Tạo khí thế mới, quyết tâm mới, đồng thuận đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống

Huyện Lăk là huyện nghèo của tỉnh Đăk Lăk, phần lớn người dân sinh sống dựa vào nông nghiệp, trình độ sản xuất chưa được cải thiện, nhất  là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh trên diện rộng; quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt có những vùng đất đai kém màu mỡ ở một số xã như Bông Krang, Yang Tao, Nam Ka … đa số người dân tộc thiểu số đều có diện tích đất hoang, vườn tạp chưa được khai thác, gây lãng phí tiềm năng đất đai.

Trước tình hình đó, BCH Đảng bộ huyện Lăk đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05 ngày 5/3/2021 về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp vào điều kiện của từng vùng. Từng bước đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học – công nghệ ra diện rộng, nâng cao chất lượng lao động nông thôn và hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, xây dựng thương hiệu gạo huyện Lăk….

Để triển khai Nghị quyết một cách hiệu quả, nhằm đạt được những chỉ tiêu quan trọng của cả nhiệm kỳ 2020 – 2025 như: phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, chuyển đổi hợp lý, hiệu quả tối thiểu từ 10 – 15% diện tích đất hoang hóa, bỏ trống hoặc đất canh tác bị khô hạn, ngập lụt trên địa bàn. Tập trung chuyển đổi các cây lương thực, cây công nghiệp, cây hoa màu kém hiệu quả, có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây lương thực, cây ăn quả, cây nguyên liệu, cây dược liệu. Tiến hành dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để thí điểm từ 03 đến 05 mô hình trồng các loại cây ăn quả tập trung, với diện tích từ 05 đến 07 ha trở lên, nhanh chóng hoàn thiện đề án vùng sản xuất lúa giống tập trung với quy mô 150 ha theo kế hoạch; tiến tới xây dựng thương hiệu lúa, gạo huyện Lắk. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 760 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 2.600 tấn thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển thủy sản vùng nguyên liệu đối với các loại đặc sản trên địa bàn huyện như: Cá bống, cá thác lác, lươn, cá lóc, cá lăng, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản của huyện…Thường trực Huyện uỷ đã chỉ đạo trực tiếp đến các cấp các ngành bằng việc nêu gương người đứng đầu, người có chức vụ và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện. Đi đầu là các đồng chí trong, Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Huyện uỷ, cán bộ huyện phụ trách địa bàn, tự nguyện trích tiền lương của mình mua giống cây ăn quả tặng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp các hộ dân có giống cây để trồng tạo bóng mát, cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp, tiến đến từng bước tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình. Ở các xã mỗi cán bộ, đảng viên, nêu gương trồng ít nhất 05 cây ăn trái trong vườn nhà, sau đó tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng thực hiện. Kết quả, qua hơn 4 tháng triển khai hiện có hơn 80 tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trên 50 ngàn cây giống các loại, trong đó có hơn 33 ngàn cây mít thái siêu trái. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện được giao trách nhiệm hướng dẫn cho các hộ dân kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống cây ăn trái, đồng thời mở các lớp tập huấn để chuyển giao Khoa học kĩ thuật cho người dân.

Song song đó, cấp quỷ, chính quyền các xã thị trấn đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ từ các ngành chuyên môn của huyện đã xây dựng các nhóm giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hướng tới hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản, thực phẩm sạch như: Lúa, trồng cây ăn quả, rau màu thực phẩm an toàn như: chả cá thác lác, trứng vịt, gạo sạch sản xuất theo phương thức hữu cơ ST24, ST25,  theo hướng mỗi vùng một sản phẩm.

Có thể thấy rằng mới chỉ sau một thời gian ngắn ban hành, với sự quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân trên địa bàn huyện bước đầu Nghị quyết 05 về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Lăk đã và đang từng bước đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần động viên nhân dân hăng hái lao động, sáng tạo, cống hiến để làm giàu cho gia đình và quê hương. Từ Nghị quyết chuyên đề làm lan tỏa một tinh thần, khí thế mới với nhiều quyết tâm để Đảng bộ và nhân dân huyện Lăk đạt nhiều kết quả mới trong nhiệm kỳ 2020 – 2025./.

Vy Thuỷ