Lịch sử ngày truyền thống của lực lượng công an nhân dân
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Lực lượng Công an nhân dân ra đời trong khí thế sục sôi của ngày khởi nghĩa giành chính quyền của cách mạng tháng tám vĩ đại tại Hà Nội 19/8/1945. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật CAND, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của CAND và là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
79 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND
Suốt chặng đường 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chăm lo giáo dục, rèn luyện, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, khẳng định lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích, luôn xứng đáng là một lực lượng “Trung thành với Đảng – Tận tụy với dân – Vì nước quên thân – Vì dân phục vụ”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
79 năm song hành cùng đất nước, đã xuất hiện hàng vạn tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an dũng cảm, ngày đêm tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có trên 14.000 cán bộ chiến sĩ công an anh dũng hy sinh, hơn 20.000 đồng chí bị thương tại các chiến trường.
Ngày nay, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự đầy cam go, quyết liệt, máu của cán bộ, chiến sĩ công an vẫn đổ, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh, hàng nghìn đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Mỗi thành tích, mỗi chiến công, mỗi gương người tốt, việc tốt, mỗi sự cố gắng tận tụy của cán bộ, chiến sĩ công an đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; bảo vệ tài sản, tính mạng và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân; đồng thời cũng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hoà bình của Liên Hiệp quốc, giúp đỡ nhân dân các nước bị thiên tai và những điều bình dị đó góp phần vào sự trưởng thành, lớn mạnh của Công an nhân dân, viết tiếp truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
19 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521 lấy ngày 19 tháng 8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là văn bản quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa và sự đóng góp to lớn của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nói riêng. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Thông qua đó để phát huy tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp Nhân dân hướng đến mục tiêu đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự trở thành phong trào tự giác của toàn dân, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là cơ sở để tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá ở cộng đồng dân cư, đảm bảo tính ổn định để phát triển các mô hình sản xuất và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở từng thôn, xóm, bản, làng, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm; quản lý, giáo dục, cảm hoá người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư. Biểu dương khen thưởng kịp thời những quần chúng Nhân dân tiêu biểu trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm.
Sau 19 năm tổ chức triển khai, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Ngày hội trên địa bàn huyện được tổ chức bài bản, đi vào nề nếp, để lại những dấu ấn và có sức lan tỏa cao rộng khắp.
Thông qua các hoạt động Ngày hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh, trật tự, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân; các lực lượng làm công tác an ninh trật tự ở cơ sở ngày càng được xây dựng, củng cố vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đó, nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự đã được xây dựng và phát huy hiệu quả, như các mô hình: Camera giám sát an ninh, tiếng kẻng an ninh …
Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 19 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là dịp để các cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo; các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phối hợp, giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao phó. Lực lượng Công an Luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân phục vụ và dựa vào dân mà làm việc…”, “phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng nhân dân, lễ phép với nhân dân, dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, xây dựng môi trường xã hội yên bình cho cuộc sống của nhân dân; không ngừng đổi mới lề lối, phương pháp công tác, phải làm cho dân ngày càng tin Công an hơn, ngày càng giúp đỡ Công an hơn. Lực lượng Công an nhân dân luôn ghi nhớ, khắc sâu và quyết tâm thực hiện tinh thần “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Quyết tâm “Xây dựng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
(Vy Thuỷ – BT)
- Huyện Lắk hoàn thành khám tuyển nghĩa vụ Quân sự và nghĩa vụ Công an năm 2025
- Tuyên truyền pháp luật về An toàn giao thông cho người dân xã Yang Tao
- Cụm thi đua số 7 Công an cấp huyện tổng kết phong trào thi đua vì An ninh Tổ quốc năm 2024
- Huyện Lăk thực hiện khám tuyển Nghĩa vụ Quân sự năm 2025
- Kế hoạch khám sức khỏe thực hiện Nghĩa vụ Quân sự và tham gia Nghĩa vụ Công an Nhân dân năm 2025