Trước đây những ngày tháng 3 này, ở huyện Lắk đối với người dân tộc M’nông là mùa của lễ hội, mùa làm nhà dựng cửa, mùa gái trai trong làng dựng vợ gả chồng, lúc ấy tiếng công chiêng ngân vang khắp mọi nơi. Mọi người dân trong buôn đều bên nhau vui vẻ cùng nhau uống rượu cần, đánh công chiêng. Tuy nhiên hiện nay, khi tình hình dịch bệnh phức tạp thì việc tổ chức các lễ hội, tụ tập đồng người bị hạn chế, nhưng tiếng công chiêng không vì thế mà mất đi. Đây lại là lúc các bạn trẻ ở buôn Jun, buôn Lê và trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk huyện hăng say tập luyện đánh công chiêng.
Những năm gần đây việc giữ gìn và phát huy di sản – không gian văn hóa công chiêng được quan tâm, Từ năm 2010 – 2021 Phòng Văn hóa thông tin đã phối hợp với phòng Nghiệp vụ Văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức 20 lớp truyền dạy công chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã thị trấn. Thu hút hơn 500 học viên tham gia. Trong năm 2021, Phòng Văn hóa thông tin huyện tổ chức truyền dạy thêm 1 lớp học đánh công chiêng cho thế hệ trẻ từ 13 – 18 tuổi tại Buôn Jun và 02 lớp trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk. Mỗi lớp có 20 em tham gia học, thời gian học kéo dài 3 tháng.
Sau một thời gian học tập, nhiều bạn trẻ từ chỗ chưa biết cầm dùi đến nay đã đánh được những bài chiêng đơn giản. Quan trọng hơn là đám trẻ đã bắt đầu có hứng thú với cồng chiêng và ý thức được sứ mệnh gìn giữ văn hóa dân tộc. Đây là thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống của dân tộc, lưu giữ âm vang cồng chiêng trong cộng đồng người M’nông, để dòng chảy văn hóa của dân tộc được tiếp nối xuyên suốt đến tương lai.
Mặc dù đã hết thời gian dạy học 3 tháng cho các bạn trẻ, những đến nay thầy dạy đánh công chiêng Y Ninh Ê Ban ở Buôn Lê, thị trấn Liên Sơn vẫn dồn hết tâm huyết, kiến thức về cồng chiêng của mình giảng dạy cho thế hệ trẻ. Ông Y Ninh cho biết: chỉ cần các cháu muốn học ở đâu tôi cũng day, lúc nào tôi cũng sẵn sàng dạy các cháu, chỉ mong muốn thế hệ trẻ hiểu được nguồn cội, ý nghĩa của văn hóa cồng chiêng đối với dân tộc M’nông, từ đó mới có đam mê và ra sức học tập.
Những lớp dạy công chiêng cho thế hệ đã và đang phát huy hiệu quả khi ngày càng có nhiều những em học sinh và các bạn nhỏ đam mê với công chiêng, từ đó tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào M’nông theo năm tháng.
H Yur + Văn Thắng
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tăng cường tuần tra bảo vệ rừng
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao