Sáng 21/4, Bộ Tài chính tổ chức lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc. Lễ công bố được tổ chức trực tuyến đến trên 400 điểm cầu của 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tham dự tại điểm cầu Tổng cục Thuế có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tham dự tại điểm cầu huyện Lăk có đồng chí Nay Y Phú – Chủ tịch UBND huyện, Lãnh đạo chi cục thuế Chi cục thuế Lăk – Krông Bông, cùng các phòng ban liên quan.
Theo lộ trình triển khai hoá đơn điện tử, Giai đoạn 1 triển khai tại 6 tỉnh, thành trên cả nước, bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ đã kết thúc thành công. Ước tính, đến ngày 31/3/2022, đã có gần 442 ngàn doanh nghiệp và trên 20.600 hộ cá nhân kinh doanh chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý là trên 58 triệu hóa đơn với thời gian cấp mã cho một hóa đơn chỉ khoảng 0,01 giây. Giai đoạn 2 từ ngày 1-4 đến 30-6, được tổ chức ở 57 địa phương còn lại chiếm 40% hóa đơn điện tử và 30% số lượng doanh nghiệp.Tổng cục Thuế đặt ra lộ trình đến hết ngày 10-5, phải hoàn thành tối thiểu 50%, đến hết tháng 5 hoàn thành 90% và đến hết tháng 6 hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo Tổng cục Thuế, hóa đơn là chứng từ đặc biệt, để ghi nhận giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giữa người bán và người mua. Đồng thời, hóa đơn cũng chính là tài liệu để làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Việc sử dụng hóa đơn của người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước. Do vậy, quản lý hóa đơn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung. Việc áp dụng hóa đơn điện tử đã mang lại nhiều lợi ích, góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho doanh nghiệp, hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn; giúp doanh nghiệp giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và nhất là chi phí lưu trữ hóa đơn…Đặc biệt, việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cảc doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả ban đầu của ngành thuế và địa phương trong triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Vì chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.Việc thực hiện thành công hóa đơn điện tử là một mũi tên trúng nhiều đích. Đó là góp phần thay đổi quy trình quản lý, phát triển thương mại điện tử, hướng tới nền xã hội số, công dân số…
Bên cạnh những thành quả đạt được, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng chiến lược chuyển đổi số, đào tạo nhân lực có trình độ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với sự phát triển. Dữ liệu tại hóa đơn điện tử phải đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện các hành vi gian lận, gây thất thu thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, đơn vị hiểu được tầm quan trọng, lợi ích của hệ thống hóa đơn điện tử để tham gia đầy đủ, đạt mục tiêu đề ra./.
Văn Hoan
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Chi cục thuỷ sản Đăk Lăk thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản năm 2024
- Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đợt I năm 2024
- Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước