Đoàn thanh niên xã Buôn Triết phát huy hiệu quả chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn

Nhiều năm qua, thông qua chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Lắk, nhiều hộ gia đình thuộc diện thụ hưởng như được “tiếp sức” để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống. Tại xã Buôn Triết thông qua Đoàn thanh niên chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn này đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các gia đình trẻ, đoàn viên thanh niên của xã tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Đoàn thanh niên và Hội nông dân xã Buôn Triết đi kiểm tra mô hình sử dụng vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội huyện.

Đoàn thanh niên xã Buôn Triết hiện đang quản lý 6 tổ trong đó có 3 tổ là thôn người kinh và  3 tổ là buôn đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 304 hộ vay  tổng dư nợ đến thời điểm này là 17 tỷ 200 triệu đồng. Người dân ở đây chủ yếu phát triển kinh tế chủ yếu là cây nông nghiệp nhỏ: Lúa nước, ngô lai, sắn,… và một số ít diện tích cây trồng khác như: cà phê, tiêu, điều, cây ăn quả… Ngoài ra, còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Trong năm qua, do dịch bệnh diễn biến phức tạp hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại không nhỏ về năng suất và chất lượng cho nông sản, vật nuôi của nhân dân. Từ đó khiến nhiều hộ gia đình có nguy cơ rơi vào cảnh tái nghèo, cận nghèo. Để tạo “bệ đỡ”cho các hộ gia đình đoàn viên thành niên tham gia lập nghiệp, Đoàn thanh niên xã Buôn Triết đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lắk triển khai hiệu quả nguồn vốn cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Theo đó hiện trên địa bàn xã có 124 hộ vay với tổng số tiền vay là 5 tỷ 540 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội em Trần Thị Ánh Nguyệt đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Gia đình em Trần Thị Ánh Tuyết ở thôn Đoàn kết 2, xã Buôn Triết vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vào năm 2021 đến nay đã hơn 3 năm. Từ nguồn vốn vay, gia đình em Trần Thị Ánh Tuyết đã có vốn để chăm sóc hơn 6 sào cây cà phê, nên đến nay cây cà phê đã có năng suất tốt hơn, mỗi năm cho thu hoạch hơn 2 tấn nhân. Bên cạnh đó diện tích hơn 4 sào cà phê kém hiệu quả gia đình đã chuyển đổi trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chôm chôm, nhãn đến nay đã cho phát triển tốt.

Đoàn thanh niên và Hội nông dân xã hướng dẫn đoàn viên cách chăm sóc cây sâu riêng

Nói về việc giám sát sử dụng nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn xã Buôn Triết, anh Nguyễn Văn Thiêm – Bí thư Đoàn xã Buôn Triết cho biết: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội huyện Lắk, trong thời gian tới Đoàn thanh niên xã Buôn Triết sẽ tiếp tục phối hợp với ban tự quản, các tổ TK&VV nắm bắt tình hình, hoạt động hàng thàng, quý báo cáo kịp thời, quá trình sử dụng các nguồn vốn vay tại các thôn, buôn để có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình thực hiện. Phối hợp với chính quyền lồng ghép các chương trình, mô hình về sản xuất kinh doanh, tư vấn định hướng và lựa chọn đối tượng đầu tư hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức hội cấp xã…

 H Yur Je