động Việt Nam (Đảng ra hoạt động công khai và lấy tên này).

Đại hội đã tổng kết 21 năm Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, 5 năm lãnh đạo chính quyền non trẻ và công cuộc kháng chiến kiến quốc; làm rõ những kinh nghiệm, bài học và lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chiến tranh nhân dân; đánh giá bước phát triển của nửa đầu và dự báo sự phát triển của cách mạng nước ta nửa sau thế kỷ XX. Đại hội đã phát triển đường lối kháng chiến và đề ra những chính sách cụ thể để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn và chuẩn bị những tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi kháng chiến thành công.

Do sự phát triển và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, Đại hội quyết định xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Cộng sản riêng. Ở Việt Nam, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng, đồng thời đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta.

Đại hội bầu ra BCH TƯ gồm 19 đồng chí chính thức và 10 đồng chí dự khuyết. Trong đó, Bộ chính trị có 7 đồng chí chính thức và 1 dự khuyết. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư.

Dưới ánh sáng của đường lối Đại hội lần thứ II của Đảng và các nghị quyết hội nghị Trung ương, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cải cách ruộng đất ngay trong chiến tranh, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường cả nước trong chiến dịch Đông-Xuân mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đưa đến thắng lợi hội nghị Geneve, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III

Diễn ra từ ngày 5-10/9/1960 tại Hà Nội. Có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước đã về dự Đại hội. Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà.

Đại hội đã tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng, nêu lên những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội đã phân tích kỹ những đặc điểm của cách mạng Việt Nam và quyết định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đường lối cách mạng miền Nam nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đề ra nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Những vấn đề Đại hội thảo luận và quyết định là những vấn đề có quan hệ sống còn đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn bế mạc Đại hội. Người nói: “Đại hội lần thứ II đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Chắc chắn rằng, Đại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 đồng chí và 31 ủy viên dự khuyết.  Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Đảng. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV

diễn ra từ ngày 14-20/12/1976 tại Hà Nội. Tham dự đại hội có 1008 đại biểu chính thức thay mặt cho 1.550.000 đảng viên của cả hai miền đất nước, cùng với sự có mặt của nhiều Đảng Cộng sản và các tổ chức quốc tế khác. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam IV diễn ra trong bối cảnh cuộc Kháng chiến chống Mỹ đã đạt được thắng lợi. Hai miền Nam Bắc thống nhất sau hơn 20 năm chia cắt từ Hiệp định Geneve 1954 bằng việc hiệp thương của hai nhà nước tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam từ sau 30 tháng 4 năm 1975 là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. ĐH đổi tên Đảng Lao Động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

ĐH còn bổ sung Điều lệ Đảng, thay chức danh Bí thư thứ nhất là TBT, bỏ chức danh Chủ tịch Đảng. ĐH bầu BCH TƯ gồm 101 đồng chí chính thức, Bộ chính trị gồm 14 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn tiếp tục làm TBT. Đại hội tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V

Diễn ra từ ngày 27-31/3/1982.Tham dự Đại hội có 1033 đại biểu thay mặt 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Đại hội khẳng định: “Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau. Xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho đất nước lớn mạnh về mọi mặt thì mới có đủ sức đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Ngược lại có tăng cường phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc mới có điều kiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 uỷ viên chính thức và 36 uỷ viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI

Diễn ra từ ngày 15-18/12/1986 tại thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội đề xướng và lãnh đạo thành công sự nghiệp Đổi mới. Đại hội VI đã đưa ra quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 nguyên tắc: Nhất thiết phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp. Phải xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI gồm 124 uỷ viên chính thức và 49 uỷ viên dự khuyết.  Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII

Diễn ra từ ngày 24-27/6/1991 tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho hơn 2.155.022 đảng viên trong cả nước. Với nhiệm vụ “Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đưa đất nước đi theo con đường đổi mới”, Đại hội VII là Đại hội của trí tuệ-đổi mới, dân chủ-kỷ cương-đoàn kết; là Đại hội lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Đại hội cũng đã thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (Điều lệ Đảng sửa đổi).

ĐH đã bầu BCH T.Ư gồm 146 ủy viên, bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên (Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 6 khóa VII tháng 11/1993 đã bầu bổ sung thêm 4 ủy viên Bộ Chính trị). Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII

Diễn ra từ ngày 28/6-1/7/1996 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2 triệu 130 nghìn đảng viên trong cả nước.Đại hội khẳng định: nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.

Nhiệm vụ của đại hội là thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá độ lên CNXH và bảo vệ tổ quốc XHCN.
Đại hội đã bầu BCH T.Ư gồm 170 ủy viên.  Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư (sau đó, tại Hội nghị BCHTƯ lần thứ 4 khóa VIII – tháng 12/1997, đồng chí Lê Khả Phiêu đã được bầu làm Tổng Bí thư).

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX

Diễn ra từ ngày 19-22/4/2001 tại Hà Nội.Tham dự ĐH có 1.168 đại biểu là những đảng viên ưu tú được bầu từ các đại hội đảng bộ trực thuộc, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội IX của Đảng đã đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế – xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá IX gồm 150 uỷ viên.Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X

Diễn ra từ ngày 18-25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội.  Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng.  Đây là Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững.

Chủ đề của Đại hội là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Một trong những quan điểm mới của Đảng tại ĐH lần này là Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô.  Việc Đại hội ra Nghị quyết cho phép Đảng viên của Đảng được làm kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư bản tư nhân là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm đổi mới, thể hiện bước đột phá trong thay đổi tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết, với Bộ Chính trị gồm 14 thành viên và Ban Bí thư có 8 thành viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng khoá X.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12 đến 19/1/2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Chủ đề của Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Tổng số đại biểu tham dự Đại hội XI là 1377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước, trong đó có: 158 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, 1.188 đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, 11 đại biểu ở Đảng bộ ngoài nước do Bộ Chính trị chỉ định.

Trong 1.377 đại biểu có 150 đại biểu là nữ, chiếm 10,89%; 167 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 12,13%; 196 đại biểu là sĩ quan trong lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an), chiếm 14,23%; 13 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang, chiếm 0,94% và 3 đại biểu là Anh hùng lao động, chiếm 0,22%; 18 đại biểu là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, chiếm 1,31%, 7 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú, chiếm 0,51%.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI gồm 175 đồng chí Ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết. 9/15 Ủy viên Bộ Chính trị khóa X tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Trong số 175 Ủy viên chính thức có 72 đồng chí lần đầu tiên tham gia Ban Chấp hành Trung ương, 16 đồng chí từng là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Trong số ủy viên chính thức có 14 đồng chí là nữ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhiều tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Phú Trọng (67 tuổi) – Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên chính thức ít tuổi nhất là đồng chí Võ Văn Thưởng (41 tuổi) – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. 100% các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đều có trình độ từ đại học trở lên.

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã họp để bầu Bộ Chính trị gồm 14 Ủy viên, Ban Bí thư gồm 4 ủy viên; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Đồng chí Ngô Văn Dụ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ đề của Đại hội là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Dự Đại hội có 1.510 đại biểu thay mặt cho hơn 4,5 triệu đảng viên toàn Đảng. Số lượng đại biểu dự Đại hội lần thứ XII tăng 133 đại biểu so với Đại hội XI. Đây là Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất trong 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó có 197 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, 1.300 đại biểu được bầu từ đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố và đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy vận dụng sáng tạo, phát triển, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ,…”

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thảo luận, tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình thực hiện 5 năm Nghị quyết Đại hội XI (2011 – 2015) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 nêu trong Báo cáo chính trịBáo cáo kinh tế – xã hội của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội.

Với tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Đổi mới”, ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu cho nhiệm kỳ 2016 – 2020 như sau:

Mục tiêu tổng quát :

Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Các chỉ tiêu quan trọng :

– Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 – 35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 – 40%.

– Về xã hội : Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 – 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9 – 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 – 1,5%/năm.

– Về môi trường : Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95 – 100% chất thải y tế được xử lý; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Các nhiệm vụ trọng tâm :

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, trên cơ sở quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực đã nêu trong Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế – xã hội, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm sau :

(1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

(2) Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

(3) Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

(4) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

(5) Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

(6) Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã thảo luận và thông qua:

– Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội XII. Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tiếp thu ý kiến của Đại hội, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.

– Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XI; đồng ý không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng hiện hành. Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII hướng dẫn, quy định cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng.

– Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện toàn diện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá mới gồm 200 đồng chí, trong đó 180 đồng chí Uỷ viên chính thức, 20 đồng chí Uỷ viên dự khuyết

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp để bầu Bộ Chính trịBan Bí thư Trung ương ĐảngỦy ban Kiểm tra Trung ương. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng chí Trần Quốc Vượng được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sau hơn 8 ngày làm việc, chiều ngày 28/1/2016, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã bế mạc. Trong Diễn văn bế mạc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày đã nhấn mạnh: “Thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngay sau Đại hội, tất cả các cấp uỷ, tổ chức đảng cần làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”./.

Xuân Tiệp (sưu tầm: tạp chí cộng sản)

ĐẢNG BỘ XÃ BUÔN TRÍA CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ GẮN VỚI XÂY DỰNG ĐẢNG

Để dựng Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh, những năm qua, Đảng bộ xã Buôn Tría đã đề ra các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, lãnh đạo nhân dân trong xã phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, từ đó từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 11, 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm, xã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Đảng bộ xã Buôn Tría có 179 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ, trong đó 7 chi bộ thôn, buôn và 3 chi bộ trường học, 01 chi bộ trạm Y tế, 1 chi bộ Quân sự. Đảng bộ xã xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Ngoài triển khai quán triệt đầy đủ kịp thời, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp cho cán bộ, đảng viên để việc cụ thể hóa vào thực tế, Đảng bộ xã còn chỉ đạo các chi bộ trực thuộc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từng việc làm theo Bác phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của cán bộ, đảng viên, qua đó mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế, xã hội tại cơ sở; luôn tự rèn luyện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong quá trình công tác…

Xác định được những tồn tại, hạn chế trong việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng vào thực tế còn khá lúng túng; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả chưa cao. Đảng ủy xã đã đưa ra những giải pháp về việc sắp xếp, tổ chức lại đội ngũ cán bộ, trong đó, chú trọng công tác trẻ hóa đội ngũ cán bộ; chọn những người có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc để đảm nhận những chức vụ chủ chốt ở các bản, các đoàn thể. Quan tâm công tác phát triển đảng viên mới, trong đó tập trung vào đối tượng là ĐVTN, dân quân tự vệ và phụ nữ. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước, tạo môi trường cho quần chúng ưu tú phấn đấu, rèn luyện để được công nhận đối tượng Đảng và xem xét đề nghị cấp trên chuẩn y kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Riêng năm qua, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 09  đảng viên mới. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, nhằm góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn trong thời đại mới.  Hiện nay, 33%  số cán bộ, đảng viên của xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 100% đảng viên có trình độ văn hóa từ THCS trở lên.

Bên cạnh đó, các chi bộ trực thuộc còn chú trọng nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt Đảng, trong đó thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, nghiêm túc kiểm điểm những khuyết điểm, những việc chưa làm được để đề ra những biện pháp khắc phục hạn chế của từng cá nhân, tập thể, nhất là lĩnh vực được phân công phụ trách. Năm qua có 11 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 84,62%, và có 2 chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,..

Thời gian tới, Đảng bộ xã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với từng cơ sở trong công tác xây dựng Đảng để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng lãnh đạo nhân dân trong xã phát triển kinh tế, xã hội… xây dựng Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh./.

Vy thủy