Nhằm hưởng ứng hoạt động trải nghiệm giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa qua Ban giám hiệu trường THCS Võ Thị sáu đổ chức cho đoàn học sinh tham gia học tập và trải nghiệm chương trình giáo dục địa phương tại xã Yang Tao.
Khi triển khai hoạt động học sinh đã rất hào hứng tham gia, tự tìm hiểu trước về lịch sử, nắm bắt được các làng nghề của địa phương. Đây cũng là một trong các chủ đề trong tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6 mà nhà trường đã triển khai trương năm học 2021-2022. Cụ thể nhà trường đã tổ chức cho 32 em học sinh khối 6 của trường trải nghiệm thực tế tại làng nghề Gốm buôn Đơng Bắc và dệt thổ cẩm tại Buôn Biap xã Yang Tao. Nghề gốm ở Yang Tao đã nổi tiếng từ khi đồ gốm hiện đại chưa thịnh hành. Các vật dụng được làm ra là: nồi, chảo, bát, đĩa, ấm, chén, ché, chum, bình, thau, chậu, lọ hoa, hồ lô…, có khi cả những con vật như: voi, trâu, bò… được các nghệ nhân chế tác từ trong quá trình lao động sản xuất . Quy trình sản xuất gốm cổ gồm nhiều công đoạn. Nguyên liệu để chế tác đồ gốm là loại đất sét được đánh nhuyễn, không pha trộn, được lấy ở Đăk Sang (tức là nơi có nước sạch) thì khi nung đất mới không bị nổ, gốm của người M’nông không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và di chuyển xung quanh vật để tạo dáng, dùng đá đánh bóng, dùng một que tre để tạo họa tiết hoa văn rồi đem phơi khô. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên khoảng 30 phút. Khi lớp củi trên cùng gần cháy hết người ta bắt đầu lấy ra và tạo màu cho sản phẩm bằng vỏ trấu và mùn cưa. Vì nét độc đáo này mà sản phẩm gốm của buôn Đơng Bắc rất khác biệt, được nhiều người ưa chuộng.
Đến với dệt thổ cẩm tại Buôn Biap xã Yang Tao những người già nơi đây vẫn say sưa ngồi bên chiếc khung cửi để dệt nên những tấm vải thổ cẩm mà mình yêu thích. Chỉ với một khung dệt đơn giản, dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những cuộn len, sợi chỉ đã trở thành những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Không chỉ dệt, thêu những nét hoa văn truyền thống của người M’nông, nghệ nhân còn có nhiều sáng tạo, cách tân trong những sản phẩm thổ cẩm cho phù hợp với phong cách hiện đại, mà không làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc. Sản phẩm làm ra ngoài việc để phục vụ trong gia đình, còn bán cho những ai có nhu cầu nên cũng có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.
Giáo dục lịch sử địa phương và văn hóa thông qua hoạt động trải ngiệm được trường THCS Võ Thị Sáu quan tâm thực hiện. Hành trình không chỉ là chuyến tham quan dã ngoại mà qua đó nhà trường còn lồng ghép hoạt động trải nghiệm, giáo dục đạo đức, kỹ năng phục vụ cuộc sống và giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho học sinh.
Văn Thắng
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tăng cường tuần tra bảo vệ rừng
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao