Nhiều điều lý thú từ chương trình giáo dục trải nghiệm “Nghề gốm quê em”

Bảo tàng  tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với Trường PTDT Nội trú – THCS huyện Lắk tổ chức chương trình giáo dục trải nghiệm “Nghề gốm quê em” với sự tham gia của 152  em học sinh trong toàn trường.

Tại chương trình trước khi được tìm hiểu về nghề gốm các em học sinh đã được cùng các anh chị Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tham gia nhiều hoạt động sôi nổi, thể hiện sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các đội chơi, các em học sinh cũng đã được tham gia trò chơi đố vui có giải với những câu hỏi xung quanh về nghề gốm thủ công truyền thống của người M’nông Lâm. Qua sự hướng dẫn của các nghệ nhân H’ Phiêt Uông và H’ Lưm Uông đến từ xã Yang Tao, các em học sinh Trường PTDT Nội trú – THCS huyện Lắk đã có cơ hội trải nghiệm cảm giác trở thành một người làm gốm, chạm vào bàn xoay, tự tay vuốt, nặn và tạo hình, thả men truyền thống trên gốm. Các em đã rất thích thú vì được tìm hiểu về đất sét, nguyên liệu chính làm nên các sản phẩm gốm của người M’nông Lâm.

Được biết chương trình giáo dục trải nghiệm là hoạt động thường xuyên của Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk và hướng về cơ sở các huyện vùng sâu vùng xa.

Thông qua hoạt động này các em học sinh đã được tiếp cận với kiến thức văn hóa, đặc biệt là gắn liền với các trải nghiệm mang lại cho học sinh nhiều giá trị tích cực, đây là cách giúp học sinh hiểu thêm về nghề gốm thủ công truyền thống quê hương mình. Từ đó, học sinh sẽ có ý thức về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc, được tiếp thêm động lực để học tập kiến thức và trau dồi những kỹ năng sống vô cùng quý giá từ đó góp phần giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh về tình yêu, sự say mê tìm hiểu nghề gốm thủ công của người dân địa phương, từ đó càng tự hào hơn về truyền thống văn hoá lịch sử địa phương.

 H Yur Je + Văn Thắng