Sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Lắkvẫn giữ nguyên 11 điểm giao dịch tại các xã cũ và tiếp tục duy trì mạng lưới hoạt động như trước đây. Những ngày qua, Phòng giao dịch NHCSXH Lắk đã đồng loạt triển khai các phiên giao dịch đầu tiên sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tại điểm giao dịch Đắk Liêng 2 diễn ra vào ngày 6/7, rất đông người dân đến thực hiện giao dịch. Ông Đỗ Đức Phong ở xã Đắk Liêng chia sẻ: “Tôi vừa được NHCSXH giải ngân cho vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng cà phê. Việc ngân hàng vẫn giữ nguyên địa điểm giao dịch cũ tại Đắk Liêng đã tạo thuận lợi cho tôi và bà con vay vốn, không phải đi xa”. Tương tự, tại xã Đắk Phơi, được hình thành trên cơ sở nhập đơn vị hành chính các xã Đắk Phơi và xã Đắk Nuê, các điểm giao dịch vẫn được duy trì tại địa điểm trụ sở UBND xã cũ. Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Lắk, ông Bùi Quang Tuyên cho biết, sau sáp nhập Phòng giao dịch tiếp tục duy trì 11/11 điểm giao dịch tại các xã cũ như trước đây. huyện Lắk hiện nay còn 5 xã gồm: Liên Sơn Lắk, Đắk Liêng, Nam Ka, Đắk Phơi và Krông Nô. Đồng thời, thông tin địa chỉ của người dân cũng được ngân hàng tự động cập nhật theo địa bàn xã mới, người dân không cần khai báo lại hay thực hiện bất kỳ thủ tục bổ sung nào. Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ trên địa bàn do Phòng giao dịch quản lý đạt hơn 620 tỷ đồng, với hơn 10.000 khách hàng còn dư nợ. Luôn kiên định với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, do đó, đơn vị đã tổ chức đầy đủ các phiên giao dịch để phục vụ tận nơi, bám sát cơ sở, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời, không bị gián đoạn. Đảm bảo nguồn vốn đến tận tay người nghèo.’
Từ ngày 01/7, thực hiện kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Để nguồn vốn tín dụng chính sách không bị gián đoạn, đảm bảo nguồn vốn đến tận tay người nghèo, nhất là người dân ở các xã vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phòng giao dịch NHCSXH Lắk đã tham mưu UBND các xã ban hành văn bản chỉ đạo phòng ban, đơn vị liên quan về một số nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch vận hành phù hợp với tình hình từng địa phương, bảo đảm các hoạt động giải ngân, thu nợ, thu lãi… diễn ra thông suốt. Cùng với đó là phối hợp với UBND các xã mới, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc xác nhận hồ sơ vay vốn, thủ tục ủy quyền, đảm bảo không phát sinh vướng mắc về thủ tục hành chính. Chủ tịch UBND xã Đắk Liêngchia sẻ, xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác từ NHCSXH rà soát lại tất cả các chương trình, nguồn vốn cho vay. Đồng thời rà soát nhu cầu, thực hiện bình xét cho vay, đảm bảo 100% người dân có nhu cầu về vốn vay trên địa bàn xã đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Việc duy trì mạng lưới giao dịch như trước khi sáp nhập, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh không phải đi xa, tạo sự ổn định, yên tâm trong tiếp cận vốn vay. Theo lãnh đạo phòng giao dịch NHCSXH Lắk, sau sáp nhập, dù còn nhiều việc phải làm, song hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Phòng giao dịch NHCSXH Lắk quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh ngày càng phát triển trong giai đoạn mới.
Phòng giao dịch NHCSXH Lắk
- Đại hội Chi bộ Quân sự xã Liên Sơn Lắk lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030
- Đại hội Chi bộ Công an xã Liên Sơn Lắk lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030
- Họp các tiểu ban Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Liên Sơn Lắk lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030
- Đại hội Chi bộ Cơ quan Đảng lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030
- Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liên Sơn Lắk trồng hoa chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030