Phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách với mô hình nuôi lươn

Sau khi tìm hiểu thực tế tại các trang trại nuôi lươn trong bể xi măng tại tỉnh Bình Dương. Tháng 5/2024, Anh Y Tiến Ênuôl ở Buôn Bhuôk, xã Yang Tao đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư xây dựng bể và mua 80 kg giống lươn  về nuôi với tổng trị giá  hơn 30 triệu đồng.

Mới đầu với nguồn vốn vay này, anh Tiến đã đầu tư 2 bể nuôi lươn thương phẩm. Mỗi bể có diện tích hơn 12 m2, 1 bể anh nuôi hơn 60kg giống lươn lứa vừa và 1 bể khoảng 20 kg lứa lươn thương phẩm. Anh Tiến sử dụng dây nhựa cột thành từng chùm để làm tổ, vừa là nơi trú ngụ, vừa là nơi cho lươn ăn. Mỗi lứa lươn nuôi từ 5 đến 6 tháng, do được học tập kinh nghiệm nuôi lươn ở các trại lươn giống và thương phẩm từ trước nên lươn của anh ít bị bệnh, lớn nhanh, đến nay anh cho biết đã bán ra thị trường được được 18 kg lươn thương phẩm, với giá từ 160  nghìn đồng/kg. Theo anh Tiến cho biết: Nuôi lươn trong bể xi măng có nhiều ưu điểm như: giảm công lao động, mất ít thời gian chăm sóc; giảm diện tích, dễ vệ sinh, nếu thị trường tiêu thụ tốt có thể cho ổn định trong tương lai.


Để tạo nguồn vốn cho các gia đình mở rộng sản xuất, tạo sinh kế cải thiện đời sống gia đình. Thời gian qua, Đoàn thanh niên xã Yang Tao đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện nhận uỷ thác với dư nợ hơn 20 tỷ đồng,  quản lý 09 tổ vay vốn và tiết kiệm.

Việc sử dụng kịp thời, đúng mục đích đối với nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, giúp các hộ vay vốn mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đoàn viên, thanh niên  ổn định cuộc sống.

 H Yur Je