Huyện Lắk có tổng số trẻ em trên địa bàn là 20.789 em, trong đó trẻ em dưới 06 tuổi là 9.960; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 385 em; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo là 6.850 em. Số trẻ em được hưởng chính sách trợ giúp xã hội là 374 em. Trong đó: Trẻ em mồ côi 25 em; trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng 41 em, khuyết tật nặng 96 em, 212 trẻ em là con của đối tượng đơn thân thuộc hộ nghèo.
Hằng năm trên địa bàn huyện đều có xảy ra tai nạn thương tích trẻ em ở nhiều lứa tuổi khác nhau và nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo thống kê của UBND huyện cho biết từ năm 2016 đến 2019 toàn huyện có 40 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 21 em bị tử vong chủ yếu do đuối nước.
Để nâng cao chất lượng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho những năm qua đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ trẻ em, hằng năm Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện tổ chức tập huấn công tác bảo vệ trẻ em trong đó, có lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích từ năm 2016-2019 đã tổ chức được 04 lớp tập huấn với hơn 300 người tham gia. Cùng với đó triển khai xây dựng mô hình ngồi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em thí điểm cho 40 hộ gia đình tại Buôn Kdiê I, Xã Đắk Nuê. Kết hợp với cán bộ bảo vệ trẻ em thường xuyên xuống địa bàn tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình để loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em như hướng dẫn sử dụng các thiết bị an toàn trong gia đình; cảnh báo những nơi như ao hồ, sông suối, giếng sâu nơi để xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em.
Các hoạt động có liên quan cũng được triển ở các đơn vị trường học về an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em: Trên địa bàn huyện hiện có 45 trường học trực thuộc, trong đó có 90% trường có hàng rào, biển báo phòng, chống tai nạn thương tích; 100% các trường xây dựng chương trình, thời khoa biểu và bố trí ít nhất 02 tiết/tháng đế tổ chức các hoạt động ngoại khóa về các kỹ năng sổng, trong đó lồng ghép dạy về kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Công tác triển khai xây dựng cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tạo môi trường vui chơi, giải trí, ăn nghỉ bán trú cho học sinh cơ bản được triến khai thực hiện đạt kết quả tốt. Các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em như công tác sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, điều trị cho trẻ em bị tai nạn, thương tích tại cộng đồng do Phòng Y tế huyện triển khai được 20 buổi với 1.500 người tham gia. Cùng với việc triển khai lồng ghép công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố về công tác sơ cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn, thương tích;
Công tác phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ ở trẻ em được triển khai tại các nhà trường bằng các hình thức như: Tổ chức hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tai nạn giao thông đã được một số trường đưa vào các hoạt động ngoại khóa; các buổi hướng dẫn học sinh biết cách sơ cứu người bị tai nạn giao thông được triển khai, kết quả có 45/45 trường triển khai thực hiện. Công an huyện tăng cường tuyên truyền, kiểm tra đảm bảo trật tự, an toàn khi tham gia giao thông đường bộ; phối hợp với các đại lý và công ty Honda hằng năm, nhân dịp lễ khai giảng trao tặng 1.200 mũ bảo hiểu cho học sinh; Các tổ chức đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình (bậc cha, mẹ, người già, trẻ em, thanh niên) về kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích; xây dựng cộng đồng an toàn; lồng ghép tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích vào những hoạt động của đơn vị;
Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn Liên Sơn xây dựng kế hoạch, chi đạo, triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em phù hợp vói tình hình của địa phương. Việc theo dõi, giám sát, đánh giá về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em được các cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn Liên Sơn thường xuyên tổ chức theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin và báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em về ủy ban nhân dân huyện thông qua phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu, chương trình công tác bảo vệ trẻ em đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến gia đình và trẻ em có lúc chưa kịp thời; nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành có mặt còn hạn chế. Nhận thức của gia đình và cộng đồng với công tác phòng, chông tai nạn thương tích trẻ em thật sự chưa đầy đủ, phần nào còn xem nhẹ.Một số gia đình còn khó khăn, tập trung lo kinh tế gia đình, dành ít thời gian cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em; do mâu thuẫn gia đình, nhiêu thói quen, tập quán làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đặc biệt là công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em… do nguồn kinh phí hoạt động mô hình không được bố trí thường xuyên nên từ năm 2018 trở lại đây các hoạt động tuyên truyền lồng ghép bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích trên địa bàn huyện không được triển khai.
Nguyên nhân về những tồn tại hạn chế đó là: Nhận thức về phòng, chống tai nạn thương tích của một bộ phận ngườị dân chưa cao, còn tâm lý chủ quan hoặc do bận công việc mưu sinh nên đôi lúc vẫn còn tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích, trẻ bị đuối nước do không được trang bị các kỹ năng.
Môi trường cộng đồng còn thiếu kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích; sự bất cẩn, các trang thiết bị an toàn cho trẻ em chưa được sử dụng phổ biến, môi trường xã hội còn tiềm ẩn gây tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Ở các đơn vị trường học có các tiết học về bảo vệ trẻ em tránh tai nạn thương tích, song các vụ tai nạn tử vong thời gian qua ở trẻ em chủ yếu do đuối nước, nhưng thực trạng việc dạy bơi cũng như môi trường bể bơi để dạy bơi và cho các em thực hành lại hầu như không có.
Do vậy để khắc phục và giảm được tai nạn thương tích ở trẻ em trên địa bàn trong thời gian tới thì đòi hỏi các cấp các ngành ngoài việc tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về trẻ em, thực hiện tốt kế hoạch xây dựng ở xã, thị trấn Liên Sơn phù hợp với trẻ em tại cộng đồng. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có chức năng liên quan, các xã, thị trấn Liên Sơn cần chủ động phối hợp để triển khai thực hiện nhiều giải pháp, phòng ngừa, giảm thiểu can thiệp sớm tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, trong trường học đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục trẻ em, đưa nội dung huấn luyện kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước vào chương trình giảng dạy cũng như triển khai các hoạt động vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ em, vận động gia đình và cộng đồng thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em; nâng cao ý thức của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng như đầu tư cơ sở vật chất, tập cho trẻ các kỹ năng giữ an toàn cho bản thân; tổ chức thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước và các tai nạn khác.
XUÂN TIỆP
- Huyện Lắk hoàn thành khám tuyển nghĩa vụ Quân sự và nghĩa vụ Công an năm 2025
- Tuyên truyền pháp luật về An toàn giao thông cho người dân xã Yang Tao
- Cụm thi đua số 7 Công an cấp huyện tổng kết phong trào thi đua vì An ninh Tổ quốc năm 2024
- Huyện Lăk thực hiện khám tuyển Nghĩa vụ Quân sự năm 2025
- Kế hoạch khám sức khỏe thực hiện Nghĩa vụ Quân sự và tham gia Nghĩa vụ Công an Nhân dân năm 2025