Thư viện huyện Lắk – Thực trạng và giải pháp

Thư viện với tư cách là một thiết chế văn hoá; một cơ quan giáo dục ngoài nhà trường là thông tin khoa học, là nguồn lực nâng cao dân trí, nâng cao trình độ cho tất cả mọi người. Thư viện là một thiết chế văn hoá không thể thiếu được trong sự phát triển của xã hội văn minh. Hiện nay khi mà các phương tiện nghe nhìn tràn ngập thì sách báo vẫn là nguồn thông tin cơ bản nhất và thư viện vẫn là nơi tổ chức đảm bảo sử dụng sách báo hợp lý, tiết kiệm nhất, đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức, học tập và giải trí trong nhân dân.

Thư viện Huyện Lắk chịu sự quản lý trực tiếp về mặt hành chính của Trung tâm Truyền thông-Văn hóa-Thể thao (từ tháng 1 năm 2023) và sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Thư viện tỉnh.

Nhằm cụ thể hóa việc triển khai Kế hoạch số 9103, ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án “ Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”. Để cải thiện môi trường đọc; góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập để nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam.

Để thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ của một thư viện cấp huyện, thư viện huyện Lắk đã không ngừng cố gắng dùng sách báo làm tài liệu tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước nhằm nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ cách mạng cho nhân dân và cán bộ trong huyện. Phục vụ nhiệm vụ chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá chủ yếu là sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục của địa phương, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bằng vốn sách báo tổng hợp của mình  thư viện huyện Lăk đã phần nào đáp ứng nhu cầu đọc và nhu cầu thông tin cho nhân dân trên địa bàn, ngoài ra thư viện còn là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường giúp các em học sinh, sinh viên rèn luyện tính tự học, tự rèn luyện, kích thích sự sáng tạo của các em, tiếp thu những tinh hoa trong sách, báo, tài liệu học tập, nghiên cứu, góp phần tạo ra các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Đóng vai trò là thư viện trung tâm của huyện, thời gian qua thư viện huyện vẫn duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ đọc tại chỗ và mượn tài liệu về nhà, có máy vi tính kết nối Internet; tra cứu trực tuyến; mở rộng các hình thức phục vụ bạn đọc trong việc xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (đọc tại chỗ, cho mượn về nhà theo yêu cầu…); không ngừng nâng cao chất lượng văn hóa đọc; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách để định hướng cho người đọc, đồng thời luôn chú trọng việc mở rộng đối tượng đăng ký thẻ, thủ tục đăng ký cấp, đổi thẻ bạn đọc theo hướng nhanh chóng và đơn giản.

Định hướng tới năm 2030 Theo chương trình mục tiêu quốc gia, đến năm 2030 thì mỗi người dân phải có 0,7 cuốn sách trong các thư viện công cộng và 20% dân số cả nước được sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng. Trong khi thực tế hiện nay tại huyện Lắk, chỉ có 01 thư viện trung tâm trực thuộcTrung tâm Truyền thông – Văn hoá – Thể thao. Vì thế, hệ thống Thư viện huyện Lắk rất cần sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền, sự  phối hợp với các ban, ngành, chức năng tạo điều kiện để cán bộ, đọc giả có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Duy trì và củng cố các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc, tiếp tục cải thiện môi trường đọc vùng nông thôn huyện Lắk.

Năm 2021, Uỷ ban nhân dân huyện đã cho chủ trương để hồi cố kho sách của Thư viện huyện. Thư viện đã có Kế hoạch hồi cố, nhưng do tình hình dịch covid trên địa bàn căng thẳng nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Năm 2022, kinh phí cấp cho hoạt động bổ sung vốn tài liệu của Thư viện là 21.075.000đ, nguồn kinh phí này chủ yếu là đặt báo Thư viện. Từ khi tiếp nhận dự án cho tới khi dự án kết thúc nguồn kinh phí này không được bổ sung nên gây khó khăn cho mọi hoạt động của Dự án.”Nâng cao sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng” .

Tổng số sách hiện có trong Thư viện là hơn 10.000 bản. Số báo, tạp chí hiện có trong Thư viện là 13 loại. Ngoài ra Thư viện còn thường xuyên nhận được các xuất bản phẩm như: Tạp chí  Dân tộc, Tạp chí xây dựng đời sống văn hóa, văn hóa nghệ thuật của các nhà xuất bản gửi về theo chế độ nộp lưu chiểu. Thư viện cũng nhận được một số xuất sách lưu động của thư viện tỉnh cấp về phục vụ tại địa phương.

Ngoài ra Thư viện cũng nhận được từ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khoảng gần 800 cuốn sách viết về bản sắc văn hóa dân tộc của các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước. Đây là loại sách quý góp phần vào giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Nhìn chung nguồn lực về sách báo, tài liệu của Thư viện  dồi dào, nội dung đa dạng, phong phú cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc sách báo tài liệu của nhân dân địa phương.

Năm 2013 đến nay dự án BILL- GATES đã cấp cho Thư viện 10 máy tính và 01 máy in, đây là một thuận lợi rất lớn cho mọi hoạt động của Thư viện. Từ khi có dự án số lượng độc giả đến Thư viện mượn và đọc sách, báo ngày càng tăng. Thư viện mở cửa phục vụ thường xuyên 5 ngày/ tuần, trung bình thư viện phục vụ khoảng 20 lượt bạn đọc/1 buổi. Tuy nhiên khi tình hình dịch Covid 19 diễn ra phức tạp trên địa bàn, đến nay các hoạt động của độc giả như truy cập máy tính, tham khảo tài liệu cũng như luân chuyển sách cũng bị hạn chế. Hiện nay Thư viện huyện chỉ có 10 giá đựng sách, báo, 01 tủ tra cứu mục lục, 03 bàn gỗ phục vụ độc giả. Vì vậy công tác quản lý máy móc, hướng dẫn, phục vụ người đến tìm kiếm thông tin, truy cập Internet chưa được sát sao.

Sau gần 10 năm hoạt động, dự án BILL & GATES đã tạo cơ hội tiếp cận tri thức cho người dân, nhất là các vùng nông thôn, miền núi. Tuy vậy mạng lưới thư viện cơ sở các xã gặp khó khăn kéo dài về mặt tổ chức bộ máy không thống nhất (hầu như chưa có xã nào có thư viện), tại 02 xã  Đăk Nuê và Krông Nô dự án vẫn chưa thực sự phát huy hết tác dụng.  Nguyên nhân đầu tiên đó là cán bộ phụ trách các điểm truy cập internet chưa năng động trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng. Nhiệm vụ phụ trách phòng máy của cán bộ chỉ là kiêm nhiệm nên khó khăn trong việc theo dõi, hướng dẫn người dân. Ngoài ra, do số lượng máy tại các điểm dự án cấp xã quá ít (5 máy/điểm) dẫn đến không thể đáp ứng nhu cầu. Dự án chỉ cung cấp máy, còn toàn bộ kinh phí vận hành, sửa chữa đều là của địa phương nên dẫn đến tình trạng không có cán bộ chuyên trách, máy móc hư hỏng không có kinh phí sửa chữa. Dịch Covid 19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống trong đó có hoạt động văn hóa công cộng trong một thời gian dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phối hợp với các trường trong địa bàn huyện tổ chức các hoạt động như: Hội thi kể chuyện theo sách….

 Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của thư viện mới chỉ áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý vào năm 2019, làm thẻ độc giả, Công tác kiểm kê và tìm sách đơn giản, in thẻ bạn đọc, in phiếu mượn sách, quản lý thông tin về bạn đọc trên máy tính. Công tác phục vụ bạn đọc vẫn dựa trên phương pháp truyền thống. Công tác thông tin, tuyên truyền khi có sách báo mới về, cán bộ phụ trách thư viện tuyên truyền trực tiếp cho bạn đọc đến thư viện bằng hình thức giới thiệu sách mới, giới thiệu sách mới trên bảng tin của Thư viện nhằm giúp cho bạn đọc tiếp cận nhanh nhất với hình thức, nội dung sách. Qua đó giúp bạn đọc tìm sách báo nhanh, chính xác, thỏa mãn nhu cầu tìm tin của mình.

Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin dẫn đến tâm lý ngại đến thư viện để tra cứu, đọc sách. Các phong trào như: Kể chuyện theo sách, nói chuyện chuyên đề về sách, chưa được chú trọng, chất lượng bạn đọc chưa cao…

Để đáp ứng nhu cầu đọc sách báo và truy cập internet ngày một tăng của bạn đọc Thư viện Lăk trong thời gian tới cần tranh thủ và thực hiện tốt hướng dẫn chuyên môn của Thư viện tỉnh, quan tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho cán bộ chuyên trách thư viện, tạo điều kiện giúp đỡ về chuyên môn tổ chức thực hiện Hồi cố kho sách đưa vào kho cơ sở dữ liệu của Thư viện để kịp thời áp dụng CNTT trong việc tra tìm tài liệu phục vụ bạn đọc trong tình hình mới. Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí, để huyện có cơ sở xây dựng các kế hoạch duy trì hoạt động đề án Bill & Gates và bổ sung nguồn sách và các hoạt động khác của thư viện, các thiết chế cho thư viện huyện và xã trong những năm tiếp theo.

Mặt khác tiếp tục phát động các cuộc thi kể chuyện về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các trường học.Tổ chức hội thi kể chuyện theo sách bậc tiểu học nhân ngày 1/6 ngày quốc tế thiếu nhi. Tăng cường đưa sách báo xuống cơ sở phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.

Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng tài liệu: kiểm kê kho sách hàng năm để kịp thời bổ sung sách thiếu và tu bổ sách cũ, rách. Xây dựng chính sách bổ sung cơ sở dữ liệu sách báo, tạp chí bằng cách điều tra xã hội học, nghiên cứu, lấy ý kiến thăm dò và phân tích thông tin nhu cầu của bạn đọc. Muốn làm được vậy, cần có sự phối hợp giữa cán bộ thư viện với các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, các giáo viên, các học sinh để bổ sung tài liệu phù hợp với xu hướng đổi mới phương pháp dạy và học, đồng thời đánh giá tính hiệu quả của nguồn tài liệu sau một thời gian sử dụng để có phương án điều chỉnh.

Tăng cường tổ chức những đợt giao lưu học hỏi với các thư viện huyện khác; những thư viện hoạt động hiệu quả cao. Mở các lớp tập huấn, cử cán bộ đi bồi dưỡng hoặc tạo điều kiện cho những cán bộ muốn học thêm nâng cao trình độ. Khuyến khích tinh thần tự học của cán bộ để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho thư viện. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, động viên khích lệ đến đời sống tinh thần của cán bộ thư viện, làm cho họ ngày càng tin tưởng và phấn đấu vì công việc hơn nữa, yên tâm công tác và nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong công việc. Đào tạo cán bộ có phong cách làm việc chuyên nghiệp, thái độ đối với bạn đọc luôn nhiệt tình, lịch sự, cởi mở, thân thiện, coi bạn đọc là trung tâm, là chủ thể của hoạt động, còn cán bộ thư viện là người phục vụ. Coi trọng phát triển cơ sở vật chất, tiến tới xây dựng những phòng đọc thông minh, phòng thảo luận nhóm, để tạo môi trường tự học cho học viên. Nâng cao chất lượng bộ máy tra cứu, đường truyền mạng để đảm bảo việc tra cứu được nhanh chóng, chính xác; tin tức cập nhật nhanh, đầy đủ, tránh làm mất nhiều thời gian chờ đợi của bạn đọc. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng, góp phần phát nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Thực tiễn cho thấy, trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ không có gì bất ngờ khi công nghệ thông tin luôn giữ vững vị thế là một trong những ngành hàng đầu về nhu cầu nhân lực và tiềm năng phát triển. Vị thế này càng được củng cố trong bối cảnh thế giới bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Theo chương trình mục tiêu quốc gia, đến năm 2030 thì mỗi người dân phải có 0,7 cuốn sách trong các thư viện công cộng và 20% dân số cả nước được sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng. Trong khi thực tế hiện nay tại huyện Lắk, chỉ có 01 thư viện trung tâm trực thuộc Trung tâm Truyền thông – Văn hoá – Thể thao. Vì thế, hệ thống Thư viện huyện Lắk rất cần sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, ngành nhằm khắc phục những khó khăn trên./

Xuân Tiệp