Huyện Lắk là một huyện miền núi, nằm phía nam dãy trường sơn, phía Đông Nam của Tỉnh Đắk Lắk, cách Thành phố Buôn Ma Thuột 54 km theo quốc lộ 27, tổng diện tích tự nhiên là 1.256 km2, trong đó diện tích mặt nước hơn 4500ha; diện tích canh tác lúa nước hàng nghìn ha, dân số 61.599 người, mật độ dân số 49 người/1km2, bao gồm 11 đơn vị hành chính xã. Là huyện được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan với nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, các điểm du lịch trải nghiệm, khám phá vô cùng lý thú như thác Bìm Bịp xã Yang Tao, thác Liêng Puh Pêt xã Krông Nô, hay đỉnh núi Chư Yang Lắk với độ cao 1.700 m, đỉnh núi cao Chư Yang Sin, phía dưới chân núi là những cánh đồng rộng lớn, được bồi đắp lượng phù sa, màu mỡ từ con sông Krông Ana, trải dài từ buôn Mliêng xã Đắk Liêng đến cánh đồng 08/4 xã Buôn Triết. Xung quanh hồ Lắk được bao bọc bởi những buôn làng người M’nông đang còn lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống từ ngàn đời xưa cho đến nay… Đây chính là những tiềm năng lợi thế thúc đẩy hoạt động về kinh doanh, thương mại, dịch vụ ngày càng mở rộng trên địa bàn huyện như dịch vụ du lịch, nông nghiệp, cơ khí, vận tải, xây dựng… từ đó mà các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện được hình thành ngày càng nhiều, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của huyện nhà. Tại huyện Lắk hiện có 64 doanh nghiệp đa ngành nghề đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả, như: Dịch vụ, thương mại, xây dựng, vận tải, cơ khí và xây dựng, sản xuất nông nghiệp…Với mục tiêu là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, năm 2019 Hội doanh nhân huyện Lắk cũng đã được thành lập với sự tham gia của 22 hội viên, từ khi thành lập đến nay Hội luôn nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội. Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã tích cực hoạt động, tham gia đóng góp vào ngân sách của huyện, cũng như góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, chỉ tính riêng 09 tháng năm 2023, thu ngân sách từ các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đạt 9,564 tỷ đồng, chiếm 43% tổng thu ngân sách của huyện. Điển hình như công ty TNHH Xây dựng Sông Núi trụ sở tại Buôn M’Liêng, xã Đắk Liêng, hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát.
Mỗi năm doanh nghiệp này khai thác được khoảng 36.000 khối cát để phục vụ cho hoạt động xây dựng của địa phương và tích cực đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 3 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024 Công ty sẽ đăng ký tăng sản lượng khai thác khoảng 80.000 khối cát/năm, từ đó sẽ đóng góp cho nguồn ngân sách nhà nước của địa phương gần 6 tỷ. Cùng với đó các doanh nghiệp đang hoạt động ở các lĩnh vực khác như kinh doanh xe máy, xăng dầu, lĩnh vực cơ khí… cũng đang tích cực chủ động sáng tạo để kinh doanh hoạt động hiệu quả. Qua hoạt động của các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, góp phần ổn định đời sống kinh tế và phát triển các ngành nghề, dịch vụ có liên quan trên địa bàn huyện. Có sự đồng hành góp sức của doanh nghiệp diện mạo của huyện Lắk trong những năm qua ngày càng khởi sắc. Đặc biệt trong việc triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện, trong 03 năm từ năm 2020 – 2023, huyện Lắk đã triển khai xây dựng 136 công trình với vốn đầu tư 159,572 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là công trình giao thông nông thôn, đến nay toàn huyện đạt tỷ lệ cứng hoá đường đô thị là 94,50%; đường huyện đạt 100%; đường xã đạt 96,5%; đường thôn, buôn đạt 76,50%; đường nội đồng đạt 50,5%; có 42 cầu (24 cầu bê tông cốt thép, 03 cầu thép, 15 gỗ…). Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng luôn được cấp uỷ chính quyền địa phương tạo điều kiện để phát huy năng lực thi công nhiều dự án quan trọng như: Tuyến đường đi Quốc Lộ 27 lên Thác Bìm Bịp. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do Cty TNHH Thương mại và xây dựng Đức Phú Hưng thi công. Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Đắk Liêng – Đắk Phơi được Công ty TNHH xây dựng Thuận Thành (thôn Xóm Huế, xã Đắk Liêng, huyện Lăk) thi công và đưa vào sử dụng trong phấn khởi của người dân.
Hạng mục xây mới 06 phòng học 02 tầng của trường THCS Chu Văn An xã Yang Tao với tổng kinh phí trên 4 tỷ 580 triệu đồng do công ty TNHH Xây dựng Nam Hải Cao Nguyên thi công. Cùng với đó các Công ty TNHH Xây dựng đang triển khai thi công nhiều dự án khác về nâng cấp sửa chữa và xây mới hàng trăm Km kênh mương nội đồng, nâng cấp sửa chữa và xây mới nhiều trụ sở các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện. Từ hiệu quả và chất lượng của những công trình dự án do các doanh nghiệp trên địa bàn huyện triển khai thi công thực hiện đã góp phần tạo niềm tin đối với các cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân huyện nhà. Song hành cùng các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác nhau như: kinh doanh dịch vụ du lịch; vận tải, lâm nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, xe máy và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi như phải nói đến Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam – Đắk Lắk có trụ sở tại xã Nam Ka. Bình quân mỗi năm, hệ thống nuôi cá tầm của doanh nghiệp này xuất khoảng 200 tấn cá tầm thương phẩm, với tổng doanh thu trên hàng chục tỷ đồng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi được hình thành và phát triển với mô hình trang trại hiện đại đang hứa hẹn mang lại doanh thu cao và nhiều lĩnh vực khác đang được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả để tạo doanh thu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của huyện nhà. Cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội doanh nghiệp huyện Lắk luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội. Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2022 khi tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn ra phức tạp, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ, ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu song Hội doanh nghiệp huyện đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương góp sức phòng chống dịch bệnh, Hội đã ủng hộ cho Trung tâm y tế huyện, xã Đăk Liêng, xã Nam Ka, xã Krông Nô với tổng số tiền là 140 triệu đồng để mua sắm các vật tư y thết, trang bị bảo hộ cho đội ngũ y, bác sĩ…. Khi tình hình kinh tế dần được phục hồi sau dịch bệnh Covid 19, các doanh nghiệp không chỉ có những giải pháp linh hoạt thích ứng, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định mà còn lại chung tay thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội như: Tặng quà Tết cho người nghèo, học sinh nghèo hiếu học, nạn nhân chất độc màu da cam, các đối tượng chính sách xã hội; trao tặng ủng hộ từ thiện an sinh xã hội; hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết – nhà tình thương cho hộ nghèo, gia đình chính sách và người có công…Đặc biệt thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện khoá XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhất là Nghị Quyết 02 và Nghị Quyết 05, Hội doanh nghiệp huyện đã đóng góp tổng số tiền 340 triệu đồng để mua hàng trăm chậu hoa giấy, cùng các giống hoa, trồng hai bên đường góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch – đẹp, hỗ trợ mua giống cây ăn quả tặng cho các hộ dân ở các xã, thị trấn, giúp bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng thu nhập. Là huyện thuần nông, huyện Lắk được bù đắp phù sa của con sông Krông Na vào mỗi mùa mưa lũ đã tạo nên một vùng đồng bằng rộng lớn với diện tích gần 20.000 ha tạo thành cánh đồng canh tác lúa nước ở 03 xã Đăk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết. Đây là một lợi thế để các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phát triển, vì thế mà trong 28 HTX đang hoạt động đã có 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 12 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, xây dựng. Tổng số thành viên của 28 HTX là 1.210 thành viên với có tổng số vốn điều lệ là 43.605 triệu đồng. Trong những năm qua, các Hợp tác xã trên địa bàn huyện Lắk đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Các HTX đã nỗ lực vươn lên, phát triển với quy mô lớn hơn, chất lượng hoạt động ổn định, kết quả sản xuất kinh doanh được nâng cao và có tính bền vững hơn và đã đạt được những thành tích nổi bật. Đến nay, toàn huyện có 25 tổ hợp tác với khoảng 260 thành viên tham gia. Thành viên tổ hợp tác hầu hết là cá nhân, hộ gia đình; chủ yếu không góp vốn mà góp sức, ngày công lao động để cùng nhau phát triển kinh tế ở vùng nông thôn. Phần lớn các HTX nông nghiệp đã có nhận thức đúng về mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, từ đó, số lượng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị có xu hướng tăng dần, đang dần trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng trưởng quy mô, hiệu quả, phát triển bền vững ở khu vực nông nghiệp. Có HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: máy bay phun thuốc, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sấy nông sản từ đó dần hiện đại hoá quy trình sản xuất, tạo ra hiệu quả sản xuất lao động cao, để mở rộng quy mô sản xuất. Qua đó đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 500 lao động tại địa phương, tạo thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/ người/ năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 02 HTX thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp và có 03 Hợp tác xã được chứng nhận Vietgap trong sản xuất lúa nước. Các HTX đã có mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX nông nghiệp đã có nhận thức đúng về mô hình sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, từ đó số lượng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị có xu hướng tổ chức sản xuất phổ biến, nhằm mở rộng quy mô, hiệu quả, phát triển bền vững ở khu vực nông nghiệp. Trên địa bàn huyện có 01 sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao (gạo mười đào của HTX nông nghiệp Thành Tín xã Đăk Nuê); Có 01 sảm phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao sản phẩm OCOP cấp huyện là Sản phẩm Trà thảo mộc Hoàng Ngưu của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Chiến ở Buôn KDiê II, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Nhiều hợp tác xã được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ vốn của các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến huyện và xã đã thực sự đi vào hoạt động hiệu quả như: Hợp tác xã Sản Xuất và dịch vụ nông nghiệp Thái Hải, xã Buôn Triết với tổng số 158 thành viên. Trong những năm qua, HTX Thái Hải đã tập trung phát triển liên kết chuỗi giá trị, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa theo hướng liên kết chuỗi giá trị; triển khai mô hình sản xuất lúa thương phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ nguồn ngân sách UBND xã Buôn Triết hỗ trợ hơn 200 triệu đồng năm 2023, Hợp tác xã đã sản xuất mô hình lúa giống Đài thơm 8 với diện tích 55 ha. Với phương châm liên kết hỗ trợ cho hoặc đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV, bảo đảm chất lượng giá cả hợp lý, có hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bảo hành năng xuất và bao tiêu sản phẩm nên HTX đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho các thành viên của HTX.
Hợp Tác Xã dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 xã Buôn Tría là một trong những hợp tác xã được hình thành từ rất sớm vào năm 2009. Trước đây, do hệ thống kênh mương của cánh đồng 8/4 đã bị sạt lở, hư hỏng nặng nên việc dẫn nước vào ruộng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, người dân chủ yếu sử dụng đầu bơm nhỏ chạy bằng dầu để tưới nên chi phí đầu tư cao, mà hiệu quả kinh tế thấp, tốn nhiều công sức và tiền của. Nhằm giúp cho việc sản xuất nông nghiệp được thuận tiện, giảm ngày công lao động, chi phí đầu tư, đáp ứng việc tưới tiêu cho gia đình nên sau khi hợp tác xã được thành lập đã kéo điện lưới Quốc gia về hạ trạm biến áp, lắp đặt trạm bơm nước để phục vụ tưới tiêu cho bà con. Nhờ tận dụng được nguồn nước tự nhiên từ sông Krông Na, hệ thống trạm bơm luôn bảo đảm nguồn nước tưới cho cánh đồng lúa. Qua quá trình phát triển đến nay HTX đã có 89 thành viên, HTX đã xây dựng được 17 trạm bơm gồm 17 máy bơm, 5 trạm biến áp, với tổng kinh phí đầu tư gần 7 tỷ đồng, xây dựng được trên 7 km kênh mương bằng bê tông xi măng với kinh phí trên 10 tỷ trong để phục vụ tưới tiêu nước cho 859 ha lúa nước thuộc 3 xã Buôn Tría, Buôn Triết và Đắk Liêng.Gia đình ông Chu Văn Thông – Tại buôn Lách Dơng, xã Krông Nô có kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng hơn 20 năm, trên diện tích 4 ha bình quân mỗi năm gia đình ông Chu Văn Thông thu hoạch hơn 12 tấn sầu riêng, thu nhập từ sầu riêng sau khi trừ chi phí hơn 6 tỷ đồng/năm. Năm 2021, HTX sầu riêng Thông Phong được thành lập có 10 thành viên đến nay đã phát triển hơn 100 thành viên, từ khi thành lập HTX Thông phong đã hỗ trự thành viên trồng mới với diện tích hàng trăm ha sầu riêng, việc HTX Thông phong được thành lập đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực hỗ trợ người dân thực hiện mô hình trồng sầu riêng trong thời gian tới. Năm 2021, HTX sản xuất phân phối giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Tuấn Nguyên, tại thôn Ngã Ba, xã Đắk Liêng được thành lập. Từ đó thành viên hợp tác xã và người dân trên địa bàn huyện đã có nguồn cung ứng giống cây bảo đảm chất lượng. Thêm vào đó, HTX cung cấp dịch vụ cho thành viên theo giá ban đầu, giúp các thành viên không có vốn, mua theo hình thức trả đến kỳ thu hoạch thanh toán. Không chỉ đẩy mạnh việc cung ứng cây giống bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng mà HTX Tuấn Nguyên còn là trong những HTX rất tích cực đồng hành với các xã, thị trấn triển khai Nghị quyết 02 và Nghị quyết 05 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lăk khoá XV nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ngoài các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp các hợp tác xã trong lĩnh vực du lịch của địa phương đã phát triển bền vững như HTX du lịch Buôn Jun; hợp tác xã thương mại dịch vụ và du lịch Hồ Lắk đã có nhiều nổ lực trong hoạt động thương mại dịch vụ thu hút đông đảo khách du lịch đến với địa phương, trong 9 tháng tổng doanh thu từ ngành thương mại, dịch vụ 9 tháng năm 2023 đạt khoảng 1.060/1.400 tỷ đồng; đạt 75,71% so với kế hoạch năm 2023, tăng 62 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các Hợp tác xã thương mại Thắng Lợi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa dạng các sảm phẩm hàng hoá, quản lý hoạt động của chợ Liên Sơn, huyện Lắk được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2003 với 10.080m2, hiện có khoảng 230 hộ kinh doanh cố định. Là địa phương có trên 65% đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động của chợ truyền thống trên địa bàn huyện Lăk là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân các dân tộc trong huyện. Các hoạt động của hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trở thành điểm tựa để, cầu nối để người dân được được hỗ trợ về nguồn vốn, về kiến thức sản xuất kinh doanh cũng như tiếp cận cơ chế hỗ trợ của các cấp , chính quyền địa phương trong sản xuất kinh doanh.
Để góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả, trong những năm qua UBND huyện luôn quan tâm, phối hợp với các cơ sở đào tạo, các trung tâm dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn huyện được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh thành khác. Hằng năm vào ngày 13/10, UBND huyện tổ chức gặp mặt, tôn vinh, biểu dương những đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Cấp uỷ chính quyền địa phương luôn xác định vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế của huyện nhà.
Nhờ vậy, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Đội ngũ doanh nhân có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.
Đối với các Hợp tác xã Chính quyền địa phương có sự quan tâm hỗ trợ tích cực. UBND huyện Lắk thực hiện cân đối nguồn ngân sách huyện với số tiền 730,5 triệu đồng (giai đoạn 2023- 2024) để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giao thương của các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã
nông nghiệp. Đối với Doanh nghiệp mới thành lập ở địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn thực hiện miễn thuế TNDN 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và chính sách ưu đãi thuế suất 10% thuế TNDN đối với HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi suốt thời gian hoạt động. Hàng năm, một số HTX trên địa bàn xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đăk Liêng, Nam Ka được Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.
Trên tinh thần đó, huyện Lắk luôn sát cánh, chia sẻ, lắng nghe mọi ý kiến, đề xuất, tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn huyện. UBND huyện cũng tích triển khai các hoạt động như: Năm 2021, Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, với thông điệp “Tiềm năng của huyện Lắk- Cơ hội của doanh nghiệp”, sau hội nghị, đã có hơn 1.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cam kết đầu tư vào huyện Lắk trong thời gian tới. Công tác cải cách hành chính cũng được huyện quan tâm chỉ đạo sát sao, trong đó, quan tâm giải quyết nhanh TTHC nhất là các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường…. Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 huyện đã tổ chức thành công Hội đua thuyền độc mộc lần thứ 3, đặc biệt trong đó có hoạt động triển lãm với hơn 11 gian hàng từ các đơn vị đăng ký tham gia. Thông qua đó,quảng bá hình ảnh địa phương, cũng như giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của huyện nhằm thu hút các nhà đầu tư, đến với huyện Lăk. Với những đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển của cấp uỷ, chính quyền huyện Lắk. Tin tưởng rằng các doanh nghiệp, doanh nhân và các hợp tác xã trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục đón bắt cơ hội vươn lên, hoạt động ổn định và bền vững. Qua đó đóng góp phần xây dựng huyện Lắk ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh.
H Yur Je + Văn Hoan
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao
- Nét đẹp thuyền độc mộc và trải nghiệm du lịch chèo thuyền trên Hồ Lắk
- Cà phê giá tăng cao chưa từng có, nông dân đón mùa vụ bội thu
- Nông dân xã Đăk Phơi vui mừng, phân khới bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024
- Xã Krông Nô toạ đàm kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11