Thực hiện Tết trồng cây theo lời dạy của Bác

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu và gần gũi với thiên nhiên. Nơi ở của người, đâu đâu cũng thấy bóng mát của cây xanh, hương thơm của hoa lá, âm thanh muôn loài chim thú. Người trồng cây, nuôi chim, đào ao thả cá. Người sống và làm việc giữa những người bạn thiên nhiên tâm giao thân thiết, giữa những suy nghĩ cho vận mệnh nước nhà là những phút thả hồn vào muôn hoa vạn vật…

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi của Người năm xưa, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của cả đất nước, cả dân tộc. Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt nam.

Ngày 05/01/1961 (ngày 9 tháng Chạp năm Canh Tý), Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi có phong trào trồng cây hai bên đường và trên các bãi đất trống. Bác ôm ghì 2 đồng chí lãnh đạo của xã thật chặt và hỏi: “Các chú có thấy khó chịu không?”. Rồi Bác ôn tồn bảo: “Cây cũng như người, nó phải có khoảng cách để sống và phát triển, các chú cần hướng dẫn nhân dân trồng cây theo kỹ thuật, trồng cây nào tốt cây đó”.

Vào dịp tết hàng năm Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt đầu xuân mới hàng năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục trong năm, vào các dịp lễ hội…”, “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.

Còn nhớ, trên báo Hà Đông ra ngày 20/1/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, Bác viết: Muốn xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây…

Trong những lần thăm nước bạn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam, Bác đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây Đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga và tặng chúng những cái tên thân mật là “những cây hữu nghị”. Theo thời gian, cây cối lớn dần lên cũng giống như tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè thế giới ngày càng thêm thân tình, gắn bó. Những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Bác Hồ vẫn kêu gọi nhân dân trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước. Bác viết: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Trong bài viết cuối cùng của mình về Tết trồng cây ngày 5/2/1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, và nhắc nhở “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”. Ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16.2.1969), trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác đã tự tay trồng một cây đa trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, Bác vẫn không quên nhắc nhở Đảng bộ Nghệ An cần “có kế hoạch trồng cây bảo vệ rừng”. Di chúc của Người cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng. Người viết: “Nếu có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng 1 cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới. Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời. Từ lời Người dạy, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc hàng năm luôn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã và đang đạt được những thành tựu to lớn, điều đó nói lên sự nỗ lực tích cực của toàn dân ta trên mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội; trong đó có sự đóng góp tích cực của công tác trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, việc nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, lời dạy của Bác về ý nghĩa của việc trồng cây hàng năm sẽ giúp chúng ta có thêm cơ sở khoa học đúng đắn để tổ chức thực hiện sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngày càng vững bước trong hội nhập và phát triển.

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/2023 và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng năm 2023. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây” trên các phương tiện thông tin đại chúng; động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; lồng ghép tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Triển khai và phát động trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng và chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trái pháp luật trong mùa khô năm 2023 và phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời nạn đốt, lấn chiếm đất rừng trái phép; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện “Tết trồng cây” vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ 19/5/2023. Đây cũng là chương trình được các địa phương tổ chức nhằm hưởng ứng kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2021 – 2025 và hưởng ứng chương trình “Vì một Viêt Nam xanh” theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây” trên các phương tiện thông tin đại chúng; động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; lồng ghép tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Triển khai và phát động trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng và chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trái pháp luật trong mùa khô năm 2023 và phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời nạn đốt, lấn chiếm đất rừng trái phép; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện “Tết trồng cây” vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ 19/5/2023.

Triển khai “Tết trồng cây” tại các tuyến đường Tổ dân phố thị trấn Liên Sơn, đường nông thôn, khuôn viên cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp đóng tại địa phương phù hợp với quy hoạch và bảo đảm về mỹ quan đô thị, quy hoạch nông thôn mới; tổ chức chăm sóc, bảo vệ cây trồng theo đúng quy định; tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, mục đích của việc trồng rừng, trồng cây xanh để cùng tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện. Bởi việc trồng cây, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ Bác Hồ, còn góp phần cải tạo môi trường, chống biến đổi khí hậu… Qua đó, tạo phong trào thi đua sôi nổi với phương châm “nhà nhà trồng cây, người người trồng cây và toàn dân tham gia trồng cây gây rừng”.

XT(BT)