Sốt xuất huyết là căn bệnh muỗi truyền, diễn tiến rất khó lường, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lan rộng đến các cơ quan, nội tạng, biến chứng sốt xuất huyết nghiêm trọng về tim mạch, phổi, suy đa tạng, xuất huyết não… Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), có khoảng 1 trong 20 người mắc sốt xuất huyết bị chuyển biến nặng, dẫn đến sốc, chảy máu bên trong và tử vong.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng sốt xuất huyết trở nặng: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ) các dấu hiệu nhận biết tình trạng trở nặng hoặc gây ra biến chứng sốt xuất huyết có thể gặp bao gồm chảy máu ở nướu, chân răng, chảy máu từ mũi, nôn ra máu hoặc có máu trong phân, nôn ít nhất 3 lần trong 24 giờ, đau bụng hoặc đau nhức, cảm thấy cực kỳ mệt mỏi hoặc bồn chồn. Khi có các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp và điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết (Dengue Fever) là bệnh nhiễm trùng do virus Dengue lây truyền thông qua vết đốt của muỗi (chủ yếu là muỗi vằn cái Aedes aegypti) mang virus gây bệnh, thường lưu hành ở vùng có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới trên toàn thế giới, chủ yếu ở khu vực thành thị hoặc bán thành thị. Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến khi ước tính 1 nửa dân số trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh, ghi nhận khoảng 100 – 400 triệu ca mắc bệnh mỗi năm.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh sốt xuất huyết có thể tự hồi phục trong vòng 1 tuần hoặc lâu hơn, tùy vào thể trạng của người bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tuy nhiên, đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến tình trạng sốc sốt xuất huyết, biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm như hạ tiểu cầu, cô đặc máu, tràn dịch màng phổi, suy đa tạng…, thậm chí thiệt mạng.
“Sốt xuất huyết với hơn 100 triệu ca mắc mỗi năm và 20.000 – 25.000 ca tử vong, là một thách thức đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng, đánh dấu qua các đợt dịch ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết rất rộng, từ nhiễm trùng không triệu chứng hoặc nhẹ đến hội chứng sốc nặng và suy đa cơ quan như tổn thương gan, tiêu cơ vân, ức chế cơ tim…”
“Khi sốt giảm, đó chính xác là lúc người bệnh cần được bác sĩ khám và theo dõi các dấu hiệu hoặc triệu chứng, để phát hiện kịp thời nguy cơ sốt xuất huyết trở nặng, nhất là khi sốt xuất huyết bắt đầu trở nên nghiêm trọng thường tiến triển rất nhanh chóng, chỉ trong một vài giờ “.
Sau khi sốt giảm, tức là giai đoạn sốt đã kết thúc, đánh dấu cho sự chuyển biến của bệnh sang giai đoạn nặng – giai đoạn xuất huyết, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết tình trạng sốt xuất huyết trở nặng mà người dân cần lưu ý. Theo đó, sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn bao gồm sốt, nguy hiểm và hồi phục:
Giai đoạn sốt: sốt cao đột ngột, liên tục, kéo dài kèm theo các triệu chứng chán ăn, buồn nôn. Nền da xuất hiệu tình trạng xung huyết kéo theo đau cơ, đau khớp và đau 2 mắt. Đồng thời, bệnh nhân có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng;
Giai đoạn nguy hiểm: Thường xảy ra từ ngày thứ 4 của bệnh. Bệnh nhân có thể còn hoặc đã giảm sốt, số lượng tiểu cầu thường giảm đáng kể trong giai đoạn này, cần đặc biệt lưu ý;
Giai đoạn hồi phục: Vào ngày thứ 8 – 9, mức tiểu cầu trở lại mức bình thường, cơ thể người bệnh có thể nổi các nốt ban ngứa trên da trong vài ngày.
Biến chứng sốt xuất huyết thông thường
- Hạ tiểu cầu
Hạ tiểu cầu là một biểu hiện lâm sàng rất phổ biến ở bệnh sốt xuất huyết, luôn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng là một trong những tiêu chí xác định tiềm ẩn về mức độ nghiêm trọng của bệnh lâm sàng.
Tiểu cầu là tế bào máu có kích thước rất nhỏ, với đường kính chỉ bằng 20% hồng cầu, có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, tạo cục máu đông và chức năng chính là cầm máu trong cơ thể. Chỉ số tiểu cầu bình thường trong máu là 150.000 – 400.000 tiểu cầu/μl máu, trung bình là 200.000 tiểu cầu/μl máu. Bệnh nhân sốt xuất huyết được đánh giá là hạ tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu giảm nhanh, dưới mức 150.000 tiểu cầu/μl máu.
Tiểu cầu được sản xuất trong tủy xương và giải phóng vào máu. Trong trường hợp bị tổn thương, tiểu cầu sẽ nhanh chóng đến vị trí đó để tạo ra “nút chặn” ngăn máu chảy quá nhiều. Nguyên nhân gây ra tình trạng giảm tiểu cầu khi bị sốt xuất huyết là do virus gây bệnh tác động trực tiếp vào tủy xương; các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn bệnh đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; tiểu cầu bị tế bào thực bào phá hủy.
- Cô đặc máu
Theo bác sĩ, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, nếu đã qua ngày thứ 5 – 6 mà không xuất hiện tình trạng cô đặc máu và thể trạng tỉnh táo thì dù tiểu cầu hạ thấp cũng không cần phải truyền tiểu cầu và có thể được xuất viện. Trong hầu hết các trường hợp giảm tiểu cầu, thậm chí xuống rất thấp, cũng không gây xuất huyết và sau đó đều tự hồi phục sau 7 – 10 ngày.
Trong khi các trường hợp tử vong thường do đến viện muộn, máu đã bị cô đặc gây sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu và suy đa tạng. Lúc này việc điều trị rất khó khăn và nguy cơ tử vong cao.
Do đó, trường hợp sốt xuất huyết hạ tiểu cầu hầu như không ảnh hưởng đến mức độ nặng của bệnh vì giảm tiểu cầu có thể tự hồi phục, nhưng tình trạng rối loạn huyết động do cô đặc máu sẽ dẫn đến sốc, rất khó điều trị, nguy cơ tử vong rất cao.
Biến chứng sốt xuất huyết nặng cần lưu ý
- Xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu là một biến chứng sốt xuất huyết nặng cần lưu ý. Tình trạng này làm cơ thể mất kiểm soát trong quá trình đông máu, lòng mạch xuất hiện những cục máu li ti, làm tắc vi mạch và suy đa phủ tạng. Nguyên nhân gây ra thường là do lượng tiểu cầu quá ít hay bị suy giảm chức năng hoặc thiếu hụt các yếu tố đông máu. Do đó, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường sẽ suy giảm lượng tiểu cầu đáng kể trong cơ thể, gây ra tình trạng rối loạn đông máu.
Bệnh sốt xuất huyết được chia thành 4 mức độ:
- Độ 1: Sốt cao, mệt mỏi, toát mồ hôi, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn;
- Độ 2: Phát ban đỏ mọc thành đám, mảng, chảy máu chân răng, chảy máu mũi;
- Độ 3: Vật vã, li bì, xuất huyết nặng trong hệ tiêu hóa và âm đạo, suy tuần hoàn, mạch đập nhanh, tụt huyết áp, da lạnh và ẩm;
- Độ 4: Suy đa tạng, xuất huyết nội tạng, sốc nặng, không đo được mạch.
Ở cấp độ 1 và 2, bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ xuất hiện các yếu tố đông máu, bị kích hoạt làm tăng đông máu. Nhưng khi chuyển sang độ 3 và 4, máu sẽ giảm đông và suy giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Vì vậy, nếu được can thiệp và ngăn ngừa rối loạn đông máu kịp thời, bệnh sốt xuất huyết sẽ không chuyển sang độ 3 – 4 và nhanh hồi phục, tránh diễn biến nặng dẫn đến tử vong.
- Sốc do mất máu
Sốc là một trong những biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm nhất, gây ra hiện tượng chảy máu ồ ạt, tăng tính thấm thành mạch, dẫn đến giảm thể tích nội mạch, cô đặc máu dẫn đến sốc (huyết áp rất thấp). Với biến chứng sốc do mất máu, người bệnh có thể biểu hiện ra ngoài với các triệu chứng chảy máu nhiều như chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu qua các vết thương hở.
Theo các chuyên gia, sốc ở bệnh sốt xuất huyết có thể khởi phát đột ngột và tiến triển dai dẳng. Cơ chế sinh bệnh của sốc ở bệnh sốt xuất huyết rất phức tạp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 – 4 của bệnh và lượng tiểu cầu giảm dưới mức 100.000 tiểu cầu/μl máu [4]. Trong hội chứng sốc cổ điển, tăng tính thấm mạch máu dẫn đến mất dịch ở khoang thứ ba, dẫn đến tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng bụng, phù phổi…
- Hôn mê
Khi bệnh nhân bị xuất huyết trong cơ thể, dịch huyết tương có thể tồn đọng ở màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê. Những biến chứng sốt xuất huyết liên quan đến não thường không phổ biến, chỉ chiếm 0,5% trong số 5.400 bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết trong một nghiên cứu của Cam và cộng sự báo cáo, nhưng lại cực kỳ nguy hiểm.
Một trường hợp thực tế ở Ấn Độ, một phụ nữ (68 tuổi) có biểu hiện sốt và đau cơ trong 4 ngày, sau đó cảm giác bị thay đổi trong 1 ngày. Khi phát hiện bệnh và đưa đến bệnh viện thì bà đã trong tình trạng hôn mê với hiện tượng sốt cao (39 độ C), xung huyết kết mạc nhẹ và gan lách to.
Xét nghiệm kháng thể IgM đặc hiệu sốt xuất huyết cho ra kết quả dương tính. Chụp cắt lớp vi tính không cản quang ở não cho thấy nhiều khối máu tụ, được xác định rõ trong nhu mô não và cầu não với phù nề xung quanh. Bệnh nhân đã không qua khỏi tình trạng nhiễm trùng và tử vong vào ngày thứ ba sau khi nhập viện.
- Tràn dịch màng phổi
Theo ước tính, các biến chứng sốt xuất huyết dẫn đến suy hô hấp cấp tính thường phát triển ở khoảng 1,8% ca nhiễm sốt xuất huyết, trong đó tràn dịch màng phổi là phổ biến nhất. Trong những ngày đầu, bệnh nhân sốt xuất huyết thường có triệu chứng sốt cao, nôn và tiêu chảy gây mất nước, cần được truyền dịch để bù lại lượng nước và điện giải đã mất, tránh hiện tượng cô đặc máu.
Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp theo của bệnh, khi bắt đầu xuất hiện tình trạng tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch ra ngoài thì người bệnh cần truyền dung dịch cao phân tử để kéo dịch trở lại lòng mạch, đồng thời tăng cường đào thải dịch ra ngoài bằng các thuốc lợi tiểu.
Nếu trong giai đoạn này, bệnh nhân không tăng cường hỗ trợ thải dịch ra ngoài thì nguy cơ dịch tràn vào phổi, gây viêm và phù phổi cấp. Nếu tình trạng tràn dịch màng phổi xảy ra ồ ạt có thể gây sốc tuần hoàn và dẫn đến suy đa cơ quan.
- Suy thận cấp
Tổn thương thận cấp tính là một trong những biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ phát triển thành bệnh suy thận mãn tính. Theo ước tính, trong số những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải nhập viện, có 3,3 – 4,8% trường hợp ghi nhận bị suy thận cấp, trong đó 14,1% cần phải chạy thận nhân tạo.
Cho đến hiện tại, cơ chế tổn thương thận do virus sốt xuất huyết gây ra vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng hậu quả do biến chứng này gây lại khá nghiêm trọng. Thông thường, bệnh nhân sốt xuất huyết phát triển biến chứng suy thận cấp cần phải nằm viện lâu hơn (trung bình tăng 3 ngày so với bình thường) và tỷ lệ tử vong cũng tăng cao đáng kể.
- Suy đa tạng
Trong những trường hợp sốt xuất huyết trở nặng, hiện tượng rò rỉ huyết tương sâu và sốc giảm thể tích máu có thể dẫn đến suy đa cơ quan, đe dọa tính mạng của người bệnh. Biểu hiện lâm sàng của suy đa tạng sẽ tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng, cụ thể như sau:
Suy thận: Biểu hiện bằng tình trạng giảm lượng nước tiểu (thiểu niệu hoặc vô niệu), tăng nồng độ creatinin và nitơ urê máu, mất cân bằng điện giải;
Suy gan: Vàng da, tăng men gan…;
Suy tim: Hạ huyết áp dai dẳng, loạn nhịp tim, rối loạn chức năng tim;
Thần kinh trung ương: Co giật, hôn mê…
- Xuất huyết não
Xuất huyết não, đặc biệt là xuất huyết nội sọ là một trong những biến chứng sốt xuất huyết nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao. Cơ chế gây bệnh thường kết hợp từ đa yếu tố do sự tương tác phức tạp của các bệnh lý mạch máu, bệnh lý đông máu, rối loạn chức năng tiểu cầu và giảm tiểu cầu. Ở người lớn, khi mắc bệnh sốt xuất huyết, tỷ lệ xuất huyết não chiếm 1% trong sốt ca bệnh, đây chính là nguyên nhân gây tử vong cao ở người lớn.
- Tụt huyết áp, đau đầu
Tụt huyết áp là triệu chứng phổ biến khi bị sốt xuất huyết, gây ra do tình trạng rò rỉ huyết tương dẫn đến cạn kiệt khoang nội mạch và hạ huyết áp. Theo nghiên cứu Nhi Khoa tại Việt Nam, có 7% bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có huyết áp không ổn định, 26% bệnh nhân bị hạ huyết áp ở độ tuổi trung bình là 10. Đối với người lớn, hạ huyết áp có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ sốt xuất huyết trở nặng và tử vong.
Sốt xuất huyết thường biểu hiện lâm sàng với tình trạng sốt cao, buồn nôn, đau cơ, đau khớp và đau đầu dữ dội. Đối với triệu chứng đau đầu thường được mô tả là những cơn đau nhức như “búa bổ” tại trán hoặc sau nhãn cầu, có đến 95% bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ xuất hiện tình trạng này. Tuy nhiên, đau đầu do sốt xuất huyết có một số đặc điểm chung với chứng đau nửa đầu, vì nó thường gây đau nhói và thường liên quan đến buồn nôn, sợ ánh sáng và sợ tiếng ồn.
- Biến chứng ở mắt
Theo báo cáo, các biến chứng bệnh sốt xuất huyết ở mắt do tình trạng giảm tiểu cầu và chảy máu bên trong. Khoảng thời gian trung bình khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng về mắt sau khi sốt xuất huyết khởi phát là 7 ngày (dao động từ 1 – 28 ngày). Một số triệu chứng liên quan đến mắt khi mắc bệnh sốt xuất huyết như mờ mắt, đau mắt, đỏ mắt, rối loạn thị lực màu.
Các biến chứng về mắt từ bệnh nhân sốt xuất huyết phổ biến bao gồm: Xuất huyết dưới kết mạc, viêm màng bồ đào, xuất huyết dịch kính, thoái hóa điểm vàng, phù hoàng điểm, bệnh thần kinh thị giác…
Các biến chứng sốt xuất huyết ở người lớn ảnh hưởng đến mắt như xuất huyết dưới kết mạc, viêm màng bồ đào, xuất huyết dịch kính, thoái hóa điểm vàng, phù hoàng điểm, bệnh thần kinh thị giác…
Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết đối với phụ nữ mang thai
Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ mang thai bị nhiễm sốt xuất huyết có nguy cơ cao tiến triển thành hội chứng sốc sốt xuất huyết gây nguy hiểm và tỷ lệ tử vong tăng gấp 3 lần bình thường. Bên cạnh đó, các báo cáo gần đây liên quan đến nhiễm trùng virus Dengue ở người mẹ trong thai kỳ có thể dẫn đến tính trạng sinh non, trẻ nhẹ cân, thai chết lưu hoặc sảy thai.
- Lây truyền virus cho bé
Trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ, nếu cơ thể người mẹ mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao truyền virus sang thai nhi. Theo nghiên cứu, virus gây bệnh sốt xuất huyết có khả năng đi qua nhau thai và lây nhiễm vào hệ tuần hoàn của thai nhi vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ nhưng xảy ra cao hơn ở những tháng cuối, trước khi sinh.
Nếu người mẹ mắc bệnh sốt xuất huyết, trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, khả năng cao em bé sẽ mắc bệnh do tiếp xúc với máu của mẹ hoặc virus đi qua ống sinh.
- Sinh non
Sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai có thể thúc đẩy quá trình chuyển dạ sớm và sinh non. Trong một nghiên cứu cho thấy, 120 phụ nữ mang thai bị nhiễm virus sốt xuất huyết sẽ có 10% trẻ sẽ bị sinh non (tuổi thai dưới 37 tuần). Theo CDC Hoa Kỳ, trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh sốt xuất huyết trong thai kỳ (đặc biệt là những tháng cuối hoặc trong quá trình sinh nở) có thể nhiễm bệnh và phát triển triệu chứng trong vòng 14 ngày sau khi sinh.
- Trẻ bị nhẹ cân
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có nguy cơ chuyển dạ sớm và trẻ sinh ra thường sẽ nhẹ cân hơn so với bình thường. Trẻ sơ sinh được sinh ra từ người mẹ bị sốt xuất huyết nhẹ có tỷ lệ nhẹ cân là 67% và cực nhẹ cân là 133%.
Điều này ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, trẻ được sinh ra từ mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết khi mang thai có nguy cơ phải nhập viện cao hơn 27% từ khi sinh ra cho đến 3 tuổi.
- Sảy thai
Theo thống kê, có đến 20% trường hợp phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết bị sảy thai. Theo một nghiên cứu, trường hợp xảy thai ở mẹ bầu bị sốt xuất huyết có thể diễn ra trong tam cá nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu và kết luận chặt chẽ về việc bị nhiễm sốt xuất huyết trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai.
Các biến chứng của sốt xuất huyết có thể gây tử vong không?
Các biến chứng của sốt xuất huyết có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời và điều trị đúng cách, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10 – 20%. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và chăm sóc hỗ trợ phù hợp, tỷ lệ tử vong có thể giảm mạnh xuống còn 1%.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể xảy ra biến chứng sốt xuất huyết, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng mà người bệnh không được chủ quan vì bệnh tình thường tiến triển rất nhanh, chỉ 1 – 2 ngày sau khi hết sốt:
- Đau dạ dày dữ dội;
- Nôn mửa liên tục;
- Chảy máu từ nướu răng hoặc mũi;
- Có máu trong nước tiểu, phân hoặc chất nôn;
- Chảy máu dưới da, có vết bầm tím;
- Khó thở hoặc thở nhanh;
- Mệt mỏi;
- Cáu kỉnh hoặc bồn chồn.
Làm gì để hạn chế các biến chứng do bệnh sốt xuất huyết xảy ra?
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên
Sốt xuất huyết thường biểu hiện với triệu chứng điển hình là sốt cao giai đoạn đầu và khi bắt đầu hạ sốt sẽ là thời điểm có thể xuất hiện các biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm, do đó người bệnh cần phải được theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên để nắm bắt được tình trạng bệnh nhằm can thiệp điều trị kịp thời.
Trong trường hợp cơ thể sốt quá cao (≥ 38,5°C) có thể uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4 – 6 giờ.
- Điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Phần lớn các trường hợp đều được chỉ định điều trị ngoại trú theo chỉ định của bác sĩ về các biện pháp hạ sốt, bù nước. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bệnh có dấu hiệu trở nặng, xảy ra các biến chứng sốt xuất huyết, cần phải được theo dõi chặt chẽ, sẽ phải nhập viện để được bác sĩ can thiệp điều trị hiệu quả.
Một số trường hợp đặc biệt có thể được chỉ định nhập viện khi bệnh trở nặng như: Sống một mình, nhà xa cơ sở y tế, gia đình không có khả năng theo dõi sát sao, trẻ nhũ nhi, người béo phì, phụ nữ mang thai, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), người có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu…).
- Bù nước và khoáng chất cho cơ thể
Sốt xuất huyết thường biểu hiện với tình trạng sốt cao, mất lượng lớn nước và chất điện giải, có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu không được bổ sung kịp thời. Do đó, điểm quan trọng trong điều trị bệnh và biến chứng sốt xuất huyết là cần bổ sung đầy đủ nước và khoáng chất cho cơ thể người bệnh.
Phương pháp bù dịch sớm bằng đường uống: nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng với muối. Đặc biệt không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô la vì có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán. Lượng nước cần bù theo nhu cầu của cơ thể, khuyến khích uống nhiều.
- Đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu trở nặng
Trong trường hợp bệnh tình có dấu hiệu trở nặng, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được hỗ trợ điều trị kịp thời. Một số dấu hiệu cảnh báo cho người bệnh sốt xuất huyết như sau:
- Cảm thấy khó chịu hơn dù đã giảm hoặc hết sốt;
- Không ăn, không uống được;
- Nôn ói nhiều;
- Đau bụng nhiều;
- Tay chân lạnh, ẩm;
- Mệt lả, bứt rứt;
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo;
- Không tiểu trên 6 giờ;
- Xuất hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì…
Biến chứng sốt xuất huyết thường tiến triển rất khó lường, dễ gây nguy kịch trong thời gian rất ngắn nếu không được can thiệp kịp thời và điều trị đúng cách, nguy cơ dẫn đến tình trạng sốc sốt xuất huyết, chảy máu ồ ạt, tổn thương da cơ quan, thậm chí là tử vong. Do đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần khẩn trương thăm khám bác sĩ để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
XT-BT (Theo bệnh viện đa khoa Tâm Anh)
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tăng cường tuần tra bảo vệ rừng
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao