Thảo luận chuyên đề phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên

Sáng ngày 23/12, Giảng viên khoa Du lịch – Trường Đại học Đà Lạt phối hợp với Huyện uỷ Lăk tổ chức buổi thảo luận chuyên đề phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên. Tham dự buổi thảo luận có đồng chí Đào Thị Thanh An – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Lăk, lãnh đạo phòng văn hoá thông tin, các trưởng buôn và già làng buôn Jun, buôn Lê cùng các tổ chức cá nhân kinh doanh, dịch vụ du lịch tại huyện Lăk.

Tại buổi thảo luận các đại biểu được chia làm các nhóm thảo luận và được nghe Đồng chí Đào Thị Thanh An – Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Lăk khái quát về đặc điểm tình hình, cũng như những tiềm năng lợi thế du lịch của địa phương. Giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Đà Lạt trình bày về “Nguồn lực cộng đồng”; thực trạng hoạt động du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đồng thời có những đánh giá về hoạt động du lịch của du khách tại Tây nguyên nói chung và huyện Lăk nói riêng. Qua khảo sát, nhìn chung khách du lịch đến với huyện Lăk là để thoát khỏi áp lực công việc, cuộc sống, tận hưởng cảnh quan thiên nhiên và tìm kiếm những trải nghiệm về văn hoá bản địa. Phần lớn du khách sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại khu/điểm du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống và đi Tour (trekking, đạp xe, chèo thuyền, cưỡi voi,…). Du khách sử dụng dịch vụ ăn uống, mua hàng hoá đặc sản địa phương, tham quan đời sống thường nhật, trò chuyện, chụp hình và tham gia giao lưu văn hoá cồng chiêng hay tham gia vào một phần công đoạn để tạo ra sản phẩm thủ công truyền thống như dệt, gốm, đan lát, rượu cần, cà phê,…

Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi xoay quanh về những vấn đề định hướng phát triển du lịch tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Cái gì làm người dân thích sống ở Lăk? Cái gì quan trọng với người dân trong đời sống hàng ngày của người dân? Nguồn lực nào cần phải cải thiện giúp cho người dân có cuộc sống tốt hơn? Làm sao để du lịch góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương mà không ảnh hưởng đến nguồn lực cộng đồng (nguồn lực chính trị, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực văn hoá, nguồn lực con người, nguồn lực xã hội)? Nhóm khách du lịch nào bà con muốn hướng đến? và sản phẩm dịch vụ du lịch nào ưu tiên khai thác để phục vụ du khách?

Với những ý kiến thảo luận và ý tưởng về du lịch tại buổi thảo luận cho thấy. Trong xu thế xã hội hóa thì ngành du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá được lựa chọn ưu tiên phát triển vì nó gần gũi, thân thiện và gắn liền với thiên nhiên hoang dã, đồng thời bảo đảm về môi trường sinh thái không khí trong lành cho du khách. Việc Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là dịp để các địa phương, cơ quan tổ chức, cá nhân thực hiện dự án chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp định hướng phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lăk nói riêng và tây nguyên nói chung, góp phần thực hiện hiệu quả đưa huyện Lăk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đăk Lăk vào năm 2030./.

Văn Hoan