Phiên họp thứ năm ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Sáng 19/7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 5 để đánh giá tình hình thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp. Tại điểm cầu huyện Lắk chủ trì cuộc họp có đồng chí Nay Y Phú – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lắk.

Theo Ban Chỉ đạo, 6 tháng đầu năm, công tác cải cách hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một cách đột phá, có nhiều hiệu quả tiicsh cực. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đề ra 3.003 nhiệm vụ. Tính đến ngày 21/6/2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt 46,09% so với kế hoạch đề ra. Đến nay có 31,16% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ TTHC được số hóa. Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp hơn 4.400 Dịch vụ công trực tuyến; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, tăng hơn 3 lần…

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính như: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị; giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; kinh nghiệm và giải pháp sắp xếp cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập; kinh nghiệm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính gắn với thực hiện chuyển đổi số…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục cải cách hành chính  hiệu quả, nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát về công vụ. Sửa đổi, triển khai có kết quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

H Yur Je