Thực hiện Công văn số 44 ngày 27/10/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ do ảnh hưởng của cơn Bão số 6 trên địa bàn tỉnh. Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam hoàn lưu của Bão số 6, từ ngày 27-28/10 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và bảo vệ an toàn tính mạng của người dân do ảnh hưởng cơn Bão số 6 có thể gây ra.
UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn, các cơ quan ban ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường phối hợp, chủ động, linh hoạt theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, thông tin kịp thời, đầy đủ đến chính quyền địa phương, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo nhanh về tình tình thiệt hại do thiên tai xảy ra gây thiệt hại về sản xuất và cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và của cả cộng đồng; đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương.
Chủ động phương án ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ; xác định trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính”. chỉ đạo, chỉ huy điều hành, ứng phó thiên tai, sự cố; bảo đảm vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thuộc phạm vi quản lý an toàn công trình và hạ du; tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo các tình huống, phương án, kế hoạch đã xây dựng.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư trong tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn theo quy định của UBND tỉnh Đắk Lắk. Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn, trong đó cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hoá, nhất là trong hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đã được UBND tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ, đồng thời đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp với Chi nhánh huyện Lắk – Công ty TNHH MTV quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk rà soát, lập danh mục các hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn cao. Trên cơ sở đó, có biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa mưa, lũ.
Riêng 03 xã: Krông Nô, Nam Ka và Ea R’bin phối hợp với Công ty cổ phẩn thuỷ điện Trung Nam Krông Nô và Công ty Thủy điện Buôn Kốp triển khai phương án phối hợp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hồ chứa thủy điện Buôn Tua Sah mùa mưa lũ năm 2024.
Nhận được Công văn, UBND huyện yêu cầu các đồng chí Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn Liên Sơn và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện./.
XT