Krông KNô, tên gọi của dòng sông và cũng là tên gọi một xã nằm ở phía Nam huyện Lắk – Đắk Lắk ngày nay. Trên cao nguyên này, có lẽ ít có vùng đất nào trải qua những khúc quanh lịch sử bi hùng như Krông KNô. Nằm về phía Đông Nam của huyện Lăk, cách trung tâm huyện 40km, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 90km theo Quốc lộ 27 đi tỉnh Lâm Đồng. Phía Bắc giáp các xã Đắk Nuê, Xã Nam Ka và xã Đắk Phơi, huyện Lăk; Phía Nam giáp huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng; Phía Tây giáp các huyện Đắk G’Long, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông; Phía Đông giáp xã Bông Krang, huyện Lắk. Xưa kia, xã Krông Nô là nơi sinh sống lâu đời của người M’nông, do vậy còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống giàu bản sắc như các nghi lễ, lễ hội vòng đời người, lễ mừng lúa mới, mừng nhà mới…. Theo dòng chảy của thời gian, Krông Knô được biết đến như một vùng đất anh hùng có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, nhân dân các dân tộc nơi đây có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, trãi qua 30 năm (từ những năm 1945 – 1975) gian khổ trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là nơi nổ ra những cuộc phản kháng đầu tiên chống sự do thám, thâm nhập, chiếm đóng của thực dân Pháp (1945 – 1954). Dưới sự lãnh đạo của Đảng đồng bào vùng Krông Nô đã cùng đồng bào đánh thực dân Pháp và bọn tay sai, giải phóng buôn làng từ Đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Võ Rựa làm đội trưởng hoạt động tại khu vực huyện Lắk, mặc dù bị kẻ địch kìm kẹp ác liệt, nhưng đồng bào M’nông ở Krông Knô đã bí mật che dấu và nuôi dưỡng cán bộ hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng ở các buôn làng M’nông, nhất là những năm 1953-1954.
Ngày 7-5-1954 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo ra bước ngoặt hết sức quan trọng cho cục diện chiến tranh, giáng một đòn chí tử vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Đắk Lắk trong đó có nhân dân các dân tộc Krông Knô. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại ở Đông Dương. Thực dân Pháp buộc phải công nhận nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia, kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Xã Krông KNô là căn cứ địa cách mạng của Khu VI và của tỉnh Dăk Lăk. Chặng đường 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Krông Knô luôn là chiến trường nóng bỏng và kiên cường. Là căn cứ thành luỹ che chở các cơ quan kháng chiến của Khu VI và của tỉnh trong những thời điểm gian khổ và ác liệt. Trong những giai đoạn đầu của lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nước, xã Krông Knô có tên là xã Dăk R’Pul.
Từ cuối 1959 đến đầu 1960, dưới sự chỉ đạo các đồng chí Ama H’Oanh, Ama Bá, Ama Ring, Ama Nhăk đã xây dựng được các cơ sở cách mạng tại các buôn Liêng Krăk, buôn R’Liêng, buôn Dak Rơ Pul, buôn Yông Brăh (buôn Yông Rla). Đến năm 1961, chi bộ đầu tiên của xã Đắk R’Pul được thành lập. Tháng 9-1962, tại Lạc Thiện (huyện Lắk ngày nay) chiến dịch “An Lạc”, đánh dấu thời điểm ác liệt nhất các cuộc càn quét của địch, du kích trong huyện đã đưa đồng bào M’nông ở hai buôn Dăk Bôk và Yông Hăt vào hang ba tầng để ẩn nấp. Địch đã phát hiện và chúng dùng hơn một tiểu đoàn bao vây, sử dụng mọi loại súng, đạn bắn liên tục vào miệng hang; dùng bom ném xuống. Mỗi tảng đá, gốc cây tại đây, phải chịu hàng tấn bom đạn của quân thù. Nhưng du kích và bộ đội ta đã chiến đấu rất dũng cảm, chống lại quân thù và bảo vệ an toàn từng người dân M’nông ở vùng căn cứ địa cách mạng bẻ gãy nhiều cuộc hành quân “An Lạc” của địch, bảo vệ vững chắc hành lang Nam – Bắc và căn cứ Khu 6. Với những chiến công vang dội đó, đội du kích Krông Knô đã được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương chiến công Giải phóng hạng 3. Phòng chính trị Bộ tư lệnh quân khu 6 đã xuất bản cuốn sách “Đội du kích Krông Knô ”. Sau trận càn quyết “ An lạc” buôn Dắk Rơ Pul lúc bấy giờ được mang tên là xã I.
Sang năm 1971, Phong trào du kích chiến tranh ở xã I đã lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, xây dựng, phát triển và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong giai đoạn trên, quân và dân vùng căn cứ cách mạng (xã I là Krông Knô và xã 2 là Đắk Phơi) đã đẩy lùi hàng chục trận càn, oanh tạc của kẻ thù trước âm mưu bình định các vùng giải phóng ở Dăk Lăk như vùng căn cứ cách mạng H9 (huyện Krông Bông) và H10 (huyện Lắk) bây giờ. Nhờ vậy, những vùng căn cứ cách mạng trọng yếu ở đây không những được giữ vững, mà còn phát triển và mở rộng trên toàn vùng, từng bước đưa sự nghiệp thống nhất đất nước đi tới thắng lợi cuối cùng vào Mùa xuân 1975…
Với các thành tích đó, đội du kích xã I, vùng căn cứ huyện Lăk đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất. Đó là niềm vinh dự không chỉ cho đội du kích xã I, mà còn là niềm tự hào của toàn vùng căn cứ huyện Lăk (H10) thời gian này.
Đất nước đã hòa bình, nhân dân các buôn của xã I (vùng căn cứ trước kia), đã quay trở về lại buôn cũ. Xã Krông Nô đã được Hội đồng chính phủ quyết định thành lập vào ngày 11/11/1974. Sau năm 1975 toàn xã chỉ có 3.339 người, Chi bộ xã có 15 đảng viên, đồng chí Cao Sách làm Bí thư chi bộ, đồng chí Ama Yô làm Phó Bí thư Chi bộ, kiêm Chủ tịch UBND xã. Lúc này dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, quân và dân vừa ra sức tiêu diệt Fulro vừa phục hồi kinh tế sau chiến tranh, tích cực mở rộng diện tích trồng lúa, ngô, khoai, sắn tại chỗ nhằm cứu đói và chống đói.
Trong giai đoạn (1986 – 1995), Dưới sự lãnh đạo, đường lối đổi mới của Đảng như một luồng gió mới thổi đến từng miền quê của đất nước Việt Nam trong đó có xã Krông Knô. Kể từ đây Chi bộ Đảng Krông Knô lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Từ năm 1986 – 1989, Chi bộ Đảng xã Krông Knô có 35 đảng viên do đồng chí H Ngui Rơ Tung làm Bí thư, đồng chí Y Tông Ja (Ama Yô) làm Phó Bí thư – CT xã ; từ năm 1989 – 1995 do đồng chí Y Krang Ndu (Ama Liêm) làm Bí thư. Năm 1986, Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về công tác định canh, định cư Ủy ban nhân dân xã Krông Knô đã bố trí lại các điểm dân cư và tách hộ, mỗi hộ được Ủy ban nhân dân xã chia cho 2000m2 đất để làm nhà và vườn. Tuy nhiên giai đoạn này, do phương thức canh tác còn lạc hậu dẫn đến đời sống đồng bào các dân tộc trong xã gặp nhiều khó khăn, năm nào cũng thiếu ăn, có năm thiếu ăn đến 3 tháng.
Đến năm 1986, cấp uỷ, chính quyền xã Krông Knô thành lập Lâm trường Krông Knô giao toàn bộ diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn xã cho Lâm trường Krông Knô quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh. Lâm trường chia thành 7 đội sản xuất, nhiệm vụ của các đội sản xuất là trồng rừng theo phương thức nông lâm kết hợp, chăm sóc rừng trồng, tu bổ rừng tự nhiên và quản lý bảo vệ rừng, đồng thời mở mang diện tích lúa nước, cây ngô, rau màu khác. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước phát triển. Lâm trường đã cấp giống cây cà phê, ca cao và cây tiêu để phát triển kinh tế vườn, xây dựng hệ thống giao thông, trường trạm.
Trong những năm 1990-1995, Chi bộ Đảng xã Krông Knô 45 đảng viên do đồng chí Y Krang Ndu (AMa Liêm) làm Bí thư , đồng chí Y Sía Buôn Krông làm Phó Bí thư– Chủ tịch UBND xã. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 8 của Trung ương, Nghị quyết 12 của Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk, Nghị quyết 10 của Đảng bộ huyện. Bằng các nguồn vốn 327, 525, 120, vốn xóa đói giảm nghèo… Trong năm 1994, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Krông Knô đón nhận một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, đón nhân danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ do Nhà nước phong tặng. Ngày 5-8-1995, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định Số 94, về việc thành lập Đảng bộ cơ sở xã Krông Knô trực thuộc Huyện ủy Lắk, và tạm thời chỉ định Ban Chấp hành Đảng ủy lâm thời gồm 7 đồng chí, chỉ định đồng chí Y Krang Du (Ama Liêm) giữ chức Bí thư Đảng bộ. Từ đây nhân dân các dân tộc xã Krông Knô dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, tiếp tục đoàn kết, thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Ngày 03 – 04/02/1996, đại hội Đảng bộ xã Krông Knô lần thứ I được tiến hành. Ban Chấp hành Đảng bộ khóa I gồm 7 đồng chí, Đồng Chí Y Sía Buôn Krông làm Bí thư. Đảng bộ đã chú trọng chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa canh, xóa dần tập quán canh tác độc canh cây lúa, sản xuất tự cung tự cấp. …. Công tác giáo dục được quan tâm, xã được công nhận danh hiệu đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp lớp 9 đạt 93%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và kế hoạch hóa gia đình được quan tâm thực hiện.
Trải qua 5 kỳ Đại hội, từ năm 1996 – 2020, Đảng bộ xã Krông Nô đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ, từ một xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn, Krông Nô đang từng bước trở mình vươn lên thành động lực kinh tế phía Đông Nam và là địa điểm du lịch tiềm năng của huyện Lắk. Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đầu tư 11 công trình đường giao thông, với nguồn vốn 9,4 tỷ đồng. Người dân đã đồng lòng hưởng ứng, tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến 3,6 ha đất, 864 cây trồng các loại trên đất, có giá trị trên 1,5 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn. Đóng góp gần 1 tỷ đồng để kéo đường điện thắp sáng đường làng, lối xóm, có 13/14 buôn có đường điện thắp sáng nông thôn. Chính những người dân ở nơi đây có lẽ là những người chứng kiến rõ nét nhất sự đổi thay đó của quê hương.
Ngày 15- 16/6/2020, Đại hội Đảng bộ xã Krông Knô lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 được tiến hành với chủ đề “Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị; Huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; quyết tâm xây dựng xã Krông Knô từng bước phát triển toàn diện theo hướng bền vững”. Dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nay Y Phú – Phó Bí thư Huyện uỷ – CT huyện, cùng 90 đảng viên tiêu biểu đại diện cho 232 đảng viên trong toàn đảng bộ.
Từ sau kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 cho đến nay, toàn xã Krông Nô có: 2.451 hộ với 9.868 khẩu, có 13 buôn đạt danh hiệu buôn văn hoá là nơi sinh sống của 18 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54,68% . Đảng bộ có 20 chi bộ trực thuộc, với tổng số 282 đảng viên. Trong đó, đảng viên người dân tộc thiểu số có 235 đồng chí, chiếm 83 %. Công tác phát triển Đảng được quan tâm trong các chi bộ ít đảng viên, lực lượng công an viên, thôn đội, dân quân, dân tộc thiểu số. Đi đôi với chú trọng bồi dưỡng, đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể và cán bộ thôn, buôn đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.
Đây cũng là nhiệm kỳ ghi dấu ấn với 02 sự kiện nổi bật khi Hang đá Ba tầng được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 454/QĐ-UBND, ngày 06/3/2020 và Di tích danh lam thắng cảnh thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 3247/QĐ-UBND. Ngày 22/11/2021 Về phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kỳ này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Krông KNô tập trung đầu tư các nguồn lực sản xuất nông nghiệp bằng các loại cây trồng chủ lực lúa, ngô, cà phê, tiêu cây sầu riêng.Tổng diện tích gieo trồng đạt 4,680/4,680 ha. Tổng sản lượng cây lương thực (cây có hạt) đạt 20.252 tấn. Mặc dù là xã vùng sâu vùng xa của huyện tuy nhiên với lợi thế có Quốc lộ 27 đi qua trung tâm xã dài gần 8 km là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối với các vùng lân cận như Đắk Phơi, Đắk Nuê, Liên Sơn, Bông Krang (huyện Lắk) và vùng Đam Rông, Lâm Hà (Lâm Đồng). tạo đà phát triển giao thương, buôn. Hiện nay trên địa bàn xã có đến 07 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 181 hộ buôn bán sản xuất kinh doanh với các ngành nghề vật liệu xây dựng; cơ khí; thuốc bảo vệ thực vật, các mặt hàng gia dụng, nhà hàng dịch vụ ăn uống… từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.
Tận dụng tiềm năng đất đại màu mỡ, hệ thống sông suối phong phú, đa dạng, cấp uỷ, chính quyền địa phương chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh dạn đưa cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu, cây ăn trái sầu riêng vào sản xuất,… Trong đó nổi lên các mô hình làm kinh tế giỏi như Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong được thành lập vào năm 2022, gồm 09 thành viên là những người sản xuất chuyên canh và xen canh cây ăn trái trên địa bàn xã, hiện tại có tổng diện tích 20 ha sầu riêng. Trong đó chỉ tính riêng vườn sâu riêng của gia đình ông Chu Văn Thông đã có diện tích hơn 4 ha với trên 500 cây sầu riêng giống Dona và Monthong, năm nay ông Chu Thông Phong ước tính thu được hơn 100 tấn sầu riêng, với giá chốt tại vườn 70.000 đồng/kg, cho thu nhập hàng tỷ đồng. Không chỉ vậy ông Chu Văn Thông còn sẻ chia, giúp đỡ bà con đồng bào các dân tộc trong cộng đồng cùng vươn lên làm giàu. Nhiều hộ đồng bào M’nông, Ê đê, Tày, Thái ở Krông Nô, đã được ông Thông hỗ trợ vốn, giống cây trồng, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật làm vườn, nay đã trở thành hộ khá. Đoàn kết, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, Krông Nô đã và đang thực hiện nhiều mô hình hay, việc làm tốt thắm nghĩa tình đồng bào trên vùng đất có nhiều bà con dân tộc cùng chung sống này.
Diện mạo của Krông Nô ngày này ngày càng đổi thay hơn. Ai đến mảnh đất này, trên khắp các con đường đi vào các buôn làng ghi dấu ấn lịch sử oai hùng như buôn Yông Hắt, Trang Yốk, Phi Dih Ja A, Phi Dih Ja B… đều sẽ thấy thấp thoáng giữa bạt ngàn vườn đồi cà phê, cây ăn trái, đã có nhiều nhà xây mái ngói đỏ tươi mọc lên. Cùng với đó hệ thống cơ sở hạ tầng (điện – đường – trường – trạm) được nhà nước đầu tư, toàn xã đã có điện lưới phục vụ dân sinh; tỉ lệ cứng hoá đường liên buôn đạt 97%; đường nội đồng đạt 65%; hệ thống kênh mương được kiên cố hoá đạt 78%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt 34,5triệu đồng/người; xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hộ dùng điện lưới quốc gia 90% (NQ 100%). Trạm y tế xã vẫn duy trì xã đạt chuẩn về y tế; 100% hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Năm học 2023-2024 trên địa bàn xã có 05 trường học bao gồm: trường THPT Nguyễn Chí Thanh; trường THCS Trần Hưng Đạo; trường TH Quang Trung; trường TH Lê Văn Tám; trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang; với tổng số 2.111 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên có 113 người.
Điểm sáng của xã Krông KNô phải nói đến công tác giảm nghèo. là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất của huyện Lắk. Hiện hộ nghèo của xã còn 356 hộ với 1.583 khẩu chiếm là 18,76 %, giảm 6,65% so với năm 2020. Để đạt được kết quả này, Đảng bộ xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên trong thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo Nghị quyết 05, tính đến nay, toàn xã vận động các cơ quan đoàn thể, đơn vị kết nghĩa và doanh nghiệp hỗ trợ hơn 22 nghìn giống cây ăn trái các loại cấp cho bà con để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh các cây công nghiệp dài ngày, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã và đang chuyển hướng sang trồng cây dâu tằm, đây cũng là loại cây chủ lực thoát nghèo của người dân hiện với 177ha, đang được các hộ sản xuất rất hiệu quả.
Phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, cùng với bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa và truyền thống của địa phương. Nhiệm kỳ này, Đảng bộ và chính quyền xã đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, có trọng tâm để đưa xã Krông KNô ngày càng phát triển hơn… 30 năm truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm và 50 năm hình thành, phát triển ( 11/11/19 74 – 11/11/2024) với những thành tựu và bài học kinh nghiệm quý báu. Chúng ta tin tưởng rằng cùng với sự nỗ lực, đoàn kết thống nhất quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Krông Nô sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, để người dân xã Krông KNô có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và nghĩa tình, góp phần đắc lực tiếp tục đưa huyện Lắk ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp và bản sắc.
- Kế hoạch khám sức khỏe thực hiện Nghĩa vụ Quân sự và tham gia Nghĩa vụ Công an Nhân dân năm 2025
- Huyện uỷ Lăk trao quỹ tiết kiệm làm theo lời Bác
- Lễ công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ huyện ủy về công tác cán bộ
- Hội thi cán bộ tham mưu, giúp việc cấp uỷ cơ sở giỏi năm 2024
- Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ chín HĐND huyện và HĐND xã Nam Ka khoá XII, nhiệm kỳ 2021 – 2026