Nghị quyết của ban chấp hành Đảng bộ huyện về phân công Đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2023-2025

Đến cuối năm 2022, toàn huyện có tổng số 19.284 hộ/78.254 nhân khẩu. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều có 4.868 hộ, chiếm tỷ lệ 25,24% (giảm 3,87% so với cùng kỳ năm 2021); tỷ lệ hộ cận nghèo có 3.512 hộ, chiếm tỷ lệ 18,21% (tăng 1,59% so với cùng kỳ năm 2021).Nhìn chung, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng lên.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn Đảng bộ huyện Lắk hiện có 51 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 14 đảng bộ và 37 chi bộ cơ sở, với  3.305 đảng viên, trong đó: 1.142 đảng viên nữ (chiếm tỷ lệ 34,55%), có 1.419 đảng viên người dân tộc thiểu số(chiếm tỷ lệ 42,93%).Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn quan tâm đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên; đa số đảng viên đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, rèn luyện phẩm chất đạo đức, trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng huyện Lắk giàu đẹp, văn minh.

Tuy nhiên, công tác vận động, tuyên truyền giúp đỡ nhau thoát nghèo còn hạn chế, sự vào cuộc thực hiện chương trình giảm nghèo, thoát nghèo chưa thực sự đồng bộ và quyết liệt; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện còn cao so với mức bình quân chung hộ nghèo của cả tỉnh; nguồn lực phân bổ cho chương trình còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực từ cộng đồng còn hạn chế; một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo chung, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, mặc dù có khả năng thoát nghèo nhưng chưa chủ động vươn lên thoát nghèo; trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo đôi lúc còn thiếu sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành và bộ phận liên quan; hộ nghèo tại một số địa phương còn nhiều hộ gia đình sống neo đơn, tuổi đời cao, khó có khả năng thoát nghèo.

Trước thực trạng trên, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các nội dung, giải phápcó tính đột phá, chiến lược trong việc thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên. Ngày 06/9/2023 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết số 14 về phân công đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2023-2025, định hướng thoát nghèo bền vững đến năm 2030.

Việc giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, thoát nghèo là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Mỗi đảng viên tại các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy phải phát huy được vai trò trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác; tích cực hưởng ứng, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kết quả của việc thực hiện nghị quyết là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng tập thể, cá nhân của từng tổ chức đảng, cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

  • Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện giảm còn 20%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 11%theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025của Chính phủ.
  • Đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện giảm còn dưới 12%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn dưới 07%.
  • Đảm bảo nguồn vốn để 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay; hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc sử dụng vốn vay thực sự đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
  • 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được hỗ trợ về chính sách tín dụng; hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật, về cây giống, vật nuôi; hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở; hưởng thụ văn hoá, thông tin; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý,… để thoát nghèo bền vững.
  • 100% đảng viên thuộc các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy tham gia hưởng ứng, thực hiện hiệu quả nghị quyết; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Về giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới:

  • 100% đảng viên thuộc các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy (trừ đảng bộ các xã, thị trấn) tham gia hưởng ứng thực hiện nghị quyết. Định kỳ hàng năm, vận động mỗi đảng viên hỗ trợ ít nhất từ 01 ngày lương để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo mua sắm công cụ, dụng cụ, trang thiết bị, cây giống, vật nuôi phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế; hoặc hỗ trợ ít nhất 10 cây giống các loại (có giá trị kinh tế như sầu riêng, bơ, mít, chôm chôm, nhãn…) để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp.
  • Đảng bộ các xã, thị trấncử đảng viên thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các thôn, buôn thuộc đơn vị mình kết nghĩa. Mỗi chi bộ cử 100% đảng viên thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại thôn, buôn thuộc đơn vị mình kết nghĩa.100% đảng viên thuộc Đảng bộ các xã, thị trấn tham gia hưởng ứng nêu cao tinh thần thực hiện nghị quyết.
  • Đối với đảng viên đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì vận động hỗ trợ ít nhất 01 ngày lương/năm để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo mua sắm công cụ, dụng cụ, trang thiết bị, cây giống, vật nuôi phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế; đối với các đảng viên không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện sản xuất, phát triển kinh tế. Đảng bộ các xã, thị trấn phân công đảng viên thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ một hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các thôn, buôn thuộc địa phương mình. Đối với các xã có số lượng hộ nghèo, cận nghèo nhiều hơn số lượng đảng viên thì Ban Thường vụ Đảng ủy xã, thị trấn phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cho hợp lý.

Để nghị quyết đi vào hiện thực cuộc sống thì cần có sự vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận các đoàn thể địa phương và của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là vai trò trách nhiệm của các đơn vị kết nghĩa cũng như các tập thể, cá nhân và doanh nghiệp trong, ngoài huyện.

                                                                                                          XT- BT