Nhân kỷ niệm 75 năm cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9 đài huyện xin trích bài viết “Thành tựu 75 năm phát triển kinh tế: Nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ” của tác giả Bích Hồng đăng trên TTXVN số gần đây.
Trước hết là thông tin các chính sách mới nổi bất có hiệu lực từ 9/2020
Bước sang tháng 09 năm 2020, nhiều quy định pháp luật mới sẽ chính thức có hiệu lực. Có thể kể đến như tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình; Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt; “Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”…
1/ Tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình
Tại Nghị định 82 có hiệu lực từ ngày 01/9, Chính phủ quy định vi phạm một trong các hành vi sau sẽ phạt từ 03 – 05 triệu đồng:
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…
Trong khi đó, tại Nghị định 110 trước đây các hành vi nêu trên chỉ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng.
2/ Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt
Theo đó, trước đây, bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (tức là trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra) sẽ bị phạt cảnh cáo.
Tuy nhiên, theo Nghị định 82 có hiệu lực vào đầu tháng 09 thì quy định này đã bị bãi bỏ.
Ngoài ra, Nghị định 82 cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như:
– Phạt từ 01 – 03 triệu đồng Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh:;
– Phạt từ 03 – 05 triệu đồng. khi đứng ra nhận cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh.
3/ Quy định mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên
Tại Nghị định 84 cũng có hiệu lực từ ngày 01/09/2020, Chính phủ đã có hướng dẫn mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên các cấp. Cụ thể, giáo viên mầm non, giáo viên các cấp phổ thông, trường chuyên biệt được nghỉ hè 08 tuần bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Giáo viên trường trung cấp và giảng viên cao đẳng được nghỉ hè 06 tuần gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Riêng trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
4/ Bảo vệ vị trí công tác cán bộ, công chức là người tố cáo
Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 05/9/2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác. Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo. Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp:
– Được sự đồng ý của người đó
– Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác;
– Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
5/ Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần
Nội dung này được quy định tại Nghị định 88 có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.
Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám.
(Theo quy định cũ, mức hỗ trợ vẫn bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở đối với một lần khám ).
6/ “Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”
Trước đây, năm 2010, tại Thông tư 05, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt tên cho nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ.
Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải lại ban hành ra Thông tư 49, thay thế Thông tư 05. Trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá.
Từ ngày 15/9/2020, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 49 nêu trên. Theo quy định của Thông tư này, trạm thu giá sẽ được trở về với cái tên ban đầu của nó, là trạm thu phí.
Cũng theo Thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.
Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh….
THEO THƯ VIÊN PHÁP LUẬT
Cách đây 75 năm (1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở đầu thời đại mới của dân tộc Việt Nam. Cũng vào năm thời khắc đó, Bộ Canh nông được thành lập. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều biến động theo dòng chảy lịch sử để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Với thế mạnh nông nghiệp, Việt Nam có ưu thế đảm bảo an ninh lương thực hơn phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á, và có vai trò ngày càng tăng trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác.Trong bối cảnh phải chịu sự tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, cơn đại dịch toàn cầu COVID-19 khiến cho ngành nông nghiệp thế giới nói chung, cũng như của Việt Nam nói riêng gánh thêm những thách thức lớn.
Với một đất nước hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, câu hỏi đặt ra lúc này là làm sao vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho đất nước. Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9 trong chuyên mục hôm nay mời quý vị và các bạn nghe chúng tôi điểm lại thành tựu 75 năm hình thành và phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam- trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà mời quý vị cùng nghe.
Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn giành được nhiều thành tựu to lớn, làm tròn vai trò nền tảng, trụ đỡ cho kinh tế nước nhà. Từ một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp, ngành đã bước sang một nền kinh tế hàng hóa hội nhập toàn cầu. Nhờ vậy, an ninh lương thực của đất nước luôn được đảm bảo, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nhiều nông sản có ảnh hưởng tới thị trường thế giới. Thành tựu của sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng cho quá trình xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị – xã hội. Nhờ đó, môi trường sinh thái được cải thiện và an ninh quốc phòng được củng cố.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm và coi trọng. Sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước – từ thời kháng chiến kiến quốc đến giai đoạn thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay.
Ngay khi đất nước mới giành được độc lập, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ngành nông nghiệp đã phát động phong trào toàn dân tăng gia sản xuất và chỉ sau vụ mùa năm 1946 đã đẩy lùi nạn đói năm 1945. Sau khi giải quyết được nạn đói, ngành nông nghiệp đã không ngừng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đóng góp to lớn cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phát triển nông nghiệp thực sự là nền tảng của kinh tế kháng chiến. Nông nghiệp, nông dân trở thành một trục chính của đại đoàn kết dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là động lực cho phát triển nông nghiệp.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống xâm lược, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh, là nền tảng của kinh tế kháng chiến, nuôi quân, đánh giặc, góp phần làm tròn vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Tuy bị hạn chế bởi chiến tranh, nhưng chúng ta đã xây dựng được những cơ sở quan trọng của hệ thống khoa học công nghệ; tạo ra nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, máy cơ giới, quy trình thâm canh, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ…
Sau khi thống nhất đất nước, các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi được đặc biệt chú trọng, xác định là mặt trận hàng đầu. Thời kỳ 1976-1986 đánh dấu việc thực hiện thí điểm thành công cơ chế quản lý mới, chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế khoán theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư trong nông nghiệp và cơ chế sản xuất gắn với thị trường xuất khẩu.
Bước sang thời kỳ đổi mới (1987-2015), ngành nông nghiệp đã có sự tăng trưởng nhanh, bình quân đạt gần 3,7%, góp phần duy trì tăng trưởng ổn định của đất nước. Cùng với tăng trưởng nhanh, cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, gắn với nhu cầu thị trường. Cả nước hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ cho xuất khẩu như lúa, cà phê, chè, thủy sản…Thủy lợi cũng đã hình thành nền tảng phát triển nông nghiệp trong quá trình đổi mới, đóng góp quan trọng vào kết quả đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phòng chống thiên tai, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống người dân. Các chính sách giao đất, giao rừng, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng… trong lâm nghiệp đã giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 28% (năm 1995) lên 39,9% (năm 2012) và dự kiến đạt 42% (năm 2020).
Đất nước đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn phát huy vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho trong nước và hỗ trợ an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác. Điều này đã được khẳng định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu, biến đổi khí hậu ngày càng tác động nghiêm trọng trong sản xuất…
Ngành nông nghiệp luôn chủ động có giải pháp kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất phù hợp để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân.
Ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ đảm bảo sứ mệnh an ninh lương thực, thực phẩm cho quốc gia mà còn xuất khẩu nhiều mặt hàng cho giá trị cao. Trong 10 năm gần đây (2009-2019), tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt trung bình 2,61%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,64%, đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tục tăng, năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chương trình đã đổi thay toàn diện diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nông thôn hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao, nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành như: các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; chính sách đất đai, phát triển hợp tác xã… Cùng với đó, hàng trăm nghìn tỷ đồng được huy động từ các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn qua Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ. Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huy động nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản ở nông thôn, tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Đến tháng 6/2020, cả nước có 5.177 xã, chiếm 58,2% đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã so với cuối năm 2019; trong đó có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Có hai tỉnh là Nam Định và Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Kết quả trên đã vượt xa mục tiêu mà Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đặt ra.
Đứng trước tình trạng chuyển dịch cơ cấu sản xuất chậm, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm nên ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu. Mục tiêu là huy động những nguồn lực mới như khoa học công nghệ, cải tiến quản lý, tổ chức lại sản xuất của nông dân… phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa, sản xuất hàng hóa lớn, tập trung gắn với thị trường, đặc biệt là thay đổi tăng trưởng theo số lượng bằng chất lượng và giá trị. tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất nông lâm thủy sản theo 3 trục sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực cấp địa phương, gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chú trọng tạo đột phá thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực, hiệu quả phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới và hạn chế tác động do thiên tai gây ra.
Thời gian qua, cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, hợp lý, hiệu quả hơn, giảm tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt (từ 49,7% năm 2015 xuống 46,3% năm 2019), tăng tỷ trọng lĩnh vực thủy sản (từ 22,5% năm 2015 lên 25,1% năm 2019 và lên khoảng 27% năm 2021) và tăng lĩnh vực lâm nghiệp (từ 3% năm 2015 lên 4,25% năm 2019).
Trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm có lợi thế và thị trường. Điển hình cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ trong thủy sản, rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản. Địa phương mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất, gắn với chế biến quy mô lớn, có truy suất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý.
Cùng với nhiệm vụ tái cơ cấu, các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ được thúc đẩy và đạt hiệu quả hơn. Đây được coi là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 30%; góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, thời gian qua, thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách, cũng như hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản có trên 52.000 doanh nghiệp. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nafoods, TH, Vinamilk Dabaco, Masan, Lavifood, Doveco, Thương mại và đầu tư Biển Đông…
Nhờ đó, nông nghiệp đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, an toàn thực phẩm được coi trọng; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và từng bước bảo đảm an ninh dinh dưỡng. Sự phát triển của ngành góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 5 năm 2016 – 2020 khoảng 2,71%/năm. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện.
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và trên người gây thiệt hại lớn. Áp lực cạnh tranh từ Hội nhập quốc tế, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn… Trong khi đó, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ đã được khắc phục từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cao của sản xuất hàng hóa lớn, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực.
Với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Xuân Tiệp (Theo TTXVN)
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- V/v hướng dẫn kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, buôn, tổ dân phố
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng Lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ cơ sở năm 2024
- UBND huyện kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá XV tại thị trấn Liên Sơn