Chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ do ảnh hưởng của cơn bão số 6 trên địa bàn tỉnh

Ngày 27/10 Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN của tỉnh có công văn hoả tốc các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động phòng chống các thiên tai lũ lụt, sạt lở đất có thể xảy ra do tác động ảnh hưởng của cơn bão số 06 ( bão Trà My);

Hồi 07 giờ ngày 27/10/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc, 108,6 độ Kinh Đông (trên vùng biển Quảng Trị đến Quảng Nam); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102 km/h), giật cấp 12; Bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h. Dự báo trong 24 giờ tới, Bão di chuyển theo hướng Tây Nam sau chuyển Đông Đông Nam với vận tốc 5-10km/h; đến 07 giờ ngày 28/10, Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc – 109,4 độ Kinh Đông (trên vung biển ven bờ Trung Trung Bộ).

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam hoàn lưu của Bão số 6, từ ngày 27-28/10 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; lượng mưa các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Búk, Krông Năng, Buôn Đôn, Tx. Buôn Hồ, Cư M’gar, Tp. Buôn Ma Thuột phổ biến từ 20-50mm, có nơi lớn hơn 80mm; các huyện còn lại trong đó huyện Lăk có lượng mưa 10-30mm, có nơi lớn hơn 30mm.

Để chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các Thành viên Ban Chỉ huy chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ:

Theo dõi thường xuyên liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh và triển khai các nội dung Phương án của UBND tỉnh về ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; triển khai công tác ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm 2024; chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trong thời gian tới; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.Tổ chức kiểm tra rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư, các vị trí xung yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Phân công trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại gửi về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (thông qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời, chỉ đạo nhằm tránh và hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra.

                                                                                                 XT- BT