Chương trình phát thanh ngày 07/10/2020

Download chương trình này

Nội dung chương trình:

– Sở y tế chỉ đạo phối hợp tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh Tay- Chân- Miệng

– Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Lắk 9 tháng năm 2020

– Trạm chăn nuôi và Thú y huyện tặng 100 cây mít Thái cho buôn kết nghĩa.

– Ép người khác uống rượu, bia có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

– Một số thông tin chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các Bộ, Ngành, địa phương cần có giải pháp bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ BHYT.

– Tuyên truyền về phòng chống bệnh bạch hầu

  1. SỞ Y TẾ CHỈ ĐẠO PHỐI HỢP TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY- CHÂN- MIỆNG

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh; Số liệu báo cáo từ đầu năm 2020 đến ngày 03/10/2020 toàn tỉnh ghi nhận có 733 trường hợp mắc bệnh, trong đó số mắc cao tại thành phố Buôn Ma Thuột (193 trường hợp), huyện Cư M’gar (128 trường hợp);

Để chủ động kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo triển khai một số nội dung sau:

  • Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh ngay từ đầu năm học; nhất là công tác phòng chống dịch bệnh, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường;
  • Thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; Tổ chức phổ biến các kỹ năng cho cô giáo, người chăm sóc trẻ về các biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn thực hành cho trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách bằng bước sạch và xà phòng;
  • Trang bị đầy đủ phương tiện vệ sinh cá nhân tại trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và được đặt ở vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng;
  • Tăng cường thực hiện các biện pháp vệ sinh lớp học, làm sạch đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng và các chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt cho học sinh;
  • Giám sát tình hình sức khỏe học sinh tại trường học, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để khám, điều trị trường hợp bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời.
  • BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Ngành Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

                                                                                            XUÂN TIỆP ( SYT)

       2. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Lắk 9 tháng năm 2020

Theo báo cáo của UBND huyện, 9 tháng năm 2020, trên địa bàn huyện xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 12 người, bị thương 12 người, thiệt hại tài sản khoảng 52,5 triệu đồng (giảm 02 vụ, tăng 02 người chết, giảm 02 người bị thương so với cùng kỳ năm 2019). Để giảm được số vụ TNGT là nỗ lực của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã vào cuộc, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ngay từ đầu năm, Ban ATGT huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT; xác định các tuyến đường có nguy cơ cao xảy ra TNGT, từ đó huy động lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự, tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm phòng ngừa tai nạn.

Đồng thời, Ban ATGT huyện đang tiếp tục tuyên truyền chủ đề năm ATGT 2020 “đã uống rượu, bia không lái xe” và Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt …

Từ nay đến cuối năm, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tiếp tục tăng cao nhất là thời điểm Tết dương lịch, Tết nguyên đán. Dự báo tình hình trật tự giao thông trên địa bàn huyện sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao xảy ra TNGT. Do vậy, bên cạnh lực lượng chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, qua đó góp phần ngăn ngừa, kiềm chế tai nạn xảy ra./.

                                                                                      Mai Vân

  1. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tặng 100 cây mít Thái cho buôn kết nghĩa.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện vừa phối hợp với Công ty TNHH chăn nuôi và mua bán gia súc Minh Hiếu buôn Krai xã Bông Krang hỗ trợ 100 cây mít Thái cho 20 hộ dân ở buôn Kdie2, xã Đăk Nuê, mỗi hộ được hỗ trợ 5 cây giống, tổng kinh phí 5 triệu đồng. Đây là một trong những chương trình nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Ban chấp hành đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 mà Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hướng về buôn kết nghĩa.

Buôn Kdie2, là đơn vị kết nghĩa với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, đây là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn của xã Đăk Nuê. Để phần nào giúp đỡ cho bà con, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã huy động nguồn hỗ trợ của Công ty TNHH chăn nuôi và mua bán gia súc Minh Hiếu – buôn Krai xã Bông Krang để đưa cây mít Thái về với địa bàn, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bà con nơi đây.

Được biết, trước khi nhận cây giống, bà con nhân dân được đơn vị kết nghĩa  hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc cây mít Thái, nhằm phát huy hiệu quả trong việc trồng loại cây này, giúp bà con biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt. Việc trao tặng cây giống cho người dân là hoạt động ý nghĩa của đơn vị nhằm thể hiện tình cảm và sự quan tâm của tập thể cán bộ nhân viên Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đối với đồng bào buôn kết nghĩa, góp phần hỗ trợ người dân trong buôn chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp, phủ xanh đất trống, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước cải thiện cuộc sống.

  1. Ép người khác uống rượu, bia có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia:

  1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
  2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
  3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
  4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
  5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
  6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
  7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
  8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
  9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
  10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
  11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
  12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
  13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định

Theo luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với các hành vi: uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia.

Tại Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 15.11 tới đây (thay thế Nghị định 176/2013) có các điểm mới, quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực rượu, bia. Theo đó, tại điều 30 quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

Phạt tiền từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không được uống rượu, bia (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.

Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với các hành vi: uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia.

Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng nếu bán rượu, bia tại các điểm không được bán rượu, bia. Mức phạt có thể lên đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ, trong các chương trình hoạt động văn hóa, sân khấu, điện ảnhthể thao.

                                           Mai Vân (t/h) Theo nhiều nguồn

  1. Năm 2020, 100% người cao tuổi và người khuyết tật có thẻ BHYT

Bộ Y tế cho biết qua rà soát cho thấy cả nước hiện có 11,3 triệu người cao tuổi (NCT) và 6,2 triệu người khuyết tật có thẻ BHYT, chiếm 95%.

Hiện vẫn còn khoảng 5% NCT, người khuyết tật chưa có thẻ BHYT. Số NCT chưa có thẻ BHYT hầu hết thuộc nhóm từ 60 đến 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Có NCT dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ khả năng tài chính mua thẻ BHYT. Trước đó, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT đối với NCT trên cơ sở tính toán khả năng cân đối quỹ.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Theo đó năm 2020, các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ bảo đảm 100% NCT có thẻ BHYT. Lập hồ sơ theo dõi, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, giảm giá vé, tạo điều kiện thuận lợi để NCT được tham quan các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam có cuộc vận động, tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc tham gia BHXH bảo đảm quyền lợi đối với NCT. Bộ Y tế tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, điều trị bệnh mạn tính, tâm thần kinh đối với NCT; chỉ đạo bệnh viện các tuyến bố trí buồng, giường điều trị đối với NCT; chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện, phấn đấu 100% NCT có thẻ BHYT trong năm 2020.

                                                                                             Theo báo Người lao động

Phần cuối chương trình phát thanh hôm nay là tuyên truyền về phòng chống bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu (Diptheria) là gì?

Bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết ra nội độc tố, dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; nặng thì hôn mê, sau đó tử vong. Một số trường hợp biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên. Ở những người không được tiêm phòng, hoặc không được điều trị kịp thời, 10% trường hợp người bệnh sẽ tử vong mặc dù đã dùng kháng sinh và sử dụng thuốc chống huyết thanh.

Ở Việt Nam, khoảng 5 năm nay, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk… Từ rải rác xuất hiện một, hai trường hợp ở một số vùng, gần đây liên tiếp hàng chục bệnh nhân nhiễm bệnh được ghi nhận. Mới đây nhất, Theo thống kê của ngành Y tế Đắk Lắk, tính đến sáng 26-8, toàn tỉnh ghi nhận 39 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 5 huyện Lắk, M’Drắk, Krông Bông, Cư M’gar, Cư Kuin. Trong đó, huyện Krông Bông có 17 trường hợp mắc bệnh, riêng xã Cư Pui có 12 trường hợp tại 7 thôn, buôn.

Nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu là gì?

Tác nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

Bệnh khởi phát cấp tính và các đặc điểm chính là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố bạch hầu làm cho màng mô chết đi và tích tụ trên cổ họng và amidan, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn.

Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Triệu chứng khi bị bệnh bạch hầu là gì?

Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 đến 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Chính vì triệu chứng khá phổ biến nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau:

Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám, có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bạch hầu thanh quản: Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn giọng, ho ông ổng. Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.

Diễn tiến bệnh và những biến chứng nguy hiểm của bệnh

Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan người bệnh xuất hiện các lớp màng dày màu trắng xám, mọc thành từng mảng lớn, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.

Khi mắc bệnh, nếu bệnh nhi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, gây ra bệnh tim mãn tính và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tê liệt hoàn toàn. Bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến trầm trọng khiến người bệnh tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bệnh bạch hầu phòng ngừa và điều trị như thế nào?

Theo ThS.BS Bùi Ngọc An Pha – Giám đốc y khoa hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC cho biết: “Bạch hầu là bệnh có thuốc đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả. Nếu người bệnh ngưng điều trị giữa chừng, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân xuất viện khi chưa khỏi bệnh sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng.”

“Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi”, bác sĩ An Pha cho biết thêm.

Hiện tại, thuốc kháng bạch hầu sử dụng trong điều trị bệnh không được bảo hiểm thanh toán, nên sẽ tốn rất nhiều chi phí. Những ca bệnh nặng, có biến chứng phải kết hợp các giải pháp khác, chi phí khoảng 40 đến 70 triệu đồng. Vì thế việc chủ động phòng bệnh luôn được ưu tiên hàng đầu.

Cách phòng ngừa:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, vì thế nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, để chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.

Vắc xin bạch hầu có trong tất cả các vắc xin kết hợp 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1, hay 6 trong 1, dành cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi:

Vắc xin kết hợp 6 trong 1 Hexaxim hoặc Infanrix Hexa (phòng 6 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB).

Vắc xin kết hợp 5 trong 1 Pentaxim (phòng 5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib) hoặc vắc xin trong chương trình TCMR ComBE Five (Phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B).

Vắc xin kết hợp 4 trong 1 Tetraxim (phòng các bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt).

Vắc xin kết hợp 3 trong 1 Adacel (phòng các bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván).

                                     Theo : VNVCN