Sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo đề án của Trung ương từ ngày 01/7/2025, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk, Phòng giao dịch Lắk vẫn duy trì ổn định, tiếp tục phát huy vai trò bảo đảm hoạt động xuyên suốt, không bị gián đoạn, xáo trộn nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong bối cảnh hệ thống đơn vị hành chính địa phương có nhiều thay đổi, Phòng Giao dịch Lắk đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các xã mới sáp nhập để nắm bắt nhu cầu vay vốn, kịp thời triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là đối với hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác.
Tính đến ngày 07 tháng 7 năm 2025, Phòng Giao dịch NHCSXH Lắk đã giải ngân trên 626 tỷ 998 triệu đồng cho 248 tổ TK&VV trên địa bàn các xã Liên Sơn Lắk, Đắk Liêng, Đắk Phơi, Nam Ka, và Krông Nô với hơn 2.094 lượt hộ vay. Các chương trình tín dụng ưu đãi như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh – sinh viên, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn, cho vay người chấp hành xong án phạt tù,… đều được triển khai hiệu quả và đúng đối tượng.


Ông Bùi Quang Tuyên, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Lắk cho biết: “Sau khi các đơn vị hành chính sáp nhập, chúng tôi đã rà soát, cập nhật toàn bộ dữ liệu hộ vay, chủ động điều chỉnh phương án giao dịch lưu động, đảm bảo không người dân nào bị bỏ sót hoặc gián đoạn trong việc tiếp cận vốn vay. Đồng thời, cán bộ tín dụng cũng tăng cường bám cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn bà con sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.”
Thời gian tới, Phòng Giao dịch Lắk sẽ tăng cường năng lực phục vụ, triển khai các kế hoạch điều phối vốn, tái phân bổ chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu từng địa bàn. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giám sát và hỗ trợ vốn tín dụng chính sách. Mô hình giao dịch xã vẫn được duy trì đều đặn hàng tháng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân nộp tiền, nhận vốn vay, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Các tổ tiết kiệm và vay vốn đóng vai trò “cánh tay nối dài” của ngân hàng tại cơ sở cũng không ngừng được củng cố, nâng cao năng lực quản lý và giám sát vốn vay. Góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế – xã hội địa phương sau tái cơ cấu hệ thống hành chính./.
- Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV
- UBND tỉnh sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025
- Tập huấn hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Công bố các quyết định về công tác tổ chức cán bộ và gặp mặt các tổ chức Đảng trực thuộc, trưởng thôn, buôn, tổ dân phố và trưởng Ban công tác Mặt trận
- Xã Đắk Liêng công bố các quyết định về công tác tổ chức, cán bộ